Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm trào phúng

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp sư phạm đề tài lịch sử văn hóa Ngôn ngữ trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái (Trang 66)

Chương III Chất trào phúng của ngôn ngữ nhân vật trong Hoàng Lê nhất thống chí

3.1. Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm trào phúng

Có thể nói, ngôn ngữ nhân vật đóng vai trò quan trọng không kém so với ngôn ngữ người kể chuyện (ngôn ngữ kể chuyện). Ngôn ngữ nhân vật không chỉ thể hiện suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của nhân vật mà còn góp phần bộc lộ tính cách của nhân vật đó. Hơn nữa, lời ăn tiếng nói của con người vốn phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ, văn hoá, tư tưởng của họ. Mỗi một câu nói bao giờ cũng xuất phát từ một ngữ cảnh xã hội nhất định. Vì vậy ngoài phương diện như ngoại hình, lai lịch, hành động, nội tâm thì ngôn ngữ nhân vật là một yếu tố không thể thiếu để cấu thành một hình tượng nhân vật sống động, hoàn chỉnh.

Ngôn ngữ nhân vật là “là lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch” [17, tr.147]. Ngôn ngữ nhân vật chính là lời nói trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, được biểu đạt bằng các tín hiệu ngôn ngữ, thông qua sự lựa chọn của nhà văn, nhằm mục đích tái hiện một cách sinh động đặc điểm nhân vật đó. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật” [13, tr.183]. Mỗi nhân vật là một cá thể hoá, chứa đựng ý đồ nghệ thuật, tư tưởng của nhà văn. Nhưng nhân vật không tồn tại như một cá thể riêng biệt tách rời khỏi cộng đồng, xã hội. Do đó, ngôn ngữ nhân vật “bao giờ cũng phải đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá tính và tính khái quát”.

Cũng như ngôn ngữ nhân vật trong các tác phẩm tự sự nói chung, ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm tự sự trào phúng, về hình thức, bao gồm đối thoại và độc thoại. Lời đối thoại là “lời trong cuộc giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là một phản ứng đáp lại lời nói trước (..), lời đối thoại

thường kèm theo các động tác, cử chỉ biểu cảm và tạo nên bởi phát ngôn của nhiều người” [17;tr.186]. Lời độc thoại: “không đòi hỏi sự đáp lại, độc lập với phản ứng của người tiếp nhận và được thể hiện thoải mái cả trong hình thức nói lẫn viết” [17;tr.187]. Về chức năng, nhà văn bằng tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình, đã xây dựng nên những hệ thống lời nói đặc thù của mỗi kiểu loại nhân vật, nhờ đó mà khắc họa nên những chân dung trào phúng.Bằng cách đặt nhân vật vào trong những tình huống, những ngữ cảnh trào phúng cụ thể, tác giả đã để cho nhân vật tự bộc lộ mình qua ngôn ngữ đối thoại. Những cuộc đối thoại đó có sự kết hợp giữa tính cá thể và tính xã hội hóa cao độ, cùng với sự kết hợp các yếu tố của vốn ngôn ngữ xã hội như: phương ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng, ngôn ngữ hội thoại hàng ngày... đã tạo nên những trường hội thoại sinh động, hấp dẫn, thể hiện đặc điểm, tính cách nhân vật một cách sắc nét. Chẳng hạn, chúng ta dễ dàng nhận ra cái bản chất độc ác, tàn nhẫn của một ông chủ nhà giàu qua những dòng đối thoại như sau:

- “À mày đánh gẫy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày cái chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!”

(Răng con chó của nhà tư sản - Nguyễn Công Hoan)

Hay cái lối nói đầy kiểu cách thể hiện sự dốt nát của một me Tây:

- “Thế mới biết tây người ta nói, phú quý sinh chữ nghĩa là phải. Chẳng dấu gì ông, từ ngày đánh bạn với quan nhà tôi, tôi mới được học. Thành ra bây giờ sách tây, sách tàu tôi đã xem qua. Nhưng tôi suy nghĩ không có quyển sách nào có giá trị bằng bộ La thông tảo bắc” ( Bà chủ mất trộm, Nguyễn

Công Hoan). Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ phá tan vẻ ngoài hào nhoáng,

bóng bẩy của nhân vật, để lộ ra phần ấu trí, kém cỏi về nhận thức…

Tóm lại, tác phẩm tự sự là một chuỗi liên kết các sự kiện, và chủ thể của sự kiện là nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những thành tố khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên những bức chân dung trào phúng độc đáo. Ngôn ngữ nhân vật tồn tại ở hai dạng chính sau đây: dạng thứ nhất là những

phát ngôn tự thân của nhân vật, là sản phẩm ngôn từ của chính nhân vật khi giao tiếp trong những hoàn cảnh cụ thể. Dạng thứ hai: Ngôn ngữ nhân vật được thể hiện trong sự miêu tả của nhà văn. Nhà văn không để cho nhân vật tự bộc lộ ngôn ngữ của nó, mà lại miêu tả về ngôn ngữ ấy. Vì thế, qua lời tác giả ta cũng có thể nhận diện đặc điểm của nhân vật. Với hai đặc điểm tồn tại trên, ngôn ngữ nhân vật có khả năng cá thể hoá nhân vật, làm nổi bật cốt truyện, gián tiếp bộc lộ thái độ của tác giả, góp phần làm cho giọng điệu tác phẩm thêm phong phú.

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp sư phạm đề tài lịch sử văn hóa Ngôn ngữ trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(93 trang)
w