Khái quát về nghệ thuật trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp sư phạm đề tài lịch sử văn hóa Ngôn ngữ trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái (Trang 41)

Trong Hoàng Lê nhất thống chí, nghệ thuật trào phúng được biểu hiện rất linh hoạt và sáng tạo. “Tiếng cười của Ngô gia thâm trầm, uyên bác, tiếng cười của sự thỏa mãn trí tuệ. Khi thì nó được bộc lộ ngay trong cảnh huống, lúc lại thể hiện qua lời nói trên cử chỉ nhân vật” [33;tr.68]. Những chi tiết trào phúng khi thì được sắp xếp cạnh nhau, lúc lại được đặt cách xa nhau, tạo nên một hình thức tác phẩm nghiêm túc nhưng lại mang giọng điệu châm biếm, hài hước”.

Nghệ thuật trào phúng được thể hiện chủ yếu qua hệ thống nhân vật và ngôn ngữ trong tác phẩm:

Về hệ thống nhân vật, theo tác giả Hoàng Thị Thảo trong khóa luận Bút

pháp trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí có 84 trên tổng số 400 nhân vật được xây dựng bằng

bút pháp trào phúng. Nhân vật của Hoàng Lê nhất thống chí được thừa nhận ở cả hai phương diện:con người lịch sử và con người xã hội nên vừa làm bật được bản chất xã hội, triều đại vừa cho thấy con người bằng xương bằng thịt, gần gũi, chân thực. Hành động và ngôn ngữ nhân vật được chú trọng mô tả với những chi tiết điển hình “biết nói”. Đối tượng trào phúng khá đa dạng, có đủ các tầng lớp từ các bậc vua chúa đến những người dân thường, từ quan lại, tướng lĩnh, triều đình phong kiến đến vua quan Trung Hoa…Tiếng cười trào phúng cũng rất phong phú với đầy đủ các cấp độ hài hước, châm biếm, mỉa mai, đả kích. Nhờ nghệ thuật trào phúng mà các tác giả Ngô gia không cần miêu tả tỉ mỉ, dài dòng mà chỉ cần chớp lấy một khoảnh khắc của nhân vật với những chi tiết hài hước cũng đủ tạo nên một ấn tượng sâu sắc về nhân vật

trong lòng độc giả. Nghệ thuật tương phản được sử dụng để khai thác mâu thuẫn trong chân dung, tính cách nhân vật dẫn đến hiệu quả hạ bệ nhân vật vua chúa, quan lại, tướng lĩnh, tôn thất. Chẳng hạn, khi các tác giả họ Ngô chĩa mũi nhọn châm biếm vào sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của tướng lĩnh thiên triều. Điều thứ nhất: “ Đại binh ra ải, vốn để dẹp giặc an dân. Hễ qua các nơi đều phải nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Không được quấy nhiễu nhân dân, cướp bóc của chợ búa” [39,tr.329]. Điều thứ bảy: “ Rau củ của đại binh dùng hàng ngày, đã có tiền công cấp phát, chỉ được đổi chác với người Nam bằng cách thuận tình, không được tự tiện chặt phá cây cối ở các làng xóm để sinh ra tranh giành. Nếu ở chỗ nào cách rừng núi độ hai dặm, cần sai quân lính bảo vệ cho kẻ đi kiếm củi, không được tự ý đi xa để xảy ra biến cố khác. Đến như việc lấy nước nấu cơm cũng phải do viên quan coi xét nghiệm rõ ràng, quả thật trong sạch không có độc mới cho múc uống” [39;tr.330]. Nhưng chẳng bao lâu sau, bộ mặt “nhân nghĩa” của đại binh thiên triều bị chính họ lật tẩy. Sĩ Nghị “thêm kiêu căng, buông tuồng, mặc cho quân lính các đồn tự tiện bỏ hàng ngũ, đi lang thang, không kỉ luật”, y lại “hay dung túng cho chúng mặc sức làm điều phi pháp”.

Về ngôn ngữ, Hoàng Lê nhất thống chí có sử dụng một lượng điển tích, điển cố tương đối đa dạng, bên cạnh đó là sự xuất hiện của những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao làm cho ngôn ngữ nhân vật được cá thể hóa một cách sinh động. Nghệ thuật trào phúng được thể hiện ở cả hệ thống ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người trần thuật. Ngôn ngữ nhân vật xuất hiện ở cả hai dạng đối thoại và độc thoại nhưng bút pháp trào phúng chủ yếu được sử dụng để xây dựng ngôn ngữ đối thoại. Tiếng cười hầu như không xuất hiện trong các lượt độc thoại của nhân vật. Ngôn ngữ trần thuật xuất hiện ở cả dạng lời dẫn gián tiếp một giọng và lời dẫn gián tiêp hai giọng. Ngôn ngữ kể chuyện có mang dấu ấn chủ quan nhưng không nhiều, chủ yếu bình phẩm qua ngôn ngữ nhân vật, giọng kể thay đổi linh hoạt. Tiếng cười toát lên qua những lời dẫn gián tiếp hai giọng. Các điểm nhìn trào phúng của các tác giả luôn luôn thay đổi tạo nên một cách kể chuyện sinh động, hấp dẫn.

Trên đây là những khái quát chung về nghệ thuật trào phúng trong tác phẩm. Với những giá trị to lớn như vậy, Hoàng Lê nhất thống chí xứng đáng được coi là nơi “hội tụ tinh hoa văn xuôi tự sự Việt Nam”.

Tiểu kết

Ở chương I, chúng tôi đã trình bày những vấn đề sau:

Thứ nhất, về khái niệm. trào phúng bao hàm nhiều cung bậc khác nhau của tiếng cười. Các nhà nghiên cứu thường thống nhất có ba cấp độ của tiếng cười, đó là :hài hước, mỉa mai và châm biếm.

Thứ hai, khuynh hướng trào phúng trong văn học trung đai là một mạch ngầm, âm thầm mà mạnh mẽ. Tiếng cười trào phúng đã xuất hiện thấp thoáng trong văn học trung đại Việt Nam, rõ nhất là từ thế kỉ XV trở đi, và liên tục phát triển, song hành cùng những chặng đường của văn học trung đại, dẫu đó mới chỉ là những chi tiết vụn vặt, lẻ tẻ, chưa thành hệ thống. Phải đến Hoàng Lê nhất thống chí, tiếng cười trào phúng mới được sử dụng như một phương

tiện nghệ thuật.Về tác giả và tác phẩm: Hoàng Lê nhất thống chí là một hiện tượng nổi bật của tiểu thuyết lịch sử chương hồi trong văn học Việt Nam thời trung đại. Có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tác giả của tác phẩm này. Theo nhiều nhận định đáng tin cậy thì Ngô Thì Chí là tác giả chính, Ngô Thì Du là người viết nối tiếp.

Thứ ba, nghệ thuật trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí chủ yếu được thể hiện qua nhân vật trào phúng và ngôn ngữ trào phúng. Đối tượng trào phúng của tác phẩm nhìn chung khá đa dạng, bao gồm đủ mọi giai tầng xã hội, “trong đó, số lượng các nhân vật quan lại và tướng lĩnh được xây dựng bằng bút pháp trào phúng chiếm tỷ lệ lớn” [57;12], góp phần vào việc xây dựng một thế giới nhân vật sinh động và hài hước. Ngôn ngữ trào phúng kết hợp với giọng điệu và điểm nhìn độc đáo đã tạo nên tiếng cười trào phúng độc đáo và sâu cay cho tác phẩm.

Một phần của tài liệu luận văn tốt nghiệp sư phạm đề tài lịch sử văn hóa Ngôn ngữ trào phúng trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(93 trang)
w