Hiện nay, giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp luôn khó khăn khi tìm tiếng nói chung. Một bộ phận học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn khó tìm việc vì trình độ, kỹ năng nghề yếu, không sát với yêu cầu doanh nghiệp. Điều đó có nguyên nhân từ nội dung, chương trình nặng nề, dàn trải; cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho giảng dạy, học tập còn lạc hậu; phương pháp dạy và học chuyển biến chậm, thời gian thực hành ít… Do đó, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động diễn ra cả về mặt số lượng và chất lượng: thiếu công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, kiến thức và kỹ năng nghề của học sinh còn khoảng cách khá xa giữa đào tạo và yêu cầu thực tế của sản xuất.
Tình hình đó đặt ra một yêu cầu cấp bách là phải đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Mô hình hợp tác này đã và đang được các nước phát triển áp dụng thành công, nhưng ở nước ta, nó mới chỉ ở giai đoạn định hướng.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng gần 500 nghìn lao động làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại, tuy nhiên chỉ 30% trong số đó là lao động có nghề.
Tay nghề của người lao động có vai trò quan trọng trong khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Tay nghề thấp hoặc không có nghề khiến lao động Việt Nam chỉ tập trung được ở một số thị trường như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông.,. Đây là những thị trường có nhu cầu lao động lớn, không đòi hỏi quá khắt khe trong việc tuyển dụng lao động. Không chỉ vậy, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ tập trung khai thác và thành công ở những thị trường được xem là “bình dân” mà không thể thâm
nhập các thị trường có thu nhập cao. Chẳng hạn, với những thị trường được xem là thu nhập cao như Mỹ, Canada, Australia và một số nước Đông Âu.,. đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, trình độ ngoại ngữ khá, số lao động doanh nghiệp đưa đi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đơn giản là do không có nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của đối tác. Như vậy, với trình độ tay nghề như hiện nay, chúng ta hầu như bị động trước những đơn hàng về lao động có nghề của đối tác, bởi những nghề đối tác nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng thì ta không đào tạo hoặc có đào tạo nhưng tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của nước tiếp nhận lao động.
Nguyên nhân chính được nhìn nhận đó là: thiếu cơ chế đào tạo lao động xuất khẩu, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước chưa gắn với đặc thù của xuất khẩu lao động. Từ thực trạng nêu trên ta thấy mạng lưới cơ sở dạy nghề lao động đi làm việc ở nước ngoài đã hình thành nhưng liên kết còn thiếu chặt chẽ.