Xây dựng hệ chuẩn mực đạo đức công chức nhằm tiến tới xây dựng Luật đạo đức công chức

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 159 - 162)

dựng Luật đạo đức công chức

Tiến tới như một số nước, chúng ta phải xây dựng luật đạo đức công chức cụ thể hoá những nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của công chức; quy định cụ thể những điều công chức được, không được và không nên làm. Xác định rõ những tiêu chuẩn phẩm hạnh, đạo đức của công chức làm căn

cứ để khen thưởng hoặc kỷ luật nếu vi phạm. Phải xử lý kịp thời và công bằng những sai phạm của công chức.

Hiện nay, những giá trị về đạo đức công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước mới chỉ mang tính thủ tục hoặc ở những tập quán tiến bộ được xã hội thừa nhận, không mang tính bắt buộc chung, chưa thực sự trở thành căn cứ pháp lý để quy định cụ thể về hành vi của mỗi cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và gắn liền với cuộc sống hàng ngày, nếu những quy phạm về đạo đức công chức không được hệ thống hoá thành những quy định mang tính bắt buộc thì mọi hoạt động sẽ không được công khai, minh bạch và nó không thể trở thành động lực cho quá trình xây dựng và phát triển xã hội.

Thực tế các cơ quan công quyền vẫn còn gây nhiễu khó dễ cho người dân, mặc dù cải cách hành chính đã nhiều năm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kéo dài là vấn đề đạo đức và trách nhiệm công chức chưa được luật pháp hoá chặt chẽ, đầy đủ. Luật hoá đầy đủ trách nhiệm công chức và hình thành một cơ chế giám sát chặt chẽ, có chế tài nghiêm minh đối với những vi phạm về đạo đức và trách nhiệm của công chức, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng công chức hiện nay. Đồng thời phải rà soát lại những chỗ còn khiếm khuyết bất cập trong các văn bản pháp luật hiện hành để bịt kín những chỗ còn sơ hở dễ bị lợi dụng. Xây dựng một cơ chế công vụ thật minh bạch, công khai, dân chủ và luôn được giám sát từ nhiều phía khác nhau, một loại cơ chế mà sự hoạt động của nó không cho phép một động cơ tham nhũng nào.

Thực tế, nhiều ngành đã ban hành quy chế đạo đức. Theo chúng tôi, ngoài Luật đạo đức công chức, điều chỉnh những quan hệ đạo đức mang tính phổ biến trong giới công chức, mỗi ngành, mỗi cơ quan cũng cần phải có quy chế đạo đức phù hợp với cơ quan mình; giúp cho công chức nhận thức

sâu sắc ý nghĩa của việc rèn luyện đạo đức phù hợp yêu cầu của nhiệm vụ cụ thể được giao và phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn. Vì vậy, việc xây dựng quy chế đạo đức phải chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, tính chất công việc của từng ngành, từng cơ quan đơn vị, không chung chung, trừu tượng. Đề cao trách nhiệm cá nhân, ý thức tổ chức kỷ luật tự giác học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng tác phong quần chúng, công khai hoá, thực hiện đúng các chế độ chính sách. Chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu. Chống tham ô, lãng phí, xã hoa. Chống chia rẽ, bè phái, cục bộ, coi thường kỷ cương pháp luật. Có cơ chế bảo đảm việc ban hành, thực thi luật và quy chế đạo đức.

Đối với nước ta hiện nay, xây dựng và hoàn thiện đạo đức công chức là một yêu cầu cấp bách vì sự hưng thịnh của chế độ, của đất nước. Nội dung xây dựng và hoàn thiện đạo đức công chức hướng vào hai đối tượng: Đội ngũ công chức là chủ thể của đạo đức và Nhà nước, các cơ quan nhà nước là nhân tố bảo đảm cho quá trình xây dựng và phát triển đạo đức công chức.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức:

- Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng;

- Không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, chịu học, biết học và biết học có hiệu quả;

- Luôn luôn bám sát thực tiễn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; - Kiên trì tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác;

- Rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng cùng làm việc với tập thể, khả năng tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm;

- Kiên trì cuộc đấu tranh chống lại dốt nát, nghèo đói, thói hư, tật xấu, nhất là sự lười biếng, sự đố kỵ, sự tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, cách sống buông thả và sa đoạ;

Đối với Nhà nước, các cơ quan Nhà nước:

Một là, xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công vụ, thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước cho từng loại, từng chức danh công chức. Bao gồm: những chuẩn mực về đạo đức công vụ; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chuẩn mực về tính hợp pháp của hành vi công vụ; chuẩn mực về niềm tin nội tâm của người công chức (bản lĩnh dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và ý thức chấp hành pháp luật). Cụ thể hoá những giá trị đạo đức như: Lòng trung thành, cần, kiệm, liêm, chính... thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ, trong những bối cảnh và quan hệ xác định.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế dân chủ, bằng những quy định và chuẩn mực pháp luật, để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện qui chế đánh giá cán bộ, công chức (quy trình đánh giá, nội dung đánh giá) theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia của dư luận xã hội và công dân.

Bốn là, xây dựng quy chế về cam kết và lời thề công vụ của cán bộ, công chức khi được bổ nhiệm.

Năm là, đầu tư nghiên cứu về đạo đức công vụ; về những giá trị, lý tưởng đạo đức công vụ để từng bước cụ thể hoá nó thành những chuẩn mực pháp luật; nhất là, nghiên cứu về đạo đức công vụ trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 159 - 162)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w