Công cụ tái cấp vốn

Một phần của tài liệu Sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 28)

Công cụ này được NHNN sử dụng để cung ứng vốn cho các tổ chức tín dụng và điều tiết khối lượng tiền cung ứng tuỳ theo mục tiêu của CSTT. Từ đầu năm 1991, sau khi có hai Pháp lệnh Ngân hàng, NHNN chính thức áp dụng công cụ này và NHNN trở thành người cho vay cuối cùng đối với những tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng muốn được vay tái cấp vốn tại NHTW phải thoả mãn các điều kiện là: Phải tham gia trên thị trường liên ngân hàng; phải kinh doanh có lãi; chấp hành các qui định của NHNN. Các tổ chức tín dụng chỉ được vay tái

cấp vốn sau khi đã vay vốn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng và NHNN thực hiện cho vay tái cấp vốn trong phạm vi tổng mức tín dụng được phép cung ứng trong năm. Trên cơ sở các quy định đó, NHNN ấn định các hình thức tái cấp vốn và lãi suất tái cấp vốn .

- Các hình thức tái cấp vốn: Sau khi Pháp lệnh Ngân hàng có hiệu lực, NHNN qui định việc tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng dưới các hình thức sau đây:

+ Theo Quyết định số 02- NHQĐ ngày 8/1/1991, các tổ chức tín dụng muốn được vay NHNN phải có đủ điều kiện hoạt động theo Pháp lệnh Ngân hàng và thực hiện đủ dự trữ bắt buộc, có tiền gửi tại chi nhánh NHNN, NHNN áp dụng cho vay dưới hai hình thức:

Cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán gồm tái chiết khấu và cho vay sau thanh toán bù trừ. Tái chiết khấu được áp dụng đối với trái phiếu kho bạc còn thời hạn thanh toán và các khế ước chưa đến hạn thu nợ. Cho vay sau thanh toán bù trừ áp dụng cho các tổ chức tín dụng thiếu khả năng thanh toán. Mức cho vay theo chỉ tiêu tối đa là 200 tỷ VNĐ.

Cho vay bổ sung vốn tín dụng ngắn hạn áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng có điều kiện vay và phải đảm bảo trả nợ đúng hạn. Thời hạn cho vay áp dụng theo quý và mức cho vay tối đa bằng lượng tiền được phép cung ứng qua kênh tín dụng.

Hai hình thức cho vay này được áp dụng đã góp phần bổ sung vốn khả dụng cho các tổ chức tín dụng thời gian này. Các tổ chức tín dụng đã có nhiều cơ hội để bổ sung vốn ngắn hạn nhưng vì lãi suất tái cấp vốn gần ngang bằng lãi suất kinh doanh ngân hàng nên khối lượng vay từ NHTW của các tổ chức tín dụng thời kỳ này không lớn. Hơn nữa, việc cho vay theo qui định trên mới chỉ tính đến việc bổ sung vốn ngắn hạn cho các ngân hàng mà chưa tính đến hiệu quả kinh doanh thực sự. Chính vì vậy đến tháng 11/1994, NHNN xoá bỏ quyết định 02, áp dụng cho vay theo quyết định mới.

+ Theo quyết định 185- NHQĐ ngày 10/11/1994, NHNN áp dụng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng với các điều kiện:

. Tổ chức tín dụng phải là thành viên của thị trường liên ngân hàng. . Tổ chức tín dụng kinh doanh có lãi.

. Chấp hành các qui định của NHNN về dự trữ bắt buộc. . Tổ chức tín dụng phải có đơn xin vay.

. NHNN chỉ tái cấp vốn khi các tổ chức tín dụng đã vay vốn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng.

Khi có đủ các điều kiện trên, NHNN sẽ áp dụng cho vay dới hai hình thức: Cho vay thế chấp chứng từ có giá và cho vay theo đối tượng chỉ định cuả chính phủ. Chứng từ thế chấp gồm 3 loại: Tín phiếu NHNN, tín phiếu kho bạc và khế ước cho vay ngắn hạn. Các đối tượng chỉ định thường là các đối tượng cần thiết do chính phủ giao như thu mua lương thực, dự trữ vật tư, phục hồi sản xuất do thiên tai..., thời hạn tái cấp vốn tối đa là 6 tháng. Với hình thức này NHNN đã hỗ trợ tích cực cho NHTM đảm bảo khả năng thanh toán và bổ sung vốn cho nền kinh tế. Thông qua tái cấp vốn, NHNN đã thể hiện đ ược vai trò là người cho vay cuối cùng và thúc đẩy cho thị trường liên ngân hàng phát triển.

Việc cho vay theo Quyết định 285 của NHNN về cơ bản cũng xuất từ nhu cầu bổ sung vốn khả dụng cho các ngân hàng. Ngoài ra, còn đáp ứng đợc nhu cầu chi tiêu cần thiết theo đối tượng chỉ định của Chính phủ. Cho vay theo đối tượng chỉ định mặc dù không hoàn toàn mang bản chất của việc tái cấp vốn nh- ưng nó góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ, đổi mới cơ cấu kinh tế, khắc phục thiên tai, giảm bớt chi tiêu tài chính trong lúc ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn và tăng hiệu quả sử dụng tiền phát hành. Tuy nhiên, nếu mở rộng quá lớn hình thức cho vay này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu CSTT. Do vậy, hạn mức cho vay ở hai hình thức phải đảm bảo không vượt quá hạn mức cho vay của CSTT đề ra.

Sau khi luật NHNN ra đời, việc tái cấp vốn của NHNN có một số thay đổi. Theo quyết định 356- NHQĐ ngày 6/9/1999, NHNN áp dụng tái cấp vốn dưới 3 hình thức:

Cho vay thế chấp chứng từ tín dụng: các tổ chức tín dụng được tái cấp vốn tại NHNN với các chứng từ thế chấp là khế ước cho vay ngắn hạn hoặc các chứng từ tín dụng khác.

. Tái chiếu khấu các giấy tờ có giá.

. Cho vay có đảm bảo bằng giấy tờ có giá ngắn hạn.

Các loại giấy tờ có giá chủ yếu vẫn là tín phiếu NHNN, tín phiếu hoặc trái phiếu kho bạc ngắn hạn. Mục đích của các loại cho vay nhằm cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng và đảm bảo vốn trong thanh toán. Thời hạn cho vay theo thời hạn còn lại của giấy tờ có giá nhưng không quá 3 tháng. Những tổ chức tín dụng nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt sẽ không đợc phép vay tại NHNN.

Như vậy hình thức tái cấp vốn của NHNN ngày càng được qui định một cách chặt chẽ nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế theo đúng mục tiêu CSTT. NHNN bám sát vào nhu cầu vốn khả dụng của tổ chức tín dụng và tổng mức tín dụng được phép cung ứng hàng năm để thực hiện cho vay. Trong bối cảnh công cụ thị trường mở chưa phát huy tác dụng thì công cụ tái cấp vốn là công cụ cơ bản giúp cho NHNN điều hành thành công CSTT trong thời gian qua.

- Lãi suất tái cấp vốn:

Để bổ sung nguồn vốn cho các NHTM, NHNN thực hiện cho vay tái cấp vốn dưới các hình thức cho vay lại các khế ước cho vay có chất lượng tốt của các NHTM và cho vay cầm cố tín phiếu kho bạc, mà chưa sử dụng hình thức chiết khấu các công cụ nợ ngắn hạn. Do các công cụ như hối phiếu của các doanh nghiệp chưa có để NHTM chiết khấu, từ đó NHTM xin tái chiết khấu tại NHNN khi cần thiết. Các mức lãi suất khác nhau dựa trên đặc điểm của từng ngân hàng và mục tiêu của CSTT từng thời điểm. Hình thức cho vay trên đã thay thế hình thức cho vay vốn lưu động có tính bao cấp trước đây. Lãi suất tái cấp vốn được quy định theo tỷ lệ % so với lãi suất của chứng từ xin tái cấp vốn, thay thế cho

việc quy định lãi suất theo mức cụ thể. Hình thức này đã hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng quốc doanh trong giai đoạn mới thành lập, vốn tự có còn nhỏ bé đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp.

Khi tình hình lạm phát có chiều hướng gia tăng vào cuối năm 1994 và đầu năm 1995, NHNN đã điều chỉnh nhiều lần lãi suất tái cấp vốn trên nguyên tắc hạn chế cho vay mới. Lãi suất tái cấp vốn được nâng dần và từ chỗ phân biệt đối với các NHTM quốc doanh, tiến tới thống nhất một mức 100% mức lãi suất các chứng từ xin tái cấp vốn, đồng thời tăng cường thu hồi nợ cũ với các ngân hàng quốc doanh, nhằm khống chế mức gia tăng khối lượng tín dụng để hạn chế tốc độ gia tăng của tổng phương tiện thanh toán.

Bảng 2.1. Lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với NHTM thời kỳ 1993-1996

Đơn vị tính: % Thời điểm 4/93 10/93 4/94 10/94 4/95 96 - NH Nông nghiệp 60 60 85 95 100 100 - NH Công thương 70 80 95 100 100 100 - NHĐT và Phát triển 75 80 95 100 100 100 - NH Ngoại thương 85 80 95 100 100 100

Nguồn NHNN Việt Nam.

Mặt khác, hướng dẫn các NHTM tích cực huy động vốn từ nền kinh tế để cho vay, góp phần làm giảm áp lực với giá cả, thực hiện nguyên tắc NHNN là người cho vay cuối cùng. Các lần điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn trong các năm từ 1993 đến năm 1995 được thể hiện ở bảng 2.1.

Như vậy, từ năm 1997 trở về trước, lãi suất tái cấp vốn được quy định bằng 100% lãi suất của các chứng từ xin tái cấp vốn của các NHTM. Điều đó cho thấy bản chất của công cụ này gắn chặt với mục tiêu của CSTT thắt chặt lúc bấy giờ. NHNN đã không khuyến khích các NHTM xin vay tái cấp vốn ngang bằng với lãi suất kinh doanh của ngân hàng. Cách điều hành này có thể nói hoàn toàn phù hợp với điều kiện của nền kinh tế mà nguy cơ lạm phát vẫn rất cao và nhu cầu

vay vốn của các tổ chức tín dụng là rất lớn. Nếu đặt mức lãi suất tái cấp vốn quá thấp, các ngân hàng sẽ mở rộng nhu cầu vay tái cấp vốn tại NHNN và như vậy mục tiêu thắt chặt tiền tệ sẽ không đạt cao. Mặc dù công cụ này được điều hành theo hướng thắt chặt tiền tệ nhưng vì khi đó công cụ dự trữ bắt buộc và các công cụ khác đều hỗ trợ cho chính sách tái cấp vốn một cách linh hoạt cho nên lượng tiền cung ứng tăng ở mức độ không lớn và khá ổn định trong suốt mấy năm liền (từ 1995-1997 xem bảng). Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công trong việc kiểm soát lạm phát tiền tệ đạt mức dưới 5%/năm vào các năm 1996, 1997 ở Việt Nam.

Đến cuối năm 1997, những dấu hiệu giảm phát trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện, mức tăng trưởng kinh tế giảm xuống so với thời gian trước tình hình này đã buộc NHNN phải xem xét lại việc quy định lãi suất tái cấp vốn cho phù hợp với đặc điểm mới của nền kinh tế. Diễn biến sự thay đổi của lãi suất tái cấp vốn từ tháng 7/1997 đến nay được biểu hiện qua bảng số liệu sau:

Bảng 2.2. Lãi suất tái cấp vốn của NHNN đối với NHTM từ 1997-2002.

Thời gian 12/97 12/98 12/99 12/00 12/01 12/02

Lãi suất tái cấp vốn % tháng 0,9 1,1 0,5 0,5 0,4 0,4

(Nguồn: Báo cáo thường niên NHNNVN 1997,1998,1999, 2000, 2001, 2002)

Thực hiện chủ trương kích cầu, tăng cường lượng tiền vào lưu thông để chặn đà suy thoái kinh tế, NHNN đã liên tục hạ lãi suất tái cấp vốn đặc biệt năm 1994 với 4 lần điều chỉnh từ 1,1%/tháng xuống còn 0,5%/tháng. Mặt khác cũng từ năm 1997 đến nay NHNN đã quy định lãi suất tái cấp vốn thấp hơn lãi suất cho vay của các ngân hàng. Trên cơ sở đó các ngân hàng có thể tăng cường tái cấp vốn tại NHNN để mở rộng hoạt động tín dụng của họ. Định hướng về lãi suất tái cấp vốn trong thời gian qua là phù hợp với hiện trạng của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy tổng cầu. Quá trình điều hành lãi suất tái cấp vốn ngoài tính chất định hướng còn phải chú ý tới tính chất điều chỉnh của công cụ này. Trong thời gian qua tính chất điều chỉnh gần như không được sử dụng.

Chẳng hạn khi lạm phát quá cao thì lãi suất tái cấp vốn phải đ ược ấn định theo xu hướng tăng lên nhằm hạn chế cung ứng tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Hoặc khi tỷ giá tăng mạnh, lãi suất tái cấp vốn phải được tăng theo để hạn chế sự gia tăng của tỷ giá. Do chúng ta không chú ý tới tính chất điều chỉnh của nó nên khi tỷ giá tăng nhanh nhưng tỷ suất tái cấp vốn lại giảm xuống dẫn đến dòng chảy rất mạnh từ nội tệ sang ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng tăng mạnh ở các năm 1999, 2000 cho chúng ta thấy vai trò điểu chỉnh của lãi suất tái cấp vốn đối với giá trị nội tệ là không kịp thời. Đây chính là hạn chế lớn nhất của công cụ này trong điều hành CSTT thời gian qua.

Lãi suất tái cấp vốn và các hình thức tái cấp vốn là hai nội dung cơ bản nằm trong chính sách tái cấp vốn của NHNN trong thời gian qua. Hiệu quả của công cụ này thì đã rõ ràng vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa đảm bảo khả năng thanh toán cho các tổ chức tín dụng. Nhưng hạn chế thì vẫn còn đó, NHNN chỉ chủ động được trong việc cung ứng vốn ra, nhưng lại bị động trong việc thu hút vốn về NHNN. Nghĩa là NHNN không hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng công cụ này để điều tiết cung ứng tiền. Vấn đề này gợi cho chúng ta cần phải xem xét lại vị trí của công cụ này trong điều hành CSTT thời gian tới.

Một phần của tài liệu Sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam thực trạng và giải pháp (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)