Tình hình Chính trị Văn hoá xã hội

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 47)

Cuối Thập kỷ XX đầu thập kỷ XXI vừa qua đã diễn ra nhiều thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về chính trị, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Công cuộc đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, hòa chung sự phát triển kinh tế sôi động của các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Thành phố Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nơi đóng trụ sở các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước, với vị trí địa lý – chính trị quan trọng, vừa có nhiệm vụ, đồng thời có điều kiện để củng cố an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Nghị quyết 15/NQTW của Bộ chính trị (ngày 15 tháng 12 năm 2000) đã xác định: Hà Nội “là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”. Trong những năm qua, hệ thống chính trị từ thành phố đến địa phương của Hà Nội được giữ vững và

liên tục được kiện toàn. Hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp thành phố ngày càng có nhiều đổi mới tiến bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước tiêu chuẩn hoá.

Sự ổn định chính trị là một nhân tố có tác động mạnh tới phát triển kinh tế nói chung và môi trường thu hút FDI tại Hà Nội nói riêng. Trong khi trên thế giới đang bùng nổ các cuộc xung đột tôn giáo, sắc tộc, khủng bố,... thì Hà Nội vẫn là thành phố hòa bình, giữ vững trật tự kỷ cương, tiếp tục ổn định tăng trưởng kinh tế.

Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan hành chính nhà nước; là nơi diễn ra các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội mà từ đó đã đưa ra các nghị quyết, đường lối, sách lược đối nội, đối ngoại cho từng giai đoạn xây dựng và phát triển Việt Nam. Hà Nội còn có các cơ quan ngoại giao, các văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế. Mọi hoạt động ngoại giao, thăm viếng, hội đàm, ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác được tiến hành tại đây. Nhiều hội nghị quốc tế do Việt Nam đăng cai đều tổ chức rất thành công tại Hà Nội. Đó là những cơ hội để Hà Nội giới thiệu tiềm năng, xúc tiến các hoạt động đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, kinh thành Thăng Long đã có lịch sử gần 1.000 năm với nhiều nét văn hoá truyền thống khá đặc sắc. Nơi đây hội tụ nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với những di tích lịch sử đặc sắc, có nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước, người dân Hà Nội có truyền thống thanh lịch, hiếu khách cũng là một thế mạnh riêng của Hà Nội.

Với ưu thế đặc biệt về chính trị văn hoá xã hội của Hà nội, cũng tạo ra những thuận lợi và bất lợi cần được nghiên cứu và điều chỉnh trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài.

* Được coi là thủ đô của hòa bình, Hà Nội luôn ổn định về chính trị, xã hội, đây là yếu tố rất quan trọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài không phải lo ngại về những rủi ro gây thiệt hại lớn về kinh tế do các biến động xã hội tạo ra.

* Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới để xây dựng, phát triển Thủ đô.

* Có một lịch sử lâu đời, một nền văn hoá mang bản sắc riêng, Hà Nội là địa điểm rất được khách du lịch quan tâm, vì lẽ đó nó có sức hấp dẫn lớn đối với những ai muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

b) Khó khăn:

* Hà Nội là thành phố gần Trung ương nên nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Các vấn đề của Hà Nội luôn mang tính quốc gia chứ không còn là vấn đề của địa phương. Do đó, mỗi hành động của chính quyền luôn có sự quan tâm sát sao của báo chí, dư luận cũng như của Chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sức ép cho chính quyền Hà Nội, phần nào đó làm ảnh hưởng đến sự năng động, đột phá, sự tiên phong trong lĩnh vực thu hút đầu tư cũng như các lĩnh vực khác.

* Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và là “trái tim” của cả nước, nên việc mời gọi, thu hút, lựa chọn đối tác, lĩnh vực, địa điểm đầu tư để phù hợp với định hướng phát triển một thủ đô văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam; phát triển kinh tế bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm an toàn và an ninh tuyệt đối cho hệ thống chính trị, bảo đảm và phát huy nhân tố con người, tiềm năng và các giá trị văn hóa Thăng Long được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử thực sự là một vấn đề khó khăn.

* Hà Nội là một đô thị có bề dày lịch sử truyền thống nghìn năm song Hà Nội cũng vừa sát nhập thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc cùng bốn xã thuộc tỉnh Hoà Bình. Do đó, Hà Nội phải vừa tiến hành xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vừa thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp chắc chắn rằng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Một phần của tài liệu Môi trường đầu tư nước ngoài tại Hà Nội - Thực trạng và giải pháp (Trang 47)