Đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động chưa được quan tâm đồng bộ

Một phần của tài liệu đào tạo nghề cho người lao động việt nam tham gia xuất khẩu lao động - luận văn ths. kinh doanh và quản lý (Trang 31)

2.1.1.1. Doanh nghiệp

Ở nước ta, trong số 166 doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì có tới 100 doanh nghiệp thuộc loại nhỏ, bình quân hàng năm các doanh nghiệp này chỉ đưa đi được dưới 200 lao động đi nước ngoài làm việc. Họ không có đủ năng lực để đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo và tiếp cận thị trường. Chỉ có chưa đến 20 doanh nghiệp hoạt động có tính chuyên doanh, có chức năng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là nhiệm vụ chính và nhờ vậy hoạt động có hiệu quả cao.

Các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay chủ yếu mới đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động. Các doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề thì đào tạo nghề ngắn hạn là chính. Một số ít có trường dạy nghề nhưng cũng không thể đào tạo được nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường.

Một số doanh nghiệp hoạt động có tính chuyên doanh đã xây dựng lộ trình phát triển hoạt động xuất khẩu lao động đó là giảm thiểu cung cấp lao động không nghề, cung cấp lao động trọn gói cho cả dự án, tiến dần từng bước từ cung cấp trọn gói nhân lực trở thành nhà thầu nhân lực chuyên nghiệp. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Nhân lực và Thương mại VINACONEX, với mục tiêu: “nâng cao số lượng lao động trúng tuyển và chất lượng tay nghề lao động trước khi ra nước ngoài trong khoảng thời gian ngắn”. Việc đào tạo nghề nâng cao trước khi được đối tác nước ngoài tuyển

dụng và sau khi trúng tuyển được công ty đặc biệt coi trọng vì đây là cách làm hiệu quả nhất, đem lại uy tín cho công ty và tiết kiệm tối đa nhất về chi phí cho người lao động. Việc bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động sau khi trúng tuyển được kết hợp với chương trình giảng dạy hiểu biết kiến thức cần thiết về pháp luật Việt Nam về xuất khẩu lao động, pháp luật cũng như phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt và làm việc của nước tiếp nhận lao động, áp dụng việc lồng ghép đào tạo ngoại ngữ trong quá trình đào tạo nghề, cung cấp vốn từ vựng sát với công việc mà người lao động sẽ đảm nhận để người lao động nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống và làm việc khi mới sang làm việc ở nước ngoài. Đối với lao động các nghề đặc thù như thuyền viên, vận tải biển, lao động trong ngành đóng và sửa chữa tàu biển, trên thực tế dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết được tiến hành tại doanh nghiệp xuất khẩu lao động (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành nghề trong đó có chức năng xuất khẩu lao động). Nắm bắt nhu cầu về thị trường, những doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động có tính chuyên doanh đã xác định nhu cầu ngành nghề của các đối tác nước ngoài và đầu tư có chiều sâu, sát với yêu cầu của đối tác nước ngoài về cơ sở vật chất giảng dạy với đội ngũ giáo viên dạy nghề có tay nghề cao đã qua thực tiễn ở nước ngoài nhiều năm. Kết quả đã đào tạo nâng cao tay nghề cho hàng chục nghìn lao động, được đối tác đánh giá cao và một số doanh nghiệp đã được phía nước ngoài chọn làm cơ sở thi tuyển cấp chứng chỉ quốc tế. Hầu hết các doanh nghiệp này đều đáp ứng được các đơn hàng có yêu cầu tay nghề cao. Lao động các nghề đặc thù như thuyền viên, vận tải biển, lao động trong ngành đóng và sửa chữa tàu biển.,. trên thực tế dạy nghề, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động được tiến hành tại doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành nghề trong đó có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài) có

đủ điều kiện như Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.,. Nguồn lực đào tạo một phần do doanh nghiệp đầu tư, một phần huy động đóng góp của người lao động theo mức thoả thuận của hai bên.

Bên cạnh những doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động chuyên doanh, hầu hết những doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa thể khẳng định chất lượng lao động của mình với đối tác nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp có trung tâm đào tạo với quy mô nhỏ, chỉ phục vụ được số lượng chưa đến 100 người, hầu hết việc đào tạo cho người lao động mới chỉ dừng lại ở việc dạy ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, phong tục tập quán, điều kiện làm việc, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với một số hợp đồng cụ thể, có thể được dạy kỹ năng nghề ở mức đơn giản, thời gian đào tạo từ 1 đến 6 tháng. Thông thường, phần lớn những doanh nghiệp này mới chỉ dừng lại khai thác các hợp đồng cung ứng lao động phổ thông, do vậy công tác đào tạo nghề chưa được quan tâm đầu tư một cách thích đáng. Do vậy, về lâu dài chất lượng lao động do các doanh nghiệp này cung ứng cho thị trường lao động quốc tế sẽ không thể đủ khả năng cạnh tranh với các công ty xuất khẩu lao động hoạt động chuyên doanh cũng như khả năng cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu lao động.

2.1.1.2. Hệ thống các trường đào tạo nghề

Mạng lưới cơ sở dạy nghề trong thời gian qua đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc, đa dạng về hình thức sở hữu, đa dạng hóa loại hình đào tạo và đa dạng hóa những trình độ đào tạo. Năm 2009 đã có 107 trường cao đẳng nghề, 264 trường Trung cấp nghề và 684 trung tâm dạy nghề và hàng nghìn cơ sở giáo dục có dạy nghề và khoảng 1000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã mở các lớp dạy nghề. Song yêu cầu về lao động kỹ thuật cao, có kỷ luật còn thiếu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động theo yêu cầu, cộng với ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn

cầu, nên hàng triệu người không có việc làm, thiếu việc làm.

Quy mô tuyển sinh học nghề tăng nhanh hàng năm. Quy mô tuyển sinh dạy nghề trong ba năm (2007-2009) là 4,675 triệu người, trong đó năm 2007 là 1,43 triệu người, năm 2008 là 1,538 triệu người, năm 2009 là 1,707 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2009 đạt trên 26% (năm 1998 dưới 10%). Công tác xã hội hóa dạy nghề đã được đẩy mạnh, số lượng cơ sở dạy nghề tư thục tăng nhanh, đã xuất hiện một số cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên năng lực hệ thống dạy nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu lao động trình độ cao. Nhận thức của xã hội về công tác dạy nghề chưa có chuyển biến rõ rệt, cá biệt có những địa phương chưa tham gia vào công tác dạy nghề.

Các ngành đào tạo lao động các nghề phổ biến như hàn, cơ khí, nề, mộc, bê tông, cốt thép, chế biến gỗ, chế biến nông sản, thực phẩm, may mặc theo chương trình dài hạn hoặc ngắn hạn. Người lao động là học sinh đang học, đã ra trường nhưng chưa có việc làm, hoặc có việc làm nhưng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đối với một số hợp đồng cá biệt yêu cầu bồi dưỡng thêm kỹ năng nghề nghiệp thích ứng với công nghệ sản xuất của đối tác, số lao động này về cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp.

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng nghề đã đào tạo được lao động kỹ thuật cao như công nghệ thông tin, sỹ quan hàng hải, chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục, xây dựng sử dụng thành thạo ngoại ngữ về cơ bản đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp.

Việc đào tạo lao động phục vụ cho xuất khẩu chỉ là một nhiệm vụ nhỏ trong nhiều chức năng, nhiệm vụ của hệ thống các trường nghề. Hiện nay, mới chỉ có một số ít các trường nghề quan tâm khai thác việc đào tạo lao động xuất khẩu, coi đây là một chiến lược lâu dài trong hoạt động của mình. Vậy,

muốn thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề cho người lao động Việt Nam tham gia xuất khẩu lao động, không chỉ các doanh nghiệp và các trường nghề phải hoạt động đào tạo một cách đồng bộ hơn nữa nhằm phục vụ mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế, thậm chí cần phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để đào tạo chuẩn nghề cho người lao động, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác nước ngoài.

2.1.1.3. Mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp xuất khẩu lao động Doanh nghiệp xuất khẩu lao động mới chỉ đầu tư, tham gia dạy một số nghề đặc thù, chi phí ít tốn kém mà khả năng thị trường lao động Việt Nam không cung cấp đủ. Còn lại, các ngành nghề khác chủ yếu là tuyển thẳng từ thị trường và các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ bổ túc thêm để nâng cao kỹ năng nghề thích ứng với thị trường lao động.

Việc tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, chủ yếu từ các địa phương, từ nhà máy, xí nghiệp, nhưng đại bộ phận số lao động có nghề đều đã được đào tạo trong các trường dạy nghề, sự hợp tác giữa doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cơ sở dạy nghề trong dạy nghề, huấn luyện, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhỏ lẻ, có tính chất thời vụ, chưa có chiến lược lâu dài. Số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đến tuyển trực tiếp tại các cơ sở dạy nghề tăng nhưng quy mô còn nhỏ.

Đào tạo nghề là giải pháp đột phá tạo điều kiện cho người lao động có thêm cơ hội tìm được việc làm ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa đào tạo nghề và xuất khẩu lao động thời gian qua còn nhiều bất cập, cơ sở dạy nghề không nắm được nhu cầu của các doanh nghiệp để đào tạo còn doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì không tìm được lao động đạt trình độ tay nghề

theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Một phần của tài liệu đào tạo nghề cho người lao động việt nam tham gia xuất khẩu lao động - luận văn ths. kinh doanh và quản lý (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)