3.3.1 Đối với chính sách tỷ giá
Việc ổn định tỷ giá là một bước cơ bản để ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và góp phần ổn định giá vàng nói riêng. Năm 2011 chứng kiến sự thành công bước đầu của NHNN trong điều hành chính sách tỷ giá. Tuy nhiên, năm 2012 vẫn là một năm đầy thách thức đối với NHNN trong việc ổn định tỷ giá cũng như thị trường ngoại hối khi mà áp lực tới tỷ giá vẫn hiện hữu. Do đó, một số giải pháp điều hành chính sách tỷ giá 2012 như sau:
Thứ nhất, về cơ chế điều hành tỷ giá: NHNN cần tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, trong đó tỷ giá VND cần được xác định theo một rổ tiền tệ chủ chốt, không nên chỉ neo VND theo USD. Đồng thời, trong trường hợp cần phải phá giá thì NHNN cũng cần phải điều chỉnh tỷ giá đủ mạnh để tránh tâm lý trông chờ phá giá tiếp và tâm lý đầu cơ của doanh nghiệp, của người dân cũng như các nhà đầu tư;
Thứ hai, về vấn đề định giá cao của VND: Hiện tại, VND đang bị định giá cao so với USD cũng như so với rổ tiền tệ. Chính vì vậy, nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu cũng như giúp gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, NHNN cần điều chỉnh dần tỷ giá danh nghĩa USD/VND để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô đề ra;
Thứ ba, về điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo niềm tin của người dân vào giá trị VND: Trong bối cảnh các bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2012 thì NHNN cần tiếp tục nhất quán mục tiêu của chính sách tiền tệ, nên thiên về ổn định vĩ mô nhằm đạt mức lạm phát mục tiêu hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất là trong giai đoạn này. Theo đó, NHNN cần đảm bảo sự nhất quán xuyên suốt các mục tiêu của chính sách
99
tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá. Bởi vì chỉ có vậy mới có thể làm gia tăng niềm tin của người dân vào giá trị VND.
3.3.2 Xuất nhập khẩu vàng
Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP, việc xuất nhập khẩu vàng vẫn được quản lý bằng cơ chế “xin – cho”, cấp phép. Điều này sẽ gây chậm trễ trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường như các đợt sốt giá vàng thời gian qua. Mặt khác, còn tạo cơ hội cho buôn lậu và đầu cơ làm lũng đoạn thị trường vàng, càng khó khăn cho việc quản lý.
Do đó, NHNN nên trực tiếp làm đầu mối nhập khẩu vàng nguyên liệu thay vì cấp quota hay cấp phép cho các đầu mối nhập khẩu vàng như hiện nay, vừa tạo cơ chế xin – cho, vừa gây áp lực lên thị trường ngoại hối khi phó mặc nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cho các doanh nghiệp đầu mối tự lo; bên cạnh đó có cơ sở để kiểm soát và ngăn chặn hiện tượng nhập lậu vàng;
Đối với vàng xuất khẩu, Nhà nước áp dụng thuế cao (10%) đối với sản phẩm vàng có hàm lượng vàng trên 80% (tương đương với vàng 18K) nhằm tránh tình trạng nguồn vàng nguyên liệu bị xuất ra khỏi Việt Nam khi giá vàng Việt Nam thấp hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, việc quy định đánh thuế theo hàm lượng vàng này sẽ gây gian lận thương mại: nhà sản xuất có thể hạ thấp tuổi vàng để trốn thuế, gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát. Do đó, nhà nước nên áp thuế đối với tất cả các sản phẩm vàng xuất khẩu. Tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế và chính sách quản lý ngoại hối cũng như tỷ giá mà nhà nước đưa ra các mức thuế khác nhau và có sự điều chỉnh phù hợp. Mặt khác, để đảm bình ổn thị trường vàng nhanh chóng trong điều kiện giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới như đã xảy ra năm 2011, đồng thời tránh việc nguồn vàng nguyên liệu bị xuất ra nước ngoài, nhà nước có thể trực tiếp thu mua vàng trên thị trường hoặc thông qua hệ thống các NHTM, sau đó có thể xuất ra nước ngoài để thu ngoại tệ về, bổ sung vào dự trữ ngoại
100
hối quốc gia. Khi đó, NHNN sẽ đóng vai trò là người giao dịch trên thị trường vàng quốc tế thông qua hoạt động xuất nhập khẩu vàng và các giao dịch tài chính quốc tế liên quan đến vàng với mục tiêu tối đa hóa lợi ích quốc gia. Muốn thế, phải có một hệ thống kinh doanh linh hoạt, có tính liên thông cao với thị trường thế giới.
3.3.3 Độc quyền sản xuất vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế
Hiện nay, vàng miếng của Việt Nam chưa được chấp nhận lưu thông trên thị trường quốc tế, vì:
- Quy định 1 lượng = 1,20556 ounce khiến việc quy đổi chậm và không thích ứng với việc kinh doanh vàng tài khoản quốc tế chỉ sử dụng ounce;
- Uy tín và năng lực của nhà sản xuất tại Việt Nam chưa cao. Trên thị trường tồn tại nhiều thương hiệu vàng miếng, trong khi chất lượng sản phẩm lại do chính các đơn vị sản xuất quản lý và đảm bảo. Việc thanh tra, giám sát chất lượng sản phẩm các đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu vàng miếng từ trước tới nay mặc dù trên danh nghĩa, chất lượng các sản phẩm này là đồng nhất.
Do đó, trước hết NHNN nên đưa ra quy chế quản lý chất lượng sản phẩm vàng, quy định thống nhất việc sản xuất vàng miếng trước đây thành vàng theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo tính liên thông, tiết kiệm thời gian và xóa bỏ được chi phí đúc lại vàng theo tiêu chuẩn quốc tế trước khi giao dịch ra nước ngoài. Để tránh trường hợp phân biệt giá giữa các thương hiệu vàng miếng như hiện nay và tạo uy tín về sản phẩm vàng của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời xóa bỏ tình trạng tự định giá vàng của các thương hiệu như hiện nay, góp phần ổn định giá vàng trong nước, NHNN thực hiện việc độc quyền sản xuất vàng miếng như quy định trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP bằng cách thống nhất ký hiệu trên các thỏi vàng, cho phép lưu thông một loại
101
vàng miếng tiêu chuẩn mang thương hiệu quốc gia, không phân biệt vàng do các doanh nghiệp được phép sản xuất hoặc do nhà nước sản xuất.
3.3.4 Quản lý chặt chẽ mạng lƣới kinh doanh vàng
Mọi người dân được quyền sở hữu, tích trữ, mua bán, thực hiện các giao dịch tài chính liên quan đến vàng trên thị trường vàng trong nước do NHNN tổ chức và quản lý tương tự như đối với VND. Không nên hạn chế hay cấm các NHTM huy động, cho vay vàng bởi sẽ làm lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội tuy việc không cho phép NHTM tự chuyển hóa vốn huy động vàng thành tiền VND là đúng để tránh hiện tượng “vàng hóa” trong khi tình trạng đô la hóa nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục. Cần tìm được phương án khả thi để huy động, khai thác và sử dụng nguồn vốn vàng.
Trên cơ sở cho phép lưu thông một loại vàng miếng tiêu chuẩn quốc tế do NHNN độc quyền sản xuất, việc huy động vàng dự trữ trong dân có thể sẽ được thực hiện khả thi hơn bằng cách:
NHNN có thể ủy quyền cho các NHTM huy động tiền gửi dưới dạng vàng từ dân cư song không được phép cho vay vàng để tránh rủi ro cho NHTM do giá vàng biến động mà phải chuyển số vốn vàng đó cho NHNN để NHNN kinh doanh trên cả thị trường trong nước và quốc tế. NHNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính thanh khoản, mức độ an toàn và tính hấp dẫn người gửi cho số vàng đã huy động đó. Người gửi vàng vào NHTM được cấp chứng chỉ gửi vàng do NHNN thống nhất phát hành và quản lý. Chứng chỉ gửi vàng này được sử dụng như một công cụ tài chính trên thị trường tài chính tiền tệ. Thị trường giao dịch chứng chỉ vàng sẽ góp phần giảm bớt những phức tạp do giao dịch vàng vật chất gây ra, đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực và công cụ tài chính cho nền kinh tế. Người dân gửi vàng vào ngân hàng, hưởng lợi suất do NHNN quy định, và khi có nhu cầu rút vàng, sẽ nhận về vàng do NHNN sản xuất. Việc này sẽ được người dân hưởng ứng vì trước hết, họ có
102
thể quy đổi số vàng họ đang nắm giữ sang loại vàng do NHNN sản xuất, được chấp nhận trong lưu thông. Mặt khác, việc huy động vàng trong dân bằng hình thức chứng chỉ vàng sẽ không làm ảnh hưởng đến lượng cung tiền trong nền kinh tế, từ đó không làm ảnh hưởng đến lạm phát. Bên cạnh đó, NHNN sẽ thống kê được một phần số vàng mà người dân đang sở hữu thực tế phục vụ cho việc ra các chính sách quản lý; NHNN có thể sử dụng số vàng huy động được vào mục đích điều hành thị trường vàng, quản lý ngoại hối... góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Chi phí cho việc huy động vàng nêu trên chính là phần lợi suất mà ngân hàng phải trả cho người dân qua hình thức huy động này và rủi ro về giá vàng như phân tích ở trên. Tuy nhiên, lợi ích của việc huy động vàng trong dân theo hình thức trên có thể bù đắp được chi phí đó, trước hết là lợi ích trong việc góp phần ổn định thị trường vàng và điều hành kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể huy động vàng tạo vốn cho đầu tư phát triển tương tự như huy động VND và ngoại tệ hiện nay thông qua phát hành trái phiếu vàng. NHNN đưa số vàng này ra nước ngoài để hoán đổi lấy ngoại tệ hay chuyển thành nội tệ tùy theo yêu cầu của chủ thể phát hành trái phiếu vàng. Trái phiếu chính phủ bằng vàng sẽ được lưu thông trên thị trường tài chính, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp tương tự như trái phiếu chính phủ phát hành bằng VND hay USD hiện nay.
3.3.5 Lập Sở giao dịch vàng Quốc gia
Thành lập Sở giao dịch vàng Quốc gia đi đôi với tái lập hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đồng thời từng bước phát triển các sản phẩm phái sinh trên thị trường vàng, sẽ làm giá vàng trong nước liên thông hơn với giá vàng thế giới, qua đó ổn định được giá vàng trong nước; đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đối với vàng – một kênh đầu tư trên thị trường tài chính. NHNN sẽ
103
chịu trách nhiệm tạo dựng khuôn khổ pháp lý, tổ chức và quản lý thị trường vàng nói chung, Sở giao dịch vàng Quốc gia nói riêng.
Sở giao dịch vàng hoạt động tương tự như Sở giao dịch chứng khoán nghĩa là trên cơ sở khớp lệnh liên tục, giá vàng sẽ do cung cầu quyết định, tất cả các nhà đầu tư không phân biệt tổ chức hay cá nhân đều được mở tài khoản kinh doanh vàng tại Sở giao dịch vàng; các thành viên tham gia thị trường gồm cả tự doanh và môi giới, sự tham gia của các quỹ đầu tư vàng, và hàng hóa giao dịch bao gồm cả vàng vật chất, vàng tài khoản và các giấy tờ có giá liên quan đến vàng như chứng chỉ vàng, trái phiếu chính phủ bằng vàng, sản phẩm phái sinh liên quan đến vàng như đã nêu trên. Điểm khác biệt cơ bản giữa Sở giao dịch vàng và Sở giao dịch chứng khoán là NHNN không chỉ đóng vai trò tổ chức, thành lập, giám sát và quản lý vận hành Sở giao dịch vàng tương tự như Ủy ban Chứng khoán nhà nước đối với thị trường chứng khoán mà NHNN còn trực tiếp tham gia như một “người chơi” trên Sở giao dịch vàng thông qua cung cấp các sản phẩm hàng hóa cho thị trường, can thiệp điều hòa cung cầu và giá cả trên thị trường dựa trên quyền xuất nhập khẩu vàng cũng như thay đổi trong dự trữ ngoại hối của NHNN. Các sàn giao dịch vàng có thể được thành lập tại các NHTM dưới dạng công ty tương tự như công ty chứng khoán của các NHTM hiện nay. Tuy nhiên, do bản chất vàng là hàng hóa – tiền tệ nên không cho phép công ty kinh doanh vàng độc lập nằm ngoài hệ thống NHTM như đối với trường hợp của công ty chứng khoán.
Tóm lại, vấn đề quản lý thị trường vàng cần tập trung thống nhất vào một đầu mối là NHNN Việt Nam để phù hợp với bản chất và vai trò của vàng trong nền kinh tế thị trường. NHNN cần thống nhất quản lý cả thị trường mua bán vàng, xuất nhập khẩu vàng, thị trường vay nợ vàng và các thị trường sản phẩm tài chính có liên quan đến vàng, quản lý giá vàng theo cơ chế thị trường
104
nhằm đảm bảo tính liên thông giữa các bộ phận thị trường vàng cũng như giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế.
105
KẾT LUẬN
Vàng là loại hàng hóa đặc biệt: “hàng hóa - tiền tệ”. Tuy nhiên, tùy trình độ phát triển kinh tế và phương thức quản lý tiền tệ, ở mỗi nước vai trò của vàng là hàng hóa hay tiền tệ sẽ nổi bật. Các nước hậu công nghiệp ở Tây Âu và Bắc Mỹ, sau khi từ bỏ chế độ bản vị vàng (Thụy Sĩ là nước cuối cùng từ bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 2000) đã chấm dứt về mặt pháp lý vai trò tiền tệ của vàng. Tại những nước này, vàng là hàng hóa, dù là vàng nữ trang hay vàng thỏi vàng miếng. Việc mua bán, đầu cơ, tích trữ vàng được xem là hợp pháp như bất cứ các loại hàng hóa thông dụng khác trên thị trường. Thậm chí tại một số nước, kinh doanh vàng miếng còn được miễn thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, tại phần lớn các nước đang phát triển, nhất là tại các nước còn duy trì chế độ kiểm soát ngoại hối, vàng vừa được xem là hàng hóa, vừa được xem là tiền tệ. Việc quản lý vàng của nhà nước có thể đi từ mức độ rất chặt chẽ như cấm hẳn tư nhân kinh doanh vàng dù là nữ trang hay vàng thỏi, cho đến mức độ lỏng lẻo hơn như cho phép tư nhân kinh doanh tự do vàng nữ trang và hạn chế việc mua bán vàng miếng, xem vàng miếng như là một hình thức ngoại hối chịu sự quản lý của Nhà nước.
Sự khác biệt trong việc thừa nhận vàng là hàng hóa hay tiền tệ thật ra chỉ thuần túy là hình thức. Vàng nữ trang, hoặc vàng dùng trong công nghiệp và nha khoa được xem là hàng hóa, dù tuổi vàng vẫn là nguyên chất với hàm lượng vàng 99,99%, trong khi vàng thỏi, vàng miếng... lại được xem là vàng tiền tệ. Sự khác biệt về hình thức này dẫn đến một hệ quả pháp lý quan trọng là trong các quy định về quản lý vàng như một hình thức ngoại hối tại các nước này, việc đúc vàng thành thỏi, nén, miếng... của tư nhân thường bị nghiêm cấm. Lịch sử tiền tệ của nhiều quốc gia cũng cho thấy rằng, trong thời kỳ áp dụng chế độ bản vị vàng, việc đúc tiền vàng là độc quyền của nhà nước.
106
Tuy nhiên, dù hiện nay không còn quốc gia nào trên thế giới áp dụng chế độ bản vị vàng, bản chất tiền tệ của vàng vẫn còn tồn tại như một tập quán của người dân. Các nhà phân tích kinh tế đều nhận định rằng trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, biến động về tiền tệ, vàng luôn trở thành nơi trú ẩn giá trị tốt nhất và thường hành động như tiền tệ nhiều hơn là hàng hóa.
Quy định về quản lý ngoại hối ở nước ta định nghĩa vàng thỏi, vàng miếng là vàng tiền tệ thuộc quyền quản lý của Nhà nước.Nhưng, trong những năm gần đây, việc kinh doanh vàng miếng trong nước ngày càng trở nên phổ biến, người dân muốn mua vàng miếng, thông thường dưới hình thức 1 lạng (37,5 gam) hay 1 chỉ (có trọng lượng bằng 1/10 lạng) đều có thể đến mua tại các tiệm vàng tư nhân, đại lý cho các công ty chế tác vàng quốc doanh hay cổ phần như SJC, PNJ, Sacombank, ACB... Thậm chí có thời gian các ngân hàng