Xu hướng chung về di chuyển sức lao động sẽ diễn ra như sau: đồng thời với việc giảm lao động trong khu vực sản xuất nông nghiệp là tỷ lệ tăng lao động trong khu vực công nghiệp, các ngành phúc lợi và dịch vụ. Trong các ngành xuất khẩu của nước ta, lao động là nguồn xuất có giá trị nhiều mặt và hợp với quy luật: năng suất lao động thấp di chuyển đến nơi năng suất lao động cao. Lao động nước ta sau khi đào tạo chính quy, có chất lượng cao với phẩm chất cần cù lao động, khéo tay và giỏi nghề có thể xuất khẩu tại chỗ hoặc xuất khẩu đi làm việc ở nước ngoài, vừa tạo ra thu nhập quốc dân, vừa nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ do tiếp cận nền công nghiệp hiện đại.
Những năm trước đây, nhu cầu của một số thị trường lao động nước ngoài tiếp nhận người lao động Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, ra nước ngoài làm việc và đảm nhận những công việc giản đơn (thông thường
với những công việc này, người dân nước sở tại không muốn làm). Đến nay, cùng với trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, dây chuyền sản xuất cũng ngày càng được trang bị hiện đại, chủ sử dụng lao động nước ngoài đòi hỏi trình độ tay nghề của người công nhân ngày càng cao. Không những vậy, việc tăng tiền lương cho người lao động có trình độ tay nghề cao cũng đồng nghĩa với chủ sử dụng lao động càng nhận được thặng dư lớn cùng với sức lao động của người công nhân đã bỏ ra.
Xu hướng của thị trường là đòi hỏi chất lượng người lao động ngày càng cao, tỷ lệ lao động có nghề sẽ dần thay thế và không thể còn chỗ cho lao động phổ thông với những công việc giản đơn.