Ứng dụng viễn thám xác định hiện trạng trượt lở đất

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 30 - 31)

Trên cơ sở ảnh vệ tinh, có thể xác định các thân trượt thông qua các yếu tố sau:

Vách trượt: Đây là phần đá tiếp xúc khối trượt bị lộ ra trong quá trình sạt lở. Nó là bộ phận thể hiện rõ nét nhất trên ảnh VT, cung cấp cho mắt chúng ta những thông tin hữu ích bởi tone ảnh sáng hơn so với các khu vực xung quanh có lớp phủ thực vật.

Thân trượt: Đây cũng là một bộ phận của khối trượt mà chúng xác định trên ảnh VT, kiến trúc hạt trên thân trượt có thể mịn (trong trường hợp dịch chuyển tịnh tiến cả khối lớn), cũng có thể là kiến trúc thô (các khối trượt bị phá huỷ) tùy thuộc vào kiểu dạng trượt. Do đó, nó cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin để nhận dạng phân loại trượt lở đất.

Sự thay đổi bất thường của các đường tụ thủy: Các đường tụ thủy vốn có xu hướng theo một đường thẳng nhưng bỗng nhiên đột ngột uốn khúc thì nghi ngờ chỗ đó

có xảy ra trượt đất, nhất là khi bên cạnh dòng tụ thủy đó có một dấu vết mang tone ảnh sang.

Sự mờ đi một đoạn nhỏ trên đường tụ thủy: Điều này liên quan đến việc khối đất đá trượt xuống lòng sông, lòng suối làm dòng chảy về phía sườn đối diện, đồng thời phần đất đá phủ trên cũng làm cho dòng suối không thể lộ rõ trên ảnh được.

Độ cong (curvature) của địa hình: Độ cong của sườn là một trong những dấu hiệu xác định mức độ ổn định của sườn. Thông thường những đoạn sườn lồi kém ổn định hơn các phần sườn lõm do có góc của mái dốc lớn hơn.

Trong quá trình tìm kiếm, xác định các vết trượt lở trên tư liệu ảnh Viễn thám sẽ có nhiều đối tượng mang biểu hiện giống như các vết trượt lở. Ngoài việc xác định bằng mắt thường trên ảnh các điểm trượt, các điểm thiếu lớp phủ thực vật, ta còn có thể sử dụng độ phản xạ phổ đối với ảnh Spot để tìm chính xác hơn. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy thì độ chính xác sẽ bị giảm đi đáng kể do sự nhầm lẫn giữa các khối trượt lở đất và nương rẫy, đường giao thông, đất đá ở đáy thung lũng. Vì vậy cần tiến hành lọc bỏ các đối tượng này bằng việc xét tới yếu tố cấu trúc hình thái của vật thể. Bằng phương pháp phân loại ra hiện trạng sử dụng đất và lớp phủ thực vật cùng với cơ sở lý luận, chúng ta cũng có thể loại bỏ những đối tượng như đường giao thông, nương rẫy. Ngoài ra ta có thể tích hợp với việc sử dụng GIS để lọc bỏ những đối tượng là vật liệu ở đáy thung lũng,nơi có độ dốc nhỏ.

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 30 - 31)