Môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp tập trung

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 71)

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của cả nước. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Thủ đô ngày càng phát triển rực rỡ, cơ sở hạ tầng được Thành phố và Trung ương hết sức quan tâm đã góp phần tạo thế và lực làm cho Hà Nội ngày càng xứng tầm là Thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Đây là yếu tố thuận lợi, cơ bản hấp dẫn các nhà đầu tư đến với Hà Nội, trong đó các khu công nghiệp, khu CNC trên địa bàn chính là “điểm nhấn” hết sức quan trọng, tạo thương hiệu và diện mạo mới cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô phát triển, qua đó tạo sức lan toả lớn để nâng tầm vóc lên tầm cao mới.

Sự phát triển các KCN, CNC trên địa bàn Hà Nội có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn trước khi Hà Nội mở rộng, với sự hạn chế về diện tích, mặt bằng xây dựng và giai đoạn sau khi Hà Nội mở rộng với nhiều cơ hội, tiềm năng về quy hoạch, mặt bằng xây dựng cũng như diện tích đất đai.

Trước khi mở rộng, giai đoạn 2000-2005, Hà Nội có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì chỉ có 3 KCN đã đi vào hoạt động và hầu hết đều đã lấp đầy hoặc gần lấp đầy. Hai KCN Hà Nội- Đài Tư và Nam Thăng Long chỉ mới trong giai đoạn chuẩn bị thu hút đầu tư còn dự án xây dựng tổng hợp Công nghiệp - Đô thị Sài Đồng A được nhà nước Việt Nam cấp giấy phép đầu tư số 1595/GP ngày 17 tháng 6 năm 1996 với chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là liên doanh giữa tập đoàn Daewoo Hàn Quốc và công ty Điện tử Hà

Nội (Hanel). Tuy nhiên, sau 9 năm chủ đầu tư mới cắm mốc giới trên thực địa, đất sản xuất bị bỏ hoang gây bức xúc lớn trong các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Cuối cùng, ngày 20/6/2006, Bộ KHĐT đã ra quyết định số 608/QĐ-BKH chấm dứt hoạt động của Công ty liên doanh Daewoo-Hanel tại dự án KCN Sài Đồng A[50].

Giai đoạn này, tỷ lệ lấp đầy của các KCN Hà Nội chỉ đạt 40%, thấp hơn rất nhiều các địa phương khác trong cả nước, như: Tp. Hồ Chí Minh (80%), Bắc Ninh (60%), Đà Nẵng (56%) và Bình Dương (50%). Tỷ lệ lấp đầy thấp ở giai đoạn này là do số KCN thực sự đi vào hoạt động chỉ có 3/6 KCN . Trong khi nếu xét các KCN đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động, Hà Nội lại có tỷ lệ cao. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng nhận thấy qui mô KCN của Hà Nội là khá nhỏ so với các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Tuy có nhiều khó khăn về mặt bằng, nhưng ở giai đoạn này các KCN Hà Nội cũng đã thu hút được 105 dự án ĐTNN và 1,25 tỷ USD vốn đầu tư, các KCN Hà Nội đã chiếm khoảng 40% về số dự án ĐTNN và 60% vốn đầu tư toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện so với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong các KCN Hà Nội đạt trên 50%. Trong năm 2005, các doanh nghiệp trong 3 KCN đang hoạt động ở Hà Nội đã tạo ra giá trị sản xuất trên 1.203 triệu USD. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt trên 834 triệu USD và đóng góp cho ngân sách nhà nước 25,5 triệu USD, tạo việc làm cho trên 27.000 lao động. Điều đáng khích lệ là các KCN Hà Nội tuy chỉ chiếm 14,8% tổng số dự án và 13,5% tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN trên địa bàn nhưng lại chiếm tới 43% tổng doanh thu, 88% kim ngạch xuất khẩu và 35% việc làm. Tốc độ tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCN Hà Nội bình quân giai đoạn 2001-2005 là 64%/năm, cao hơn rất nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chung của Hà Nội. Suất đầu tư bình quân mỗi dự án

là 9,7 triệu USD, cao hơn mức bình quân của cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển và vai trò của quan trọng của các KCN Hà Nội. [50]

Sau khi mở rộng, vấn đề quỹ đất của Hà Nội đã được tháo gỡ. Theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội sẽ có 01 khu công nghệ cao; 28 KCN tập trung; 49 (khu) Cụm CN nhỏ và vừa; trên 177 điểm CN, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề khác. Hiện nay, có 16 KCN, KCNC được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động với tổng diện tích 1.235 ha, diện tích lấp đầy được 1.056,35 ha (đạt 86%). Các KCN đang hoạt động như Bắc Thăng Long (274 ha), Sài Đồng B (49 ha), Nam Thăng Long (30 ha), Nội Bài (100 ha)... đã lấp đầy 100%. KCN Thạch Thất - Quốc Oai (155 ha), tỷ lệ lấp đầy đạt 95%, đang được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như khớp nối giao thông giữa hai cụm công nghiệp Quốc Oai và Phùng Xá; KCN Quang Minh 1 (407 ha), tỷ lệ lấp đầy được 80%, diện tích mở rộng còn lại 63 ha đang làm các thủ tục giải phóng mặt bằng; KCN Hà Nội - Đài Tư (40 ha) mới lấp đầy được 60%, đang hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải, đường giao thông chính; KCN Phú Nghĩa (170ha) đã lấp đầy được 65%, diện tích còn lại đang GPMB. Các KCN, KCNC đã được phê duyệt, như Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Quang Minh 2 và KCNC sinh học Từ Liêm, khu công viên công nghệ thông tin Him Lam đang làm thủ tục thu hồi đất và GPMB với tổng diện tích quy hoạch 1.148 ha; lập quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với KCN sạch Sóc Sơn; KCN Phú Cát và KCNC Đông Anh đang lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng [50].

Ngoài các khu công nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có qui hoạch phát triển: 49 cụm công nghiệp, tổng diện tích 3.707 ha và 177 điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề khác với tổng diện tích 1.330 ha. Qui mô bình quân 75ha/cụm công nghiệp, 7,5ha/điểm công nghiệp. Hà Nội chiếm 59% tổng số làng nghề của cả nước; trong đó có 198 làng nghề

truyền thống nổi tiếng thuộc 47 nghề như : gốm sứ , dệt may , da giày , điêu khắc, sơn mài…Với hơn 1.350 làng có nghề , 40.000 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, thu hút hơn 626.000 lao động có thu nhập b ình quân 13,1 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất của làng nghề Hà Nội đạt 7.650 tỷ đồng, chiếm 26% GTSX công nghiệp ngoài quốc doanh và 8,4% GTSX công nghiệp toàn Thành phố [24]

Đến hết năm 2009, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút được 508 dự án, trong đó có 240 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3.533 triệu USD và 268 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 11.160 tỷ đồng. Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, năm 2010 dự kiến thu hút 180 triệu USD vốn đầu tư vào các KCN [50].

Sở dĩ các KCN thu hút được một lượng vốn FDI lớn bởi vì các KCN của Hà Nội có được lợi thế tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư:

Về vị trí địa lý: Các KCN đều được quy hoạch bố trí nằm gần các trục đường quốc lộ lớn là đầu mối giao thông của cả nước như: đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 6 đi các tỉnh Tây Bắc và sang nước bạn Lào, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (quốc lộ 1A)... Ngoài giao thông đường bộ thuận lợi, các KCN trên địa bàn còn thuận lợi về giao thông đường sắt, đường hàng không và đường biển. Những đặc điểm trên tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lưu thông vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước.

Về môi trường đầu tư: các nhà đầu tư vào các KCN tập trung được trực

tiếp nghiên cứu lựa chọn vị trí thích hợp và ký hợp đồng với các chủ đầu tư hạ tầng KCN, không phải làm các thủ tục thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Đây là điều kiện làm giảm bớt thời gian tìm đất của các nhà đầu tư; hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào do các chủ đầu tư hạ tầng và Ban Quản lý

các dự án hạ tầng KCN thực hiện đầu tư đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và môi trường: có đầy đủ hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống cây xanh bảo vệ môi trường, các điều kiện về phòng chống cháy nổ…

Các nhà đầu tư vào KCN đăng ký các thủ tục tại Ban Quản lý các KCN & CX Hà Nội được Ban Quản lý thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên vào Việt Nam, chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng, được xác nhận cam kết môi trường, các thủ tục về xuất, nhập khẩu, quản lý lao động… Nếu nhà đầu tư có nhu cầu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được Công ty hạ tầng và Ban Quản lý xác nhận làm các thủ tục theo quy định, xác nhận tài sản để được vay vốn ngân hàng thương mại hoặc quỹ đầu tư phát triển của Thành phố để đầu tư. Do đó, Ban Quản lý giúp các nhà đầu tư giảm bớt được chi phí thời gian cho các thủ tục hành chính. Thời gian cấp GCNĐT là 10 ngày đối với dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Các quá trình tìm hiểu đầu tư đến xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp luôn được các trung tâm dịch vụ của Ban Quản lý hỗ trợ. Trung tâm thông tin và xúc tiến đầu tư trực thuộc Ban Quản lý có chức năng nhiệm vụ thu thập thông tin về tình hình hoạt động các KCN, cập nhật thông tin về cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như của Thành phố, cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư tiếp cận được chế độ chính sách một cách nhanh nhất để có định hướng trong các hoạt động của doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp các thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp về các công tác xây dựng nhà máy,

bảo đảm vật tư, thiết bị, môi trường. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ giúp các doanh nghiệp việc làm, giới thiệu nhân sự, đào tạo tập huấn chuyên môn, an toàn vệ sinh lao động, ăn ca, nhà ở công nhân…

Những điều kiện trên đã và đang tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các KCN trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh những thuận lợi về môi trường đầu tư, các KCN, KCNC trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có những hạn chế làm giảm sức cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư so với các địa phương lân cận, đó là:

Các khu công nghiệp thiếu quỹ đất "sạch" cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế nhà đầu tư nước ngoài vào các KCN Hà Nội. Diện tích đất có cơ sở hạ tầng để cho các nhà đầu tư thứ phát thuê hiện chỉ có khoảng hơn 20ha, nhưng lại nằm rải rác ở các KCN. Hiện nay, các khu công nghiệp hiện có đã được lấp đầy. Các khu công nghiệp đã được chính phủ phê duyệt thì còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Giá thuê đất đã có cơ sở hạ tầng tại các KCN ở Hà Nội cao nhất, gấp 3 lần so với các KCN ở các tỉnh lân cận (KCN Đài Tư - Hà Nội đã lên mức 150 USD/m2/thời hạn thuê đất tối đa (38 năm); tại KCN Sài Đồng B và Nam Thăng Long lần lượt là 125 USD/m2/41 năm và 100 USD/m2/44 năm) [50].

Sau khi mở rộng, Hà Nội có được lợi thế về diện tích để phát triển khu công nghiệp. Tuy nhiên, các khu công nghiệp của Hà Tây cũ như Thạch Thất Quốc Oai, KCN Phú Nghĩa, KCN Quang Minh sẽ có giá đất cao hơn so với trước khi sát nhập. Trước đây, KCN Phú Nghĩa có giá thuê khoàng từ 32 đến 40 USD/m2/44 năm thì bây giờ vào khoảng 90 USD/m2/44 năm. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp này quy hoạch không đồng bộ; tỷ lệ cây xanh, công trình phục vụ cho dịch vụ không đúng theo quy hoạch; KCN Thạch Thất - Quốc Oai thuộc tại hai địa bàn quản lý khác nhau nên công việc giải phóng mặt còn

nhiều hạn chế.

Điều kiện về sinh hoạt và nhà ở cho công nhân còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc tuyển dụng lao động; Nguồn nhân lực trong các khu công nghiệp có trình độ tay nghề chưa cao. Số lượng lao động chưa qua đào tạo là chủ yếu nên hạn chế về tác phong công nghiệp và hiệu quả lao động chưa cao. Ngoài ra, tiến độ GPMB ở các KCN còn phức tạp, chi phí cao nên chậm đưa vào khai thác. Mặc dù thành phố đã có nhiều động thái tích cực trong việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy trình "một cửa", cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhưng chưa đủ mạnh để "gọi" đầu tư.

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 71)