Đây là công cụ chủ yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng trong điều CSTT. Việt Nam đã đưa công cụ này vào sử dụng từ tháng 07/2000. Sau hơn ba năm áp dụng, công cụ này chưa thực sự phát huy hiệu quả trong điều hành CSTT. Vì vậy trong thời gian tới phải tập trung hoàn thiện và phát triển công cụ này, đưa nó dần trở thành công cụ quan trọng bậc nhất trong điều hành CSTT. Để hoàn thiện nghiệp vụ thị trường mở, cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:
- Hoàn thiện và phát triển thị trường liên ngân hàng.
Nếu thị trường tài chính không đủ lớn, không có sự cạnh tranh cao, các nghiệp vụ mua bán không thông qua đấu thầu thì không thể áp dụng được công cụ này. Cho phép tất cả các loại hình ngân hàng cùng tham gia thị trường và hạn chế bởi hành vi tái cấp vốn của NHNN thì đó là cách tốt nhất thúc đẩy thị trường phát triển mạnh.
- Tăng cường hàng hoá cho thị trường mở.
Thông thường hàng hoá của thị trường mở là các loại hình tín phiếu kho bạc, tín phiếu NHNN, các thương phiếu và chứng chỉ tiền gửi. ở Việt Nam, bội chi ngân sách nhà nước hàng năm còn tương đối cao, ngân sách nhà nước thường phải đi vay bù đắp. Vừa để hạn chế việc ngân sách nhà nước đi vay từ NHNN, vừa để tăng cường hàng hoá cho thị trường mở, cách tốt nhất là ngân sách nhà nước phát hành nhiều tín phiếu để vay của công chúng và các NHTM. Khi các NHTM có dự trữ tín phiếu kho bạc với khối lượng lớn thì hoạt động của thị trường mở sẽ sôi động và NHNN sẽ phát huy cao độ hiệu quả sử dụng công cụ này.
- Xác định lãi suất cho thị trường mở.
Bất cứ hành vi bán ở mức độ nào đều làm lãi suất tăng, càng bán nhiều lãi suất càng tăng. Và bất cứ hành vi mua ở mức độ nào đều làm cho lãi suất giảm. Sự dao động của lãi suất trên thị trường gắn chặt với khối lượng mua bán của NHNN. Để tăng cường vai trò quản lý điều hành thị trường kết hợp với việc quản lý lãi suất, NHNN phải xác định được trần lãi suất khi bán ra và sàn lãi suất
khi mua vào. Mức lãi suất trần và sàn của thị trường được xác định căn cứ vào định hướng của chính sách lãi suất trong thời kỳ đó và mỗi lần đấu giá mua bán đều có một khung trần và sàn lãi suất. Thông thường sàn lãi suất trên thị trường mở là lãi suất tái chiết khấu và trần của nó là lãi suất thị trường liên ngân hàng. Trong trường hợp khối lượng mua bán làm lãi suất thị trường vợt quá giới hạn cho phép thì NHNN có thể điều chỉnh khối lượng mua bán sao cho đạt được mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường. Kết quả của mỗi lần đấu giá sẽ làm xuất hiện một mức lãi suất và lãi suất đó sẽ định hướng các mức lãi suất khác trong nền kinh tế. Vì lãi suất cơ bản và lãi suất tái chiết khấu cũng được xác định dựa trên lãi suất liên ngân hàng cho nên sẽ có sự thống nhất và phù hợp giữa các loại lãi suất khác nhau trong điều hành CSTT.
- Xác định khối lượng giao dịch.
Khối lượng chứng khoán trong từng lần mua bán là yếu tố cực kỳ quan trọng chi phối thị trường mở. Thông thường khối lượng này được xác định căn cứ vào khối lượng tiền trung ương được phép cung ứng hoặc rút bớt trong từng thời kỳ, nhu cầu vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng và các điều kiện thực tế phát sinh của nền kinh tế như nhu cầu vay của ngân sách nhà nước, tiền gửi kho bạc nhà nước, sự biến động của lãi suất trên thị trường ... Tổng hợp hàng loạt các yếu tố đó, kết hợp với kỹ năng dự báo, kinh nghiệm hoạt động, NHNN dự kiến được khối lượng mua bán từng lần để từ đó ra quyết định thực hiện.
Phát triển nghiệp vụ thị trường mở là phù hợp với xu thế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng của NHNN. Công việc trước mắt là tập trung phát triển thị trường liên ngân hàng trên các mặt: Hàng hóa của thị trường, thành viên tham gia vì đây là hai nhân tố quyết định đến phạm vi, quy mô của thị trư ờng. Khi đã có thị trường liên ngân hàng hoạt động sôi nổi thì đó là điều kiện lý tưởng để phát triển nghiệp vụ thị trường mở. Mặt khác, NHNN cũng cần quan tâm hơn đến việc khuyến khích các TCTD tham gia vào thị trường, đặc biệt là các trung gian tài chính phi ngân hàng. Bất cứ một sự phân biệt hoặc ưu đãi nào cho một số TCTD quốc doanh đều tạo ra các khuyết tật cho thị trường, ảnh hưởng đến
tâm lý kinh doanh của các TCTD khác, làm chậm đi sự phát triển của thị trường mở. Vì vậy tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả các TCTD trong quan hệ với NHNN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các giao dịch vốn giữa NHNN với các TCTD thông qua thị trường mở.
3.2.1.2. Đối với công cụ tái cấp vốn.
Công cụ tái cấp vốn được sử dụng tác động vào tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thông qua dự trữ của hệ thống ngân hàng. Xuất phát từ nhu cầu tăng giảm dự trữ và sự quản lý dự trữ trong một thời kỳ nhất định NHNN qui định lãi suất tái cấp vốn và hạn mức tái cấp vốn thống nhất trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.
- Về lãi suất tái cấp vốn:
Lãi suất này được qui định và điều chỉnh trong ngắn hạn. Hiện nay, xu thế chung của các nước có hai cách qui định lãi suất tái chiết khấu (tái cấp vốn): Thứ nhất là lấy lãi suất được hình thành trên thị trường liên ngân hàng cộng hoặc trừ một biên độ cho phép. Biên độ có thể rất rộng. Đến lúc đó lãi suất tái cấp vốn được coi là mức lãi suất phạt đối với hệ thống ngân hàng. Thứ hai là NHNN đặt ra lãi suất tái cấp vốn theo từng kỳ dựa vào mục tiêu điều tiết tổng thể trong kỳ đó. Kỳ điều chỉnh thường rất ngắn và nhìn chung lãi suất này cũng bám sát lãi suất thị trường. Cách thứ hai này sẽ có hiệu quả rất cao nếu trong một quốc gia, nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn về vốn vào hệ thống ngân hàng. Và đến lượt các ngân hàng lại phụ thuộc lớn về vốn vào NHTW. Sự phụ thuộc này làm cho các mức lãi suất như lãi suất tái chiết khấu, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất thị trường vận hành cùng chiều. Và khi NHTW thay đổi lãi suất tái cấp vốn thì hàng loạt các mức lãi suất khác cũng biến động. Tuy nhiên trong thực tế không phải lúc nào các ngân hàng cũng phụ thuộc về vốn vào NHTW. Mỗi một ngân hàng thường có sự chủ động về vốn và khi họ không có nhu cầu vay mượn tại NHTW thì lãi suất tái chiết khấu được qui định sẽ thoát ly lãi suất thị trường. Như vậy cách tốt nhất là xây dựng lãi suất tái cấp vốn dựa trên cơ sở lãi suất liên ngân hàng cộng hoặc trừ một biên độ nhất định. Khi lãi suất thị trường biến động, nó
sẽ làm biến động lãi suất liên ngân hàng. Và NHNN sẽ điều tiết lãi suất liên ngân hàng bằng lãi suất tái cấp vốn của mình. Mặt khác xây dựng lãi suất tái cấp vốn theo cách này sẽ có sự hỗ trợ rất lớn của lãi suất cơ bản. Khi loại bỏ lãi suất cơ bản thì lãi suất tái cấp vốn sẽ trở thành lãi suất chủ đạo điều tiết các lãi suất khác. - Về hạn mức tái cấp vốn: Trong điều kiện bình thường NHNN nên bỏ hạn mức tái cấp vốn. NHNN nên điều tiết chủ yếu qua lãi suất tái cấp vốn. Khi cần có một sự đầu tư ưu tiên hoặc với tư cách người cho vay cuối cùng, NHNN mới tạo ra mức chiết khấu (cửa sổ chiết khấu) cho các đối tượng ưu tiên đó. Thời gian tới nên loại bỏ hạn mức tái cấp vốn vì chỉ có như thế mới thúc đẩy được sự phát triển của NVTTM, hơn nữa công cụ này không mang lại sự chủ động cho NHNN.
3.2.1.3. Đối với công cụ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Đây là công cụ mang tính chất hỗ trợ cho các công cụ khác trong điều hành CSTT ở một số quốc gia có nền kinh tế phát triển. Công cụ này đặc biệt phát huy hiệu quả khi chính sách tái chiết khấu không có hiệu lực và khi nền kinh tế có những biến động quá lón. Nó có tác dụng là lập tức khống chế vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng theo ý muốn của NHTW. Tuy nhiên áp dụng công cụ này có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí kinh doanh ngân hàng. Vì vậy, một số quốc gia đã loại bỏ công cụ này.
Với nước ta, việc duy trì một tỷ lệ DTBB là cần thiết vì nó sẽ hỗ trợ cho các công cụ khác khi nền kinh tế có những biến động lớn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả công cụ này, theo tôi cần có một số vấn đề sau:
- Tỷ lệ DTBB được quy định như nhau đối với các loại tiền gửi cùng kỳ hạn. - Nước ta đang khuyến khích đầu tư dài hạn thì tốt nhất không nên áp dụng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi có kỳ hạn dài.
- Tất cả các TCTD đều phải thực hiện DTBB với tỷ lệ thống nhất vì có làm như vậy mới tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và NHNN cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý cung ứng tiền
- Nên xác định khoảng thời gian duy trì dự trữ bắt buộc là hai tuần. Điều này phù hợp với đa số các quốc gia hiện nay.
- Số tiền DTBB đ ược quản lý theo nguyên tắc bình quân, có nghĩa là mức dự trữ được yêu cầu trong thời kỳ duy trì được căn cứ vào tỷ lệ phần trăm quy định trên số dư tiền gửi bình quân ngày trong thời kỳ xác định (thời kỳ trước đó). Thời kỳ xác định và thời kỳ duy trì có thể trùng nhau một số ngày nhất định. Số ngày trùng nhau càng nhiều thì số dư DTBB càng được quản lý chặt.
- Với tiền gửi ngoại tệ, để hạn chế tình trạng ngoại tệ hóa trong nền kinh tế, NHNN nên quy định tỷ lệ DTBB cao hơn đối với loại tiền gửi này.
Nếu trong nền kinh tế không có những biến động quá lớn thì tốt nhất không nên thay đổi tỷ lệ DTBB. Một tỷ lệ nhỏ dự trữ sẽ góp phần phòng ngừa rủi ro và duy trì thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Trong những trường hợp đặc biệt, khi cần có sự điều chỉnh khối lượng lớn tổng phương tiện thanh toán thì NHNN mới sử dụng đến công cụ này với mục đích cùng hỗ trợ các công cụ khác.