Địa hình do bóc mòn

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 42 - 44)

* Các bề mặt nằm ngang và hơi nghiêng

- Di tích bề mặt san bằng cổ (peneplen - bề mặt bóc mòn hoàn toàn): còn sót dưới dạng các bề mặt đỉnh phân thủy giữa các sông suối lớn, các bề mặt đỉnh và phần chia nước bằng phẳng nhưng hẹp, hơi lượn sóng, phân bố trên dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao >2000m. Đây là di tích bề mặt san bằng rộng lớn, thống nhất trong quá khứ - bề mặt Đông Dương có tuổi Paleogen trung (P2) được nâng lên mạnh và gần như bào mòn hoàn toàn, nay chỉ còn lại những diện tích nhỏ hẹp. Tuổi tương đối của di tích bề mặt san bằng cổ này khi xem xét trong mối liên quan với bề mặt Đông Dương và với các bề mặt khác, có thể xếp vào tuổi Paleogen thượng (P3).

- Bề mặt đỉnh san bằng bóc mòn không hoàn toàn (pediplen, pediment): Bề mặt này phân bố rộng khắp trong vùng, trên các đường chia nước phụ và các đồi thoải lượn sóng hoặc phân bậc, ở các độ cao 1000-1800m ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Cam Thắng. Thành tạo bề mặt bao gồm eluvi và đá khối tảng lẫn dăm sạn, trơ sỏi đá, vỏ phong hóa vụn bở litoma và sapolit, có nơi còn bảo tồn tầng phong hóa khá tốt. Tuổi tương đối của bề mặt này là Paleogen thượng - Mioxen (P3-N1).

- Bậc thang bào mòn trước núi (pediment thung lũng): là các dạng bề mặt trước núi kéo dọc theo thung lũng, địa hình hơi nghiêng thoải, phân bố ở các bậc độ cao 1300-1400m ở Sa Pả và 1500-1700m ở Sa Pa, có bề rộng trung bình 300-500m. Trên bề mặt thường phát triển quá trình xâm thực của dòng chảy sông suối. Tuổi tương đối được xác định là Plioxen - Pleistoxen (N2-Q1).

* Địa hình sườn

- Sườn đổ lở (sườn trọng lực nhanh): có nguồn gốc từ các quá trình trọng lực nhanh như đổ lở, sạt lở đá, phát triển liên tục cho đến ngày nay. Tầng phong hóa rất mỏng, hầu hết là tảng lăn, mảnh vỡ đến trơ đá gốc hoặc dưới dạng các bãi đá ở trạng thái liên kết không bền vững. Tuổi của sườn đổ lở là Đệ tứ không phân chia (Q).

- Sườn trọng lực chậm: phát triển trong điều kiện địa chất đặc trưng là các khối trượt hình thành trong tầng deluvi và lớp vỏ phong hóa dày chứa nhiều sét cao lanh trên đá granit, quan sát thấy ở phần sườn tây bắc ngòi Đum (700-1000m) và ở phần phía đông của Mường Hoa thuộc địa phận xã Bản Hồ (400-700m). Tuổi của dạng địa hình này là Neogen - Đệ tứ không phân chia (N-Q).

Hình 2.6. Bản đồ địa mạo khu vực Sa Pa [21]

- Sườn bóc mòn - xâm thực: phân bố ở các phần sườn của các bồn thu nước và những đoạn sườn trên các giông núi có độ dốc tương đối lớn. Nguồn gốc của sườn xâm thực là quá trình sườn bởi các dòng chảy tạm thời, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, bề mặt sườn thung lũng Mường Hoa. Địa hình sườn có nhiều hệ thống các khe rãnh xói mòn - dòng chảy tạm thời của bồn thu nước. Sườn có độ dốc tới 20-250, các giông núi có trắc diện thẳng. Tuổi của sườn này là Đệ tứ không phân chia (Q).

- Sườn bào mòn rửa trôi: phân bố không liên tục và là phần sườn tiếp tục bóc mòn sau quá trình xâm thực. Địa hình mặt sườn bị cắt xẻ bởi các máng trũng của

dòng chảy tạm thời. Tầng phong hóa bề mặt dày trung bình 2m, lớp thổ nhưỡng mỏng do đã bị bào mòn rửa trôi lâu dài sau khi rừng lâu dài sau khi rừng bị phá hoặc bị mất rừng. Tuổi của sườn này được xác định là Đệ tứ không phân chia (Q).

- Sườn rửa trôi - tích tụ deluvi: sườn có trắc diện hơi lõm. Tầng phong hóa dày xen lẫn dăm sạn, tảng lăn, cấu tạo phân lớp thô sơ, thể hiện quá trình tích tụ deluvi theo từng đợt. Tuổi của sườn này là Đệ tứ không phân chia (Q).

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 42 - 44)