Xu hướng quốc tế hóa trong việc sử dụng lao động giữa các quốc gia đưa đi hay tiếp nhận lao động vẫn ngày một tăng. Cơ cấu sử dụng lao động cũng ngày một đa dạng. Mặc dù trong giai đoạn hiện nay, lao động phổ thông vẫn chiếm đa số trên thị trường lao động quốc tế nhưng xu hướng chung là sẽ dần dần đi vào sử dụng lao động có trình độ chuyên môn cao.
Chẳng hạn như thị trường Malaysia, hiện do các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp phát triển mạnh nên nhu cầu đối với lao động không chuyên và bán chuyên nghiệp vẫn gia tăng, nhưng đồng thời do trọng tâm phát triển hướng vào tự động hoá cũng như nổi lên của kinh tế tri thức và các ngành công nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu đối với công nhân ngoại quốc có chuyên môn cao cũng ngày một tăng, đặc biệt khi ngành giáo dục trong nước không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu này. Đa số các nước tiếp nhận lao động đều có chính sách cởi mở và ưu tiên hơn đối với loại lao động này. Chính vì vậy, ở trình độ tay nghề cao hơn thì sự dịch chuyển sẽ trở nên tự do hơn trong thị trường lao động toàn cầu.
Bên cạnh xu hướng trên là hiện tượng dịch chuyển việc làm từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển ở Châu Á bởi chi phí lao động thấp là một trong những lợi thế cạnh tranh rất lớn ở các nước này. Xu hướng này mở ra một khả năng mới, cho phép các nước dư thừa lao động thực hiện xuất khẩu lao động tại chỗ, thuận lợi rất nhiều cho người lao động. Tuy nhiên, khả năng này hiện còn rất hạn chế vì nó đòi hỏi lao động xuất khẩu phải có trình độ nghề nghiệp cao mà không phải quốc gia xuất khẩu lao động nào cũng có
sẵn để đáp ứng được.
Trình độ nghề không chỉ căn cứ vào bằng cấp, chứng chỉ của các cơ sở đào tạo trong nước mà phải được xác định qua tuyển lựa, kiểm tra, đánh giá của đối tác nước ngoài. Quan trọng hơn, phải thể hiện trong năng lực làm việc thực sự của người lao động có đáp ứng được đòi hỏi của công nghệ sản xuất, độ phức tạp của công việc mà họ đảm nhiệm hay không. Nhiều lao động Việt Nam được coi là có tay nghề thợ xây nhưng khi nước ngoài tuyển chọn lại không đạt vì chưa thực hiện được những thao tác rất cơ bản của nghề do không được đào tạo bài bản. Học sinh tốt nghiệp nghề hàn ở trường cao đẳng nhưng chuyên gia nước ngoài khó chọn được ngay người có thể bồi dưỡng để làm hàn kỹ thuật cao theo yêu cầu của họ là phổ biến, hầu hết phải đào tạo lại. Như vậy thị trường đòi hỏi lao động được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, đặc biệt là phải phù hợp với công nghệ sản xuất cụ thể, mang tính chuyên môn hoá cao.