Ở BN xơ gan, giãn TM thực quản xuất hiện khi tối thiểu chênh áp TM gan ở mức từ 10-12 mmHg [49], [72]. Khoảng 50% BN nhân xơ gan có giãn TM thực quản, chỉ 40% có giãn TM thực quản với xơ gan Child - Pugh A, và 85% đối với xơ gan Child - Pugh C [50]. Đối với BN xơ gan chưa có giãn TM thực quản, tỉ lệ xuất hiện búi giãn TM thực quản là 8% mỗi năm [59], [81].
Theo phân loại giãn TM thực quản của hiệp hội nghiên cứu TALTMC Nhật Bản [79], kết quả (biểu đồ 3.3) cho thấy: trong 72 BN xơ gan được tiến hành nội soi dạ dày, có 3 BN không có giãn TM thực quản, bằng 4,2%; 16 BN giãn độ I, chiếm 22,2 %; 30 BN giãn độ II, chiếm 41,7%; và 23 BN giãn độ III, chiếm 31,9%. Như vậy, phần lớn BN có giãn TM mức độ vừa và lớn, hay còn được gọi là có nguy cơ cao vỡ TM thực quản, chiếm 73,6%. Khi so sánh với các tác giả khác, tỉ lệ giãn TM thực quản của chúng tôi là 95,8%, cũng tương đương với kết quả của các tác giả Bosch J.: 94,8% [29]; và Đặng Thị Kim Oanh: 97,1% [8].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi (bảng 3.4) cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p > 0,05 khi so sánh tỉ lệ BN không có giãn TM thực quản, giãn TM thực quản độ I, giãn độ II và giãn độ III giữa BN xơ gan Child - Pugh A, Child - Pugh B và Child - Pugh C. Như vậy, không có mối liên quan giữa mức độ giãn TM thực quản và mức độ nặng của xơ gan theo Child - Pugh. Theo tác giả Cales P. có mối liên quan giữa mức độ giãn TM thực quản và mức độ nặng của xơ gan theo Child- Pugh [34]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Vigneri S. lại cho kết quả ngược lại: không có mối liên quan nào giữa mức độ giãn TM thực quản và mức độ nặng của xơ gan theo Child - Pugh [115].