Chính sách tài chính – tiền tệ của các quốc gia

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 38)

Tình hình kinh tế của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và các nước Châu Âu có ảnh hưởng lớn đến giá vàng thế giới. Các nước này có nền kinh tế thị trường và một nền tài chính phát triển mạnh, khi nền kinh tế của các nước này biến động, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia khác do sự bùng nổ của kinh tế toàn cầu. Năm 2011 là năm giá vàng biến động mạnh, ngoài các nhân tố tác động khác, giá vàng cũng biến động sát với diễn biến thỏa thuận nâng trần nợ công của Mỹ cũng như các động thái trong việc giải quyết khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Trần nợ công Mỹ chính là giới hạn được đặt ra bởi Quốc hội Mỹ, quy định mức tối đa mà chính quyền liên bang có thể đi vay một cách hợp pháp. Mức này được áp dụng trên số nợ đối với các trái chủ và các quỹ ủy thác như an ninh xã hội và chăm sóc người già. Mức trần nợ đang áp dụng hiện nay của Mỹ là 14,294 nghìn tỷ USD, con số này đã được nâng lên tổng cộng 74 lần kể từ năm 1962. Trước những tín hiệu tốt của thỏa thuận nâng trần nợ công, giá vàng thế giới giảm. Ngược lại, khi những tín hiệu xấu báo hiệu khó có thể nâng trần nợ thì giá vàng thế giới tăng cao. Tuy nhiên, ngay sau khi giá vàng thế giới giảm vì thỏa thuận nâng trần nợ công được chấp thuận thì giá vàng thế giới lại tăng lên do chưa có biện pháp thuyết phục để tiến hành lộ trình nâng trần nợ và các tín hiệu xấu từ các cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu.

34

Hình 1.4 : Biến động giá vàng thế giới với các mốc nâng trần nợ công Mỹ

(Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu từ Phụ lục 03)

Nhìn vào hình 1.4 ta thấy, về cơ bản giá vàng thế giới biến động tăng do những tín hiệu xấu từ nền kinh tế thế giới. Tại thời điểm đầu tiên (vị trí số 1 trên trục hoành), ngày 29/4/2011 giá vàng thế giới là 1297 USD/ounce. Đến 16/5/2011 (vị trí số 2), lần đầu tiên cảnh báo chính thức về việc Mỹ đã chạm mức trần nợ được công bố bởi bộ trưởng tài chính Mỹ, thúc giục Quốc hội nâng trần nợ công để bảo vệ uy tín của nước Mỹ và tránh các thảm kịch kinh tế cho người dân. Nhưng Quốc hội đã không có động thái nào, nhiều Nghị sỹ Đảng dân chủ và Cộng hòa nói rằng họ sẽ không nâng trần nợ trừ phi Quốc hội và Tổng thống đồng ý cắt giảm chi tiêu một cách đáng kể và tìm kiếm mọi biện pháp để kiềm chế nợ. Trong thời gian chờ đợi thỏa thuận về việc nâng trần nợ, Bộ trưởng tài chính nói với Quốc hội rằng, ông sẽ phải cắt hết các

35

khoản đầu tư vào các quỹ hưu trí để cầm cự cho đến khi Chính phủ đi vay thêm tiền từ thị trường. Các tín hiệu trên đã làm cho kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế Mỹ bị giảm sút, khiến giá vàng thế giới tăng lên 1500,5 USD/ounce. Ngày 31/5/2011, Hạ viện Mỹ bác bỏ đề xuất nâng mức trần nợ thêm 2,4 nghìn tỷ USD trong một cuộc bỏ phiếu được tổ chức bởi các Nghị sỹ Đảng cộng hòa để gây áp lực buộc ông Obama đồng thời phải cắt giảm chi tiêu. Việc này được xem là một thủ thuật chính trị của Hạ viện – nơi các nghị sỹ Đảng cộng hòa chiếm đa số - để buộc ông Obama phải đáp ứng yêu cầu của mình. Điều này khiến thỏa nâng trần nợ công trở nên khó khăn, giá vàng tăng liên tiếp, đạt 1544,51 USD/ounce ngày 09/6/2011 (vị trí số 4). Những ngày sau đó, Đảng cộng hòa tuyên bố bế tắc trong đàm phán nâng trần nợ, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng Mỹ cần phải nâng trần nợ công để tránh một cú shock nghiêm trọng cho thị trường toàn cầu và nhất là đối với sự phục hồi kinh tế đang rất mong manh hiện nay. Tổng thống Obama kêu gọi tăng cường tạo ra việc làm, chỉ trích đảng Cộng hòa không chịu xóa bỏ giãn thuế cho người giàu và nhất quyết muốn cắt giảm chi tiêu. Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ bí mật gặp nhau để thảo luận hợp tác nhằm tiết kiệm tới 4 nghìn tỷ USD trong vòng hơn 10 năm bằng cách rà soát lại hệ thống thuế và thay đổi một số chương trình phúc lợi xã hội. Những điều trên là tín hiệu tốt cho thỏa thuận nâng trần nợ, khiến giá vàng thế giới giảm đến 1486,5 USD/ounce ngày 3/7/2011 (vị trí số 7). Tuy nhiên, những bất đồng về phương thức nâng trần nợ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa càng ngày càng căng thẳng vì đằng sau nó còn ẩn chứa nhiều động thái chính trị chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, thậm chí yêu cầu về việc sửa đổi Hiến pháp Mỹ về sự cân bằng ngân sách đã được đưa ra, khiến giá vàng tăng mạnh lên mức 1602,75 USD/ounce vào ngày 18/7/2011 (vị trí số 14). Giá vàng vẫn tiếp tục tăng khi các dự thảo ngân sách và phương án cắt giảm chi tiêu bị bác bỏ, đến ngày

36

30/7/2011, giá vàng đạt mức 1627,2 USD/ounce (vị trí số 18). Ngày 31/7/2011, giá vàng giảm nhẹ xuống mức 1611,9 USD/ounce khi Tổng thống Obama và các Lãnh đạo Quốc hội đạt được thỏa thuận ban đầu về việc nâng trần nợ công của Mỹ. Theo đó, chi tiêu của Chính phủ sẽ phải cắt giảm 1000 tỷ USD ngay lập tức, và một ủy ban đặc biệt sẽ được thành lập để tiết kiệm được thêm 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2011. Vòng 2 của việc cắt giảm này sẽ liên quan đến việc soạn thảo lại một số luật sở hữu và thuế, khung dự thảo sẽ được giao cho Ủy ban liên hiệp mới. Tuy nhiên, các quan chức nhà trắng cho hay thỏa thuận cuối cùng tại các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được, và đến ngày 2/8/2011, giá vàng tăng trở lại mức 1620,3 USD/ounce.

Phản ứng trước những diễn biến khủng hoảng nợ công của Châu Âu, giá vàng thế giới cũng tăng, giảm sát với các thông tin đi cùng với kỳ vọng kinh tế tương lai của các nước này. Như vậy, sự biến động của giá vàng thế giới thể hiện vị trí vàng là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Kết quả của chính sách tiền tệ của một quốc gia được thể hiện thông qua sự lên hay xuống giá của đồng tiền quốc gia đó. USD là đồng tiền mạnh trên thế giới. Thông thường, USD lên giá so với các đồng tiền mạnh khác sẽ đi đôi với hiện tượng giảm giá vàng và ngược lại. Điều này như một thông lệ vì các lý do sau:

- Từ những năm 1960, vàng với vai trò đặc biệt trong hệ thống tiền tệ quốc tế, được xem là một phương tiện chủ yếu trong việc đầu tư và đầu cơ chống lại USD. Kể từ đó, mối quan hệ qua lại trong sự phối hợp giữa hai loại tài sản này đã trở thành một nếp suy nghĩ của các nhà đầu tư. Sự tăng giá ở thị trường này (vàng hoặc USD) sẽ tạo áp lực giảm giá ở thị trường kia.

Ngay cả trong giai đoạn vai trò tiền tệ của vàng đã suy giảm (sau năm 1971 đến nay), trên thực tế vàng vẫn còn là một giá trị trú ẩn khi tài sản là

37

USD có nguy cơ bị mất giá. Một số nhà đầu tư thường dùng hối suất thả nổi giữa USD với các đồng tiền mạnh khác như một tỷ số kinh tế để cân nhắc quyết định đầu tư hay đầu cơ vàng.

- Các giao dịch mua bán vàng trên các thị trường thế giới dùng đơn vị USD/ounce để tính giá vàng. Như vậy hối suất giữa USD với bản tệ sẽ xác định trực tiếp giá vàng tính bằng tiền của nước đó. Hối suất cũng ảnh hưởng đến các quyết định mua hoặc bán vàng trong nước, đồng thời sẽ gây ra những đợt mua bán vàng trên thị trường vàng thế giới. Cụ thể như khi hối suất USD so với bản tệ tăng, giá vàng trong nước sẽ tăng làm sức mua vàng giảm, dẫn đến sự sụt giảm số cầu về vàng.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá vàng và giá USD không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng thông lệ vì tự thân giá vàng hay giá USD còn chịu sự tác động đồng thời của nhiều yếu tố khác.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 38)