b. Thẻ quốc tế
2.3.2.5 Hoạt động Marketing
Trước tình hình ngày càng có nhiều ngân hàng tham gia thị trường thẻ và dành nhiều nguồn lực để cạnh tranh trong tất cả các mảng hoạt động phát hành và thanh toán thẻ, để duy trì và mở rộng phát hành và thanh toán thẻ, thực hiện mục tiêu giữ vững thị phần thanh toán, phát hành thẻ, Trung tâm thẻ Vietcombank đã tập trung nỗ lực xây dựng các chương trình marketing với nhiều nội dung và hình thức khác nhau và đã thu được những kết quả tích cực.
Các chương trình marketing hiệu quả được triển khai trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng về doanh số thanh toán thẻ, doanh số sử dụng thẻ và số lượng thẻ phát hành mới. Cụ thể như: đối với thẻ Connect24, Trung tâm thẻ đã thực hiện các chương trình hợp tác với Vinaphone, Intercom VTC, Xí nghiệp xăng dầu hàng không miền Trung phát hành thẻ cho khách hàng, tham gia triển lãm khu công nghiệp, khu chế xuất để phát hành thẻ; Đối với thẻ Master MTV, Trung tâm Thẻ phát hành thẻ cho tập đoàn dầu khí, VTC, HTVC, thực hiện các chương trình khuyếch trương
thẻ nhân triển lãm du lịch Việt Nam, hợp tác với công ty Vinastar phát hành và trả thưởng cho khách hàng mua ô tô, phí phát hành do Vinastar thanh toán; Đối với thẻ tín dụng Visa, Trung tâm Thẻ đã triển khai chương trình “Visa Vietnam Merchant Acquisition” trao thưởng cho các chi nhánh ký mới Hợp đồng ĐVCNT; Đối với thẻ Connect24 Visa, Trung tâm Thẻ đã trình áp dụng cơ cấu thưởng đối với nhân viên phát hành thẻ 3.000 VNĐ/thẻ, thực hiện chương trình khuyến mãi, tổ chức tuần lễ mua sắm tại Diamond Plaza và Sài gòn center tại TP HCM và Vincom tower tại Hà Nội; Đối với thẻ Amex Bông sen vàng, các khách hàng đã được áp dụng cơ cấu tính điểm thưởng mới linh hoạt và nhiều lợi ích cho khách hàng hơn để khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ để chi tiêu; Đối với thẻ tín dụng Master, Trung tâm Thẻ đã triển khai chương trình “True Pleasure” quảng bá thương hiệu cho các ĐVCNT. Các ĐVCNT được TCTQT Mastercard tài trợ in bộ ấn phẩm và các chủ thẻ thanh toán bằng thẻ master tại các ĐVCNT này đều được hưởng ưu đãi về giá.v.v…
Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển và mở rộng các sản phẩm dịch vụ thẻ, trong những năm qua, Vietcombank tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hợp tác, giữ vững vị thế đối tác chiến lược của các TCTQT tại Việt Nam.
Ngoài ra, Vietcombank còn triển khai một số các chương trình như: hợp tác với Hãng hàng không Malaysia Airlines, miễn giảm một số loại phí, tiếp tục các chương trình quảng bá và phát triển phát hành và thanh toán thẻ Amex, các chương trình quảng cáo và hợp tác với các chương trình truyền hình như: Tôi Yêu Việt Nam, Chương trình ca nhạc MTV, quảng cáo về sản phẩm thẻ Amex, MTV và kỷ lục Vietcombank là ngân hàng có sản phẩm thẻ đa dạng nhất trên Trang web Vietcombank.
Như vậy, hoạt động Marketing dịch vụ thẻ của Vietcombank đến nay rất đa dạng về hình thức, chương trình và áp dụng cho nhiều loại thẻ khác nhau.
Hiệu quả của các chương trình này cũng góp phần để các chỉ tiêu phát hành và thanh toán thẻ đạt và vượt kế hoạch của năm.
Năm 2009, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, xác định marketing là một trong các giải pháp hiệu quả nhất giúp duy trì và thúc đẩy phát hành và thanh toán thẻ, Trung tâm thẻ đã tập trung các nỗ lực cho hoạt động marketing, quảng cáo với nhiều chương trình và hình thức khác nhau và đã thu được những kết quả rất khả quan. Nổi bật trong đó là việc thực hiện thành công chương trình khuyến mại dành cho thẻ Amex, thẻ Visa debit, thẻ Connect24… Các chương trình marketing của Vietcombank không chỉ dừng lại ở mục tiêu gia tăng chủ thẻ mà còn chú trọng nhiều đến việc khuyến khích việc sử dụng thẻ, nâng cao tỷ lệ thẻ được sử dụng, phát triển hoạt động thẻ theo hướng chất lượng, hiệu quả. Điều này đã góp phần quan trọng khiến không chỉ số lượng phát hành của tất cả các loại hình thẻ đều gia tăng mà doanh số sử dụng thẻ cũng tăng mạnh mẽ, vượt qua các khó khăn khách quan của tình hình kinh tế chung.
Trong năm 2010, bộ phận marketing của Trung tâm thẻ Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chương trình quảng cáo cho dịch vụ thanh toán thẻ trên xe taxi và việc quảng cáo trên hệ thống 1.500 xe taxi của Taxi Group trong khuôn khổ hợp tác của Đề án Taxi. Ngoài ra, trong năm 2010, bên cạnh các chương trình marketing thông thường, Trung tâm Thẻ cũng đã tích cực và chủ động thực hiện thay đổi thiết kế hình ảnh các sản phẩm thẻ như thẻ ghi nợ quốc tế Visa, thẻ tín dụng quốc tế Amex Bông Sen Vàng… và tiến hành khai trương sản phẩm với sức thu hút lớn đối với các tầng lớp khách hàng, qua đó góp phần gia tăng đáng kể doanh số sử dụng thẻ các loại.
Đánh giá Vietcombank trong lĩnh vực marketing thẻ, năm 2010, TCTQT Mastercard đã vinh danh Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thành viên trên toàn cầu thực hiện chương trình marketing kích thích sử dụng thẻ thành công nhất với danh hiệu “Finalist - Best Promotion Program 2010”.
Kết luận Chương 2: Tập trung phân tích, đánh giá thực trạng phát hành và
thanh toán thẻ tại Vietcombank trong giai đoạn 2006-2010. Qua phân tích rút ra:
Kết quả đạt được:
Là ngân hàng có số lượng thẻ phát hành và doanh số thanh toán thẻ không ngừng gia tăng qua các năm và luôn giữ vị thế dẫn đầu về các chỉ tiêu này trên thị trường thẻ Việt Nam. Cụ thể, Vietcombank hiện chiếm hơn 50% thị phần thanh toán thẻ quốc tế, gần 30% thị phần phát hành thẻ tín dụng quốc tế, 30% thị phần phát hành thẻ ghi nợ quốc tế, 18% thị phần phát hành thẻ nội địa và hơn 29% thị phần doanh số sử dụng thẻ các loại.
Là ngân hàng có mạng lưới chấp nhận thẻ lớn nhất và rộng khắp tại thị trường Việt Nam, với số lượng POS đạt 14.762 máy (tính đến 31/12/2010), chiếm hơn 27% thị phần của toàn thị trường. Vietcombank cũng là ngân hàng khai thác được nhiều ĐVCNT lớn, có tiềm năng và có uy tín trong việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho khách hàng.
Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến bằng thẻ quốc tế và thẻ nội địa, góp phần mang lại cho khách hàng một phương thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp với xu thế phát triển của thương mại điện tử trên thế giới và trong khu vực với doanh số ngày càng lớn.
Là ngân hàng duy nhất chấp nhận thanh toán 07 thương hiệu thẻ của các TCTQT lớn trên thế giới là Visa, MasterCard, American Express, JCB, Diners Club, DiscoverCard và China Union Pay.
Một số tồn tại, hạn chế:
Kênh thanh toán qua ATM/POS bước đầu ứng dụng cho thanh toán hoá đơn, trả phí dịch vụ, mua thẻ trả trước, nhưng còn gặp trục trặc ở việc kết nối giữa các đơn vị hay nhiều POS chỉ chấp nhận thẻ quốc tế. Điểm yếu này hạn chế việc sử dụng thẻ thanh toán của khách hàng.
Do nghiệp vụ thẻ là nghiệp vụ ứng dụng công nghệ cao nên đôi khi công tác giải quyết các giao dịch thẻ lỗi còn chậm trễ do phải phụ thuộc vào hệ thống.
Công tác xây dựng kế hoạch vật tư trang thiết bị, phân bổ máy ATM và EDC để đáp ứng yêu cầu dịch vụ cho toàn hệ thống còn chưa kịp thời do phụ thuộc vào kế hoạch mua sắm của Vietcombank nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu kinh doanh.
Sự gia tăng của các loại tội phạm thẻ đang đe dọa đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động kinh doanh thẻ, qua đó gây áp lực lớn cho việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như của ngân hàng. Bên cạnh các loại tội phạm công nghệ cao với các hành vi như gắn thiết bị đánh cắp dữ liệu thẻ tại ATM, gian lận thông đồng với các ĐVCNT…, thì gần đây còn xuất hiện và gia tăng loại tội phạm với các hành vi phá hoại trắng trợn, liều lĩnh nhằm ăn cắp tiền tại các máy ATM… Trước tình hình đó, không những hoạt động đầu tư mở rộng mạng lưới của Vietcombank phải trở nên thận trọng hơn mà công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho hệ thống cũng đòi hỏi phải nâng cao hơn rất nhiều, kéo theo nhiều chi phí và nhân lực, cũng như gia tăng lo ngại trong khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động thẻ nói riêng và hình ảnh của ngân hàng nói chung.
Khó khăn, thách thức:
Yếu tố khó khăn nhất trong việc mở rộng phát hành và thanh toán thẻ của NHTM nói chung và Vietcombank nói riêng là tâm lý ưa chuộng và thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày của người dân nên việc sử dụng các phương tiện TTKDTM, trong đó có thẻ, nhìn chung còn rất hạn chế.
Các đơn vị kinh doanh không muốn phải trả phí cho Ngân hàng, đồng thời phải công khai doanh thu và hạn chế trong nhận thức về lợi ích của việc thanh toán thẻ nên chưa có nhiều đơn vị kinh doanh chấp nhận thanh toán thẻ.
Ngay cả với một số ĐVCNT, dù đã ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với Ngân hàng nhưng vẫn tìm nhiều cách hạn chế giao dịch bằng thẻ của khách hàng như để máy POS vào nơi khuất, gợi ý và ưu tiên cho khách hàng trả tiền mặt, thậm chí còn thu thêm phụ phí đối với khách hàng thanh toán thẻ.
Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó lĩnh vực hoạt động tài chính-ngân hàng là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất. Trong bối cảnh đó, phát hành và thanh toán thẻ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, dưới áp lực suy giảm mạnh của lượng khách du lịch quốc tế, doanh số thanh toán thẻ quốc tế của Vietcombank đã giảm sút đáng kể so với vài năm trước đây.
Các phương tiện thông tin đại chúng chưa tích cực ủng hộ hoạt động phát triển dịch vụ thẻ và thanh toán thẻ; thường phản ảnh những mặt tiêu cực, đưa thông tin một chiều ảnh hưởng đến tâm lý người sử dụng thẻ cũng như việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về TTKDTM.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng trong phát hành và thanh toán thẻ tạo nhiều áp lực cho Vietcombank trong việc duy trì thị phần thẻ trên thị trường. Điều này càng khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều ngân hàng nước ngoài với tiềm lực lớn về mọi mặt tham gia thị trường thẻ, không ngừng đa dạng hoá sản phẩm, gia tăng tiện ích cho sản phẩm, đem lại cho khách hàng nhiều sự lựa chọn với nhiều chính sách cạnh tranh linh hoạt, mềm dẻo và dài hạn. Việc giữ vững thị phần thẻ của Vietcombank là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi có sự định hướng đúng đắn, chính sách chiến lược hiệu quả và sự đầu tư dài hạn.
CHƯƠNG 3