thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Hiện nay có nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, văn hoá tác động, ảnh hưởng đến giá trị đạo đức. Ðó là quá trình chuyển biến từ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không những tạo ra những biến đổi tích cực trên lĩnh vực kinh tế, mà còn tạo ra biến đổi sâu sắc trong đời sống tinh thần xã hội về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ công chức.
Kinh tế thị trường là một loại kinh tế cần có quy phạm đạo đức nhất định để phát huy có hiệu quả hành vi kinh doanh chế ngự những mặt tiêu cực hạn chế của kinh tế thị trường có thể nảy sinh. Thêm vào đó, đề cao đạo đức công chức góp phần ngăn ngừa các hành vi tham ô, chạy theo lợi ích cá nhân bất chấp đạo đức. Coi thường tác dụng quan trọng của đạo đức công chức trong cơ chế kinh tế thị trường đều có thể có tác động tiêu cực.
Việt Nam ngày nay đang trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước, mở cửa, giao lưu, hội nhập mạnh mẽ với các nước trong khu vực và thế giới. Trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đang có sự chuyển đổi sâu sắc và tác động đến đời sống tinh thần, trong đó các nhân tố chủ yếu tác động đến đạo đức là:
Nước ta chuyển từ cơ chế kinh tế quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới, mở cửa giao lưu với thế giới, tiếp cận những yếu tố tích cực của cách mạng khoa học công nghệ, lối sống hiện đại là điều kiện cơ bản của sự biến đổi giá trị đạo đức hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy có nhiều mặt tiến bộ, song lĩnh vực văn hóa tinh thần còn nhiều điều đáng lo ngại, lối sống chạy theo đồng tiền, hủ tục, mê tín, tệ nạn xã hội gia tăng. Trong công tác giáo dục đạo đức xã hội còn nhiều thiếu sót, có lúc coi nhẹ hoặc tách rời từng mặt, nội dung giáo dục nghèo nàn, thiếu tính hiện thực, mang tính hình thức đơn điệu. Nhiều nơi giáo dục lý luận Mác – Lênin, đạo đức học Mác – Lênin chưa được chú ý đúng mức.
Sự biến động mạnh mẽ của các điều kiện kinh tế - xã hội, tất yếu không thể không có sự chuyển đổi giá trị đạo đức của cán bộ công chức. Thực tế ở Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới cho thấy, giá trị đạo đức công chức đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng, phức tạp, có cả tích cực và tiêu cực, thái quá, thậm chí có đảo lộn, sự biến động diễn ra nhiều chiều chưa ổn định. Vì lợi ích mà chữ trung chữ hiếu trở nên mờ nhạt, vì lợi ích mà liêm, chính, chí công ... bị bỏ quên, vì lợi ích mà trách nhiệm đối với công việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân bị đánh cắp và lối sống thực dụng đang hàng ngày len lỏi vào đời sống của con người nói chung và đội ngũ cán bộ công chức nói riêng.
Như vậy, vấn đề đạo đức công chức đang diễn ra phức tạp, đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa cái thiện và cái ác, giữa hai lối sống có lý tưởng lành mạnh, trung thực với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám chạy theo đồng tiền hết sức quyết liệt. Đạo đức công chức vừa phải đấu tranh với hệ thống đạo đức khác, vừa phải đấu tranh tự đổi mới, tự khẳng định mình trong điều kiện kinh tế thị trường. Đó là tình huống có vấn đề mà
yêu cầu của công cuộc đổi mới đặt ra cho đạo đức công chức. Cái then chốt của nó, không phải là nên hay không nên diễn ra sự biến đổi đạo đức công chức mà là biến đổi như thế nào, tức là giá trị đạo đức công chức được đánh giá và chuyển đổi đến đâu để dần dần thích ứng với nhu cầu của đời sống hiện thực, hình thành một quan hệ đạo đức giữa người với người đóng vai trò duy trì và thúc đẩy tốt đẹp sự điều hòa và ổn định trật tự xã hội, đặc biệt là điều chỉnh, đổi mới, kế thừa, định hướng các giá trị đạo đức công chức làm cho cán bộ công chức trong xã hội dần dần thích ứng trong điều kiện kinh tế thị trường.
Những giá trị đạo đức công chức tiếp tục được khẳng định và phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường, như: Trung với nước hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có trách nhiệm với công việc và tinh thần thái độ đúng mực; giữ vững nguyên tắc và tuyệt đối chấp hành kỷ luật; có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp; làm việc với tinh thần sáng tạo.
Trung với nước, Hiếu với dân là giá trị đạo đức hàng đầu cần phải có đối với mỗi cán bộ công chức trong điều kiện kinh tế thị trường. “ Trung với nước đòi hỏi mỗi cán bộ công chức, mỗi đảng viên cần phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, trung thành với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân; đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên lợi ích cục bộ, địa phương, tổ chức, cá nhân” [79, tr.266].
Hiếu với dân tức đặt lợi ích của dân lên trên hết. Điều này cũng có nghĩa phải hết lòng thương yêu nhân dân, tin tưởng và kính trọng nhân dân. Mỗi cán bộ công chức phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, phải giữ gìn và bảo vệ truyền thống tốt đẹp cũng như những thành quả lao động sáng tạo của xã hội, phải quản lý chặt chẽ mọi tài sản của Nhà nước và của nhân dân, tự giác chấp hành kỷ luật lao động và kỷ cương, pháp luật, dũng cảm và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Ngày nay “hiếu với
dân” đang trở thành vấn đề thách thức ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là các giá trị đạo đức cốt lõi, là những hành vi ứng xử không thể thiếu được của mọi cán bộ công chức khi thi hành công vụ. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay những giá trị đạo đức của cán bộ công chức vẫn được phát huy cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước đều làm việc với tinh thần khẩn trương, chu đáo và năng suất. Mỗi cán bộ công chức đều đi làm đúng giờ, siêng năng, chuyên cần, có kế hoạch và sáng tạo trong xử lý tình huống. Không ít cán bộ công chức Nhà nước tận tụy với công việc, coi những việc của người dân như việc của chính mình. Họ luôn luôn tiết kiệm thời gian, của cải của dân, không xa hoa, lãng phí, chân thật, thẳng thắn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khi mà mặt trái của cơ chế thị trường đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi phương diện của đời sống con người. “Lãng phí đang trở thành một bệnh dịch lây lan rộng khắp ở tất cả các cấp các ngành. Lãng phí từ thời gian (không làm đúng thời gian quy định) đến tiền bạc của dân của nước. Căn bệnh lãng phí, phô trương này đã làm lung lay tận gốc rễ những giá trị đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà mỗi cán bộ công chức, đảng viên cần phải có.
Thực thi công vụ Nhà nước giao, nếu không thực sự quan tâm đến những giá trị đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, sẽ gây tổn thất lớn cho Nhà nước. Nếu không thực sự quan tâm đến công vụ, xem xét qua loa, không thực sự quan tâm đến các yếu tố đảm bảo thực thi công vụ đó, có thể gây lãng phí sức người, ngân sách nhà nước. Cầu Thanh Trì với nhiều năm kéo dài có thể coi là một minh chứng cho sự lãng phí.” [79, tr.272].
Có trách nhiệm với công việc và tinh thần thái độ đúng mực, nền kinh tế thị trường đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm về mặt vật chất
của người cán bộ công chức. Nói đến đạo đức của người cán bộ công chức là nói đến trách nhiệm cá nhân người công chức. Điều này được thể hiện ở trách nhiệm đối với công việc được giao phó và tinh thần thái độ đúng mực với nhân dân. Đảm bảo tốt trách nhiệm cá nhân đó là một giá trị đạo đức của cán bộ công chức. Giá trị này không phải là điều gì mới mẻ đối với cán bộ công chức ở nước ta hiện nay. Nhưng trong nền kinh tế thị trường giá trị đó trở nên cụ thể hơn, rõ ràng hơn, được cân đo, đong đếm một cách khách quan hơn. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức phải được biểu hiện ở hiệu quả công việc thông qua hành động, hành vi ứng xử của cán bộ công chức. Từ đó, một mặt, khắc phục được cách xem xét, đánh giá tinh thần trách nhiệm của người cán bộ công chức một cách chung chung trừu tượng; mặt khác, làm cho “đức” và “tài” kết hợp hài hòa. “Nếu người công chức không đủ năng lực điều hành công việc, hoặc không phấn đấu nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của công việc thì sớm muộn cũng bị kinh tế thị trường đào thải. Kinh tế thị trường có khả năng ngăn ngừa hiện tượng chạy chọt chức vụ của những kẻ hám danh vị, nó “ sắp đặt” con người vào đúng vị trí công việc hợp với sở trường của mình.”[66, tr.24]
“Cơ chế thị trường là cơ chế “mở”. Tính đa dạng và đa phương hóa, tính xã hội hóa và quốc tế hóa cao của nó đã có tác dụng đẩy lùi sự níu kéo, tính trì trệ với bản chất bảo thủ của cơ chế tập trung quan liêu. Đây là những tác động không phải như “cú hích” từ bên ngoài mà là những yếu tố “nội lực” làm chuyển biến toàn bộ nền kinh tế sống động, kéo theo sự năng động tư duy của các chủ thể lao động” [66, tr.26]. Đội ngũ cán bộ công chức nhờ đó tư duy được mài sắc, tính chủ động, có trách nhiệm cao với công việc và tinh thần làm việc đúng mực đã đáp ứng ngày càng có hiệu quả cao của nền kinh tế thị trường. Đó là những giá trị đạo đức do cơ chế thị trường mang lại cho những cán bộ công chức.
Giữ vững nguyên tắc và tuyệt đối chấp hành kỷ luật, là một giá trị đạo đức trong hoạt động công vụ của công chức. Khác với các thế hệ cha ông ta, trong điều kiện kinh tế quan liêu bao cấp. Trong điều kiện đó, những đòi hỏi chặt chẽ về ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong lao động cũng rất quan trọng nhưng chưa mang ý nghĩa cấp bách và thiết thân đối với mỗi cán bộ công chức trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Nhờ giữ vững nguyên tắc và tuyệt đối chấp hành kỷ luật giúp cán bộ công chức giữ được bản lĩnh,cốt cách của mình, dám đương đầu với những khó khăn thử thách, không cơ hội, sống nhiệt tình, chân thực và cống hiến nhiều cho xã hội, đồng thời có tinh thần giúp đỡ người khác một cách tự giác và có trách nhiệm cao trước tập thể và xã hội. Sống có lương tâm, trung thực, yêu lao động là những giá trị đạo đức cao quý , là nguyên tắc sống của cán bộ công chức. Để người dân hoàn toàn có thể tin vào một đội ngũ công chức công tâm, nhiệt tình, chuyên môn cao và một nền hành chính công lấy phục vụ làm tiêu chí cơ bản.
Có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp trong cơ quan và với các cơ quan, tổ chức khác để cùng thực hiện công vụ. Công chức phải biết kết hợp, phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể. Nhận việc khó về mình, không tranh công đổ lỗi, luôn có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ. Tạo cơ hội cho đồng nghiệp tiến bộ, phát triển. Luật cán bộ, công chức Việt Nam tại Điều 16 - Văn hóa giao tiếp ở công sở, quy định như sau:
“1. Trong giao tiếp ở công sở, cán bộ công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc.
2. Cán bộ công chức phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá, thực hiên dân chủ, đoàn kết nội bộ.
3. Khi thi hành công vụ, cán bộ, công chức phải mang phù hiệu hoặc thẻ công chức; có tác phong lịch sự; giữ gìn uy tín, danh dự cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đồng nghiệp” [39, tr.16]
Làm việc với tinh thần sáng tạo là giá trị đạo đức cần được phát huy ở cán bộ công chức hiện nay.
Sự chuyển đổi giá trị đạo đức công chức trong điều kiện kinh tế thị trường phải xử lý như thế nào đó để các chủ thể giá trị phát huy được tính tích cực cao nhất vừa làm cho sản xuất phát triển, kinh tế ngày càng tăng, vừa bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình đổi mới và định hướng giá trị đạo đức công chức cần chống hai khuynh hướng cực đoan là thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống mà coi nhẹ hoặc phủ nhận đổi mới và thái độ hư vô. Đi vào kinh tế thị trường hiện đại hóa đất nước mà xa rời những giá trị đạo đức truyền thống sẽ làm mất đi bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, tạo thành cái bóng của người khác, dân tộc khác. Những giá trị đạo đức của công chức: Trung với nước, Hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có trách nhiệm với công việc và tinh thần thái độ đúng mực; giữ vững nguyên tắc và tuyệt đối chấp hành kỷ luật; có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp; làm việc với tinh thần sáng tạo, đã trở thành những giá trị bền vững trong quá trình phát xây dựng Nhà nước của dân do dân và vì dân.