Các nhóm giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư nước ngoài của

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 107)

thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015

Các chuyên gia của viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng để tạo lực hấp dẫn hơn nữa đối với luồng vốn FDI, các ban ngành của thành phố cần thống nhất được bốn quan điểm chính trong việc xây dựng các chính sách có liên quan.

Thứ nhất, duy trì ổn định, lâu dài chính sách khuyến khích thu hút FDI, khắc phục những lệch lạc, thiếu nhất quán trong nhận thức, cơ sở pháp lý và chỉ đạo thực tiễn quá trình thu hút vốn FDI cả trước mắt và lâu dài. Trong khi xây dựng và khai thác các kế hoạch đề án phát triển kinh tế đất nước và địa

phương, vĩ mô và vi mô, ngắn trung và dài hạn cần được soạn lập và bao quát cả đối với FDI như một bộ phận cấu thành không thể thiếu được và không thể coi nhẹ.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ hiệu quả dòng vốn FDI với các nguồn vốn đầu tư phát triển được: “hợp lưu” từ các dòng chảy khác nhau: nhà nước- ngoài nhà nước, trong nước-ngoài nước, đầu tư gián tiếp- đầu tư trực tiếp,vv…

Thứ ba, đề cao yêu cầu phát triển bền vững trong thu hút FDI. Cần tạo dựng những công cụ thúc đẩy và “bộ lọc” hiệu quả để làm tăng về lượng, quy mô, địa bàn, lĩnh vực thu hút FDI gắn với phát triển công nghệ cao và môi trường bền vững; Đồng thời, coi trọng các yếu tố yêu cầu bảo vệ an ninh chủ quyền đất nước, bảo vệ sinh thái và phòng ngừa tội phạm FDI và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, coi trọng đồng bộ hóa các giải pháp, tạo thuận lợi và bình đẳng tối đa đồng thời đáp ứng cao nhất các yêu cầu hội nhập đã cam kết, dành quan tâm và ưu tiên đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, dự án lớn, có tiềm năng lớn về tài chính, nắm công nghệ nguồn; cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm linh hoạt, tự do hóa các kênh và phương thức đầu tư để phù hợp với cung cầu thị trường.

3.3.4.1 Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế quản lý – thủ tục hành chính

Cơ chế quản lý là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng và tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư bởi cơ chế quản lý như thế nào thì sẽ tạo ra sản phẩm tương ứng. Bên cạnh đó, nếu có cơ chế chính sách phù hợp nhưng thủ tục hành chính rườm rà, không minh mạch cũng sẽ không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, cần đưa ra các giải pháp để Hà Nội ngày càng hoàn thiện hơn trong con mắt các nhà đầu tư, nhóm giải pháp đó là:

Nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố. Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác giải tỏa, đền bù, lãnh đạo thành phố cần chấm dứt tình trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí và thất thoát vốn lớn; song song đó, sát cánh hơn nữa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải

Lãnh đạo thành phố cần phải vừa “cứng rắn”, vừa “mềm dẻo” trong hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài: sẵn sàng rút giấy phép một số đơn vị, một số dự án đầu tư không đảm bảo đúng tiến độ.

Các cơ quan quản lý chủ quản cần nắm vững chính sách, quy định hiện hành để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong khuôn khổ của pháp luật. Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về các chính sách ưu đãi đầu tư do Chính phủ quy định, nhưng cũng biết vận dụng linh hoạt phù hợp với sự phát triển.

Tiếp tục tập trung thực hiện tốt cơ chế liên thông-một cửa ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư.

Tăng cường năng lực quản lý đầu tư nước ngoài của các cơ quan chức năng và cơ chế phối hợp, giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư; giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan,... nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư thành phố Hà Nội cũng như của Việt Nam.

Nâng cao trình độ toàn diện của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định mới về phân cấp quản lý đầu tư nước ngoài.

Thành phố Hà Nội cần tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, đầy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý của thành phố, tập trung xây dựng các phần mềm ứng dụng phục vụ

công tác quản lý ngành, duy trì hệ thống thông tin của thành phố… tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng rà soát, phân loại và đánh giá tình hình thực hiện của tất cả dự án trên địa bàn để có biện pháp xử lý, hỗ trợ cho phù hợp. Tập trung chỉ đạo điều hành xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như giải quyết nhanh các vấn đề khó khăn phát sinh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này vượt qua.

3.3.4.2. Nhóm giải pháp về hoàn thiện môi trường cơ sở hạ tầng

Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chính là một yếu tố quan trọng trong quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, Hà Nội trong khả năng có thể cần nhanh chóng nâng cấp và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vốn có: cả cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp lẫn cơ sở hạ tầng đô thị để làm lành mạnh hóa và cạnh tranh hóa môi trường đầu tư. Để thực hiện điều đó thì Hà Nội đã đưa ra những giải pháp sau:

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó ban hành quy chế khuyến khích tư nhân, đầu tư nâng cấp các công trình giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước, phấn đấu không để xảy ra tình trạng thiếu điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tập trung thu hút vốn đầu tư vào một số dự án thuộc lĩnh vực bưu chính- viễn thông và công nghệ thông tin để phát triển các dịch vụ mới và phát triển hạ tầng mạng.

Đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực (văn hóa-y tế-giáo dục, bưu chính- viễn thông, hàng hải, hàng không) đã cam kết khi gia nhập WTO. Xem xét việc ban hành một số giải pháp mở cửa sớm hơn mức độ cam kết đối với một số lĩnh vực dịch vụ mà nước ta có nhu cầu.

Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng để đảm bảo nhanh chóng cung cấp mặt bằng đúng tiến độ cho nhà đầu tư. Một mặt phải đảm bảo mức đền bù giải phóng phù hợp với mức giá thị trường, mặt khác chính quyền thành phố Hà Nội cũng phải cam kết đảm bảo đời sống của người dân tái định cư: đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị giải tỏa… có như vậy thì quá trình giải phóng mới có thể diễn ra nhanh chóng.

Vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng chủ yếu là nguồn vốn xuất phát từ vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, mà khả năng huy động nguồn vốn này là có hạn. Cho nên bên cạnh việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn chính phủ, thành phố Hà Nội cần nhận ra vai trò quan trọng của nguồn vốn FDI đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có các công trình giao thông, nhà ở…

Hà Nội hiện nay tập trung một lượng dân số đông, hơn 6 triệu người, mức chi trả cho các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, điện phí… ngày càng cao. Vì thế, các yếu tố về điều kiện cơ sở hạ tầng gây cản trở trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần được giải quyết như: hệ thống cấp điện nước, đường giao thông, cảng biển, sự ổn định về cung cấp nguồn năng lượng, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường…

Tập trung đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đặc biệt là xây dựng hoàn chỉnh các KCN hiện có và sớm xây dựng các khu công nghiệp đã được quy hoạch.

Cùng với các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng cho công nhân tại các KCN, cung cấp nhà ở, khu giải trí cùng với những tiện nghi sinh hoạt cho công nhân. Đây chính là những yếu tố kích thích sự làm việc ngày càng hiệu quả trong các KCN, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tập trung phát triển công nghệ thông tin, hoàn thiện hạ tầng viễn thông đến các vùng kinh tế kém phát triển.

Có chính sách hợp lý về cơ sở hạ tầng đối với các doanh nghiệp phải chuyển ra ngoại thành vì lý do gây ô nhiễm.

Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cho thấy, một đất nước, một địa phương có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển hoàn chỉnh sẽ dễ dàng thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế, nhờ vậy sẽ góp phần làm cho môi trường đầu tư thêm hoàn thiện và sẽ thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

3.3.4.3. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phối hợp với các cơ quan tăng cường giám sát, hướng dẫn triển khai Nghị định số 98/2009/NĐ-CP ngày 1/1/2010 về quy định mức lương tối thiểu đối với lao động của thành phố Hà Nội làm việc cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Hà Nội, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương trong quá trình triển khai. Các quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được xác định rõ trên quan điểm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động và của doanh nghiệp, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm trách nhiệm vật chất, tinh thần và quyền con người của người lao động, xử lý kịp thời, thỏa đáng những tranh chấp của người lao động và người sử dụng lao động để giảm thiểu hiện tượng đình công.

Cần mạnh dạn gửi ra nước ngoài đào tạo và thuê các chuyên gia hàng đầu của nước ngoài vào làm việc ở những khâu mà ta chưa đảm đương được hoặc còn yếu (chẳng hạn quy hoạch đô thị)… Có đề án dài hạn về đào tạo và sử dụng nguồn cán bộ trẻ, đào tạo cơ bản và xuất thân từ những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học trên địa bàn hoặc ngoài nước.

Phát triển thị trường lao động có tổ chức (kể cả chợ “ảo”) trên địa bàn Hà Nội. Lập một số trung tâm việc làm chuyên nghiệp chất lượng cao do thành phố chỉ đạo để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục và giảm bớt các phí tổn về thị thực nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi về thu nhập, nhà ở,… để thu hút các cán bộ kỹ thuật, các nhà khoa học và những người điều hành kinh doanh nước ngoài đến thủ đô làm việc.

Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhất là về nhà ở và điều kiện sinh hoạt của người lao động.

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, kể cả về cán bộ quản lý các cấp và cán bộ kỹ thuật.

Đầu tư xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo thống nhất, phù hợp với thế mạnh của từng khu vực cho Hà Nội mở rộng và các vùng phụ cận. Hạn chế việc tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đầu tư tập trung cho các cơ sở đào tạo ở các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng ngay yêu cầu của các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, yêu cầu kỹ thuật cao.

Có kế hoạch lâu dài về chiến lược tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: xây dựng hệ thống giáo dục đạt chuẩn từ giáo dục tiểu học đến sau đại học; hình thành kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp ngay khi còn trên nghế nhà trường.

Đầu tư xây dựng các trường đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề với trang thiết bị hiện đại và cở sở thực hành thực tập đáp ứng được yêu cầu để giảm chi phí đào tạo lại cho các doanh nghiêp; ưu tiên đầu tư cho việc

phát triển các ngành nghề mới mà thị trường lao động cần nhiều nhân lực. Đặc biệt là các ngành nghề yêu cầu lao động có trình độ, chất lượng cao.

Định hướng, tư vấn về nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở để có thể phân nguồn lao động hợp lý tránh những lãng phí không đáng có trong đào tạo.

Có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, tránh để tình trạng chảy máu chất xám như hiện nay.

Căn cứ vào định hướng phát triển của thủ đô trong các giai đoạn và nhu cầu thực tế của thị trường lao động để xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của xã hội và đặc thù của Thủ đô.

3.3.4.4. Giải pháp về hoạt động xúc tiến đầu tư

Tăng cường phối hợp hoạt động xúc tiến đầu tư giữa trung ương và địa phương. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và quy hoạch phát triển ngành, địa phương.

Nhanh chóng ban hành Quy chế phối hợp và triển khai các bộ phận xúc tiến đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm. Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm, tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính- công nghệ cao đầu tư vào Hà Nội. Tổ chức hiệu quả các hội thảo xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử về đầu tư nước ngoài bằng một số ngôn ngữ (các thứ tiếng: Anh, Nhật, Hàn, Trung và Nga) đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Tăng cường các đoàn vận động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về môi trường, tiềm năng đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ) để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng, từ đó định hướng phát triển, tạo dựng và đề cao hình ảnh Hà Nội với thế giới.

Chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào thành phố Hà Nội. Các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại cần bố trí cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư ở một số địa bàn trọng điểm. Tăng cường cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư ở các sở, ban ngành của địa phương.

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 107)