c. Địa hình nguồn gốc dòng chảy
3.3.2. Tích hợp độ nhạy cảm trượt lở đất tự nhiên với hiện trạng sử dụng đất
Hoạt động nông nghiệp phát triển tương đối mạnh mẽ, với diện rộng dưới các khoanh vi dạng bậc thang trên ảnh. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, ruộng bậc thang làm tăng khả năng gây trượt trong khu vực khi quá trình di chuyển nước chậm lại, tăng thời gian và lượng nước thấm qua đất khiến nguy cơ xảy ra trượt mạnh hơn hẳn các khu vực khác.
Hình 3.27. Bản đồ nhạy cảm trượt lở đất liên quan với hiện trạng sử dụng đất khu vực Sapa năm 1999
Hình 3.28. Bản đồ nhạy cảm trượt lở đất liên quan với hiện trạng sử dụng đất khu vực Sapa năm 2010
Diện tích đất rừng phân bố chủ yếu trên núi với độ che phủ lớn, mức độ bám rễ của cây vào đất tốt nên khả năng xảy ra tai biến tại khu vực này là tương đối thấp. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa sử dụng là khu vực đáng quan tâm với việc thiếu lớp phủ bề mặt, nhiều nơi có độ dốc địa hình lớn, tạo điều kiện cho tai biến xảy ra.
Dựa trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất của 2 năm, học viên tiến hành đánh giá mối liên hệ giữa mức độ nhảy cảm trượt lở đất với từng thời kỳ. Đối với từng năm, 4 loại sử dụng chính là rừng giàu, rừng tự nhiên, đất nông nghiệp và cây bụi được đưa vào đánh giá trọng số chuyên gia. Theo đó, rừng giàu và rừng trung bình là 2 loại chủ yếu làm giảm nguy cơ trượt lở, còn loại đất nông nghiệp và cây bụi là các yếu tố làm tăng nguy cơ trượt lở. Từ đó ta lập bảng tính toán trọng số chuyên gia cho loại sử dụng đất thành lập bản đồ nhạy cảm trượt lở đất liên quan hiện trang sử dụng đất 2 năm 1999 và 2010.
Bảng 3.13. Trọng số của các loại sử dụng đất cho đánh giá trượt lở đất
Loại sử dụng đất Rừng giàu Rừng trung bình Đất nông nghiệp Cây bụi Trọng số 0,5 1 1,5 2
Bảng trọng số trên được đưa ra trên ý tưởng nếu lấy loại hình rừng trung bình làm cơ sở thì việc chuyển sang loại hình rừng giàu thì mức độ trượt lở đất giảm đi, trái lại đất nông nghiệp và đất trống, cây bụi sẽ làm gia tăng đáng kể trượt lở đất.
Bản đồ nhạy cảm trượt lở liên quan với hiện trạng sử dụng đất 2 năm 1999 và 2010 thể hiện ở 5 mức độ rất yếu, yếu, trung bình, mạnh và rất mạnh cho thấy sự biến động về độ nhạy cảm trượt đối với từng năm trong mối quan hệ với sử dụng đất. Ta có thể thấy rõ sự thay đổi đối với độ nhạy cảm trượt lở đất chỉ dựa vào các yếu tố tự nhiên. Khi có thêm tác động của sử dụng đất cũng là sự tác động của con người vào sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực, cũng như tiêu cực vào độ nhạy cảm trượt lở đất.
Như đã phân tích ở trên, diện tích rừng bị suy giảm được bù lại bằng sự biến đổi sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất trống sang rừng giàu và rừng trung bình. Điều này tạo nên chiều hướng tích cực trong mức độ trượt lở đất trong khu vực. Trong giai đoạn từ 1999 đến 2010, diện tích khu vực có mức độ trượt lở đất mạnh và rất mạnh giảm đi từ 11% xuống 6%, điều này hoàn toàn hợp lý khi độ che phủ tăng
lên. Đồng thời do diện tích cây bụi đã được chuyển sang loại đất nông nghiệp và rừng 19% diện tích thay đổi, đất thổ cư chuyển dần từ nông nghiệp sang trồng rừng làm giảm thiểu nguy cơ nhạy cảm sinh trượt đất.
Hình 3.29 Biểu đồ tỷ lệ các cấp trượt lở đất liên quan đến hiện trạng sử dụng đất năm 1999 (trái) và năm 2010 (phải)
Phân tích cụ thể về vấn đề này, việc đánh giá độ nhạy cảm trượt lở trên từng loại hình sử dụng đất năm 1999 và 2010 là hết sức cần thiết. Quá trình đánh giá trên cơ sở tính toán thống kê theo phần trăm độ nhạy cảm trượt lở đất theo từng loại hình sử dụng đất, và kết quả được tách riêng từng lớp thông tin, đánh giá chúng theo cấp độ nhạy cảm trượt lở.
Hình 3.30. Biểu đồ tỷ lệ mức độ nhạy cảm trượt lở trên loại đất cây bụi năm 1999 (trái) và năm 2010 (phải)
Do diện tích rừng trong khu vực này bị thay đổi không nhiều kèm theo độ nhạy cảm trượt lở không tập trung tại đây vì vậy học viên quan tâm đến loại hình sử dụng đất là cây bụi. Trên loại sử dụng đất này, độ nhạy cảm trượt lở đất ở mức độ trung bình và yếu không thay đổi, tuy nhiên cấp độ mạnh và rất mạnh đã được giảm đi. Một phần là do diện tích cây bụi đã được giảm xuống, thay thế bằng các loại sử dụng đất khác làm giảm nguy cơ trượt lở. Tuy nhiên, cho dù giảm đi nhưng mức độ trượt lở đất mạnh và rất mạnh trong khu vực này vẫn rất cao (giảm từ 37% xuống 33%) – (theo thống kê trung bình cứ 3 mùa lũ thì xảy ra 1 trận trượt lở đất). Điều đó cho thấy việc giảm đi về diện tích cây bụi là có nhưng chưa đáng kể. Chính vì vậy, mặc dù có xu hướng tích cực diễn ra trong đối tượng sử dụng đất này nhưng người dân vẫn rất cần chú ý tới tai biến trượt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Từ đó ta có thể thấy thảm thực vật rừng là một trong những thành phần quan trọng của sinh quyển, chiếm chủ yếu diện tích lục địa trái đất. Thảm thực vật có khả năng điều tiết nhiệt ẩm, làm giảm động lực của nước mưa vào bề mặt đất khi mưa rơi từ trên cao xuống. Hệ thống rễ làm giảm khả năng trượt trên các sườn. Nếu điều kiện này bị mất đi, hệ thống rễ cây biến mất khiến khả năng cố kết của các khối đất đá bị tách ra, tạo điều kiện cho quá trình trượt lở diễn ra ngày càng mạnh. Điều này sẽ xảy ra tại những khu vực biến đổi sử dụng đất từ rừng giàu sang rừng trung bình, rừng trung bình sang đất nông nghiệp và đất trống. Qua đó làm biến đổi toàn bộ hoàn cảnh môi trường theo chiều hướng tốt lên, trong đó có hoàn cảnh thổ nhưỡng, làm cho nền địa chất có tính ổn định cao hơn. Bởi nó là thành phần có sức ảnh hưởng và mối quan hệ sâu sắc với các thành phần khác, trong đó có nhân tố đất đai, thổ nhưỡng.
KẾT LUẬN
Từ những trình bày ở trên, có thể rút ra một số kết luận sau đây:
1. Huyện Sa Pa có địa hình núi cao, bị phân cắt mạnh, cấu trúc địa chất phức tạp cùng với lượng mưa cao nên nguy cơ xảy ra tai biến trượt lở đất là rất cao;
2. Ứng dụng viễn thám – GIS cho phép đánh giá một cách hiệu quả, chính xác tai biến trượt lở đất. Trên cơ sở ứng dụng viễn thám kết hợp với các dữ liệu thống kê, tài liệu thu thập qua quá trình khảo sát thực địa đã xây dựng nên bản đồ hiện trạng tai biến trượt lở đất với 46 khối trượt lở đất trong phạm vi huyện Sa Pa.
3. Ứng dụng GIS trong việc tổng hợp, phân tích các lớp thông tin về địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hiện trạng tai biến khu vực Sapa, đã xây dựng được bản đồ nhạy cảm trượt lở đất. Từ bản đồ này cho thấy các khu vực có độ nhạy cảm cao đến rất cao phân bố tại các xã Tả Giàng Phình, Bản Khoang, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Kim, Nậm Cang.
4. Tai biến trượt lở đất tại Sapa phát triển mạnh trên các dạng địa hình sườn bóc mòn xâm thực phát triển trên đá granit có độ dốc trên 250 , địa hình sườn bóc mòn đổ lở trên đá granit kéo dài từ xã San Sả Hồ tới xã Bản Hồ và các vạt tích tụ trên sườn núi dốc cấu tạo bởi đá granit ở phía bắc xã Bản Hồ, Lao Chải. Các khối trượt điển hình ở khu vực Mống Sến, Sa Pả, đông Bãi đá cổ đều liên quan với hoạt động mở đường giao thông, song đó cũng là các khu vực có độ nhạy cảm tự nhiên cao, liên quan với hoạt động kiến tạo đứt gãy, đá bị dập vỡ, phong hóa mạnh và địa hình thường được cấu tạo bởi các vật liệu vụn gắn kết kém.
5. Bản đồ nhạy cảm trượt lở liên quan với hiện trạng sử dụng đất 2 năm 1999 và 2010 thể hiện ở 5 mức độ rất yếu, yếu, trung bình, mạnh và rất mạnh cho thấy sự tác động của con người vào lớp phủ sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Trong giai đoạn từ 1999 đến 2010, diện tích các khu vực có mức độ trượt lở đất mạnh và rất mạnh giảm đi từ 11% xuống 6%, phù hợp với độ che phủ tăng lên.
6. Thử nghiệm tính toán do biến động loại hình sử dụng đất đối với cây bụi năm 1999 và 2010 cho thấy diện tích cây bụi đã được giảm xuống, thay thế bằng các loại sử dụng đất khác, điều đó đã tác động tích cực tới trượt lở đất. Mặc dù độ nhạy cảm trượt lở đất ở mức độ trung bình và yếu không thay đổi, song cấp độ trượt lở mạnh và rất mạnh đã được giảm đi.
7. Mặc dù kết quả tính toán cho thấy dù mức độ trượt lở mạnh và rất mạnh trong giai đoạn 1999 đến 2010 đã giảm đi (giảm từ 37% xuống 33%), song mức độ trượt lở đất mạnh và rất mạnh trong khu vực này vẫn rất cao. Cần có những giải pháp tích cực hơn nữa đối với sử dụng đất hợp lý và phòng tránh thiên tai tại khu vực Sapa