Đạo đức công chức

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 40 - 49)

Mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi cơ sở đều có quy định về đạo đức nghề nghiệp như quy định của Bộ Y tế về y đức, quy định về phẩm chất người cán bộ thanh tra, cán bộ công an, giáo viên,...

Nghề nghiệp, không chỉ là phương tiện để sống mà còn là điều kiện và địa bàn để mỗi người có thể cống hiến sức lực, trí tuệ cho xã hội. Quan điểm của C.Mác khi chọn nghề (C.Mác viết trong luận văn tốt nghiệp trung học, năm 17 tuổi): “Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó

là sự hy sinh vì mọi người. Những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý” [54, tr.18]

Chọn nghề và hoạt động nghề nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào, thời nào cũng vậy, đều đòi hỏi phải có những chuẩn mực đạo đức, người ta gọi là đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là những nguyên tắc và chuẩn mực có tính đặc trưng của nghề nghiệp, xã hội đòi hỏi phải tuân theo. Đạo đức công chức là dạng đặc biệt của đạo đức nghề nghiệp gồm những quan điểm, nguyên tắc và chuẩn mực đánh giá, điều chỉnh tư tưởng, hành vi và quan hệ của công chức trong thực thi công vụ.

Trong xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu thứ đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp liên quan với hoạt động nghề và gắn liền với một kiểu quan hệ sản xuất trong một giai đoạn lịch sử nhất định nên nó cũng mang tính giai cấp, tính dân tộc. Chẳng hạn, đạo đức nghề y (y đức) từ thời cổ đại đến nay đều có những chuẩn mực chung, lấy việc cứu người làm điều thiện, nhưng người thầy thuốc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nâng những giá trị đạo đức đó lên phù hợp với đạo đức của con người xã hội chủ nghĩa. Đạo đức nghề nghiệp mang tính giai cấp nên quan điểm về nghề nghiệp, thái độ đối với nghề nghiệp trong mỗi chế độ xã hội cũng khác nhau.

Dưới chủ nghĩa tư bản, như C.Mác và Ph.Ăngghen nhận xét trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”: “Giai cấp tư sản không để lại một mối quan hệ nào khác ngoài mối lợi là trả tiền ngay không tình, không nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của cảm tình tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến những phẩm giá của con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần”.[47, tr. 600].

Đạo đức nghề nghiệp có vai trò xã hội to lớn, nó không chỉ là một chi nhánh đặc sắc trong hệ thống đạo đức xã hội mà còn là một cấp độ phát triển đạo đức tiêu biểu, một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mỗi cán bộ công chức đều phải lấy: yêu cương vị công tác, yêu nghề nghiệp, chân thành giữ chữ tín, làm việc hợp đạo lý, làm việc có hiệu quả, năng xuất cao, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và cống hiến cho xã hội, làm nội dung chủ yếu của đạo đức nghề nghiệp. Đó là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nói chung mà tất cả những người trong nghề và công chức đều phải tuân theo.

Nói đến đạo đức là nói tới lương tâm, trong hoạt động nghề nghiệp của mình, công chức cũng phải có lương tâm. Lương tâm nghề nghiệp là biểu hiện tập trung nhất của ý thức đạo đức, vừa là dấu hiệu, vừa là thước đo sự trưởng thành của đời sống đạo đức cá nhân. Mỗi công chức, với tư cách là một chủ thể đạo đức đã trưởng thành bao giờ cũng là một người sống có lương tâm và điều đó thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động nghề nghiệp.

Lương tâm nghề nghiệp của công chức là ý thức trách nhiệm đối với hành vi của mình trong quan hệ nghề nghiệp với người khác, với xã hội và ý thức trách nhiệm với số phận của mọi người, là sự tự phán xử về các hoạt động, các hành vi nghề nghiệp của mình. Theo Đêmôcrit - nhà triết học Hy Lạp cổ đại - lương tâm chính là sự tự hổ thẹn, nghĩa là hổ thẹn với bản thân mình. Sự hổ thẹn giúp cho con người tránh được ý nghĩ, việc làm sai trái, cần phải dạy cho con người biết hổ thẹn, nhất là, hổ thẹn trước bản thân mình. Trong hoạt động nghề nghiệp nếu không biết tự hổ thẹn, sẽ không nâng cao được tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kết quả của hoạt động nghề nghiệp không những không có tác dụng đối với xã hội mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghĩa vụ nghề nghiệp là trách nhiệm của người làm nghề trước xã hội và trước người khác, còn lương tâm là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đó. Vì thế, có thể nói, ý thức về nghĩa vụ nghề nghiệp là nền tảng, là cơ sở để hình thành lương tâm nghề nghiệp của người cán bộ công chức.

Đạo đức nghề nghiệp, cũng như đạo đức nói chung, trạng thái khẳng định của lương tâm có vai trò nâng cao tính tích cực của công chức, giúp cho công chức tin tưởng vào mình trong quá trình hoạt động nghề nghiệp được đảm nhiệm của nền hành chính quốc gia. Niềm tin tưởng đó, là động lực bên trong thôi thúc người công chức vươn tới cái thiện, cái tốt đẹp, cái cao cả, loại trừ cái xấu, cái nhỏ nhen, ty tiện làm cho bộ máy hành chính nhà nước và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Thật bất hạnh, khi những kẻ làm điều ác đối với người khác nhưng lương tâm không cắn rứt. Chẳng hạn, cậy chức, cậy quyền đẩy người khác vào đường cùng, làm cho gia đình, vợ con người ta khốn đốn vẫn cảm thấy đó là chuyện bình thường không hề gợn lên một chút day rứt của lương tâm.

Giữ được đạo đức, trước hết phải giữ được lương tâm, bởi vì, làm điều ác lần thứ nhất thì lương tâm còn dằn vặt, cắn rứt nhưng điều ác được lặp lại thì lương tâm biến mất. Đó cũng là thời điểm báo trước sự đổ vỡ của lòng tự tin, lòng tự trọng nghề nghiệp và danh dự của công chức. Trong thực tiễn đạo đức công chức, người có lương tâm trong sạch là người có khả năng tự ý thức, tự đánh giá được bản chất lương thiện của chính mình. Ngược lại, mọi giá trị đạo đức sẽ tiêu tan khi không còn cảm giác về lương tâm, trước những việc làm sai trái của bản thân trong hoạt động chuyên môn cũng như trong cuộc sống.

Nghĩa vụ đạo đức không chỉ là sự đòi hỏi, yêu cầu của cơ quan, đoàn thể, của xã hội đối với công chức mà còn là nhu cầu của sự tiến bộ, hoàn

thiện nhân cách của bản thân mỗi người. Vì thế, nghĩa vụ đạo đức không phải là sự ép buộc từ bên ngoài mà là sự gắn bó chặt chẽ với ý thức về lẽ sống, hạnh phúc và triết lý sống của công chức. Trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cũng vậy, nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi công chức phải giải quyết một cách hài hoà giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích của đối tác và lợi ích của toàn xã hội. Mỗi bước tiến bộ của công chức đều gắn liền với sự phát triển của cơ quan, đoàn thể, sự tiến bộ xã hội và sự trưởng thành về mặt nhân cách công chức. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp ở lĩnh vực công tác được phân công đảm nhận, mỗi cán bộ công chức lựa chọn một triết lý nghề nghiệp riêng không những không mâu thuẫn với lợi ích và triết lý sống của người khác, của cơ quan, xã hội mà còn đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi chung góp phần xây dựng nền văn hoá công sở đa sắc tiến bộ, lành mạnh.

Nếu nghĩa vụ pháp lý là sự bắt buộc thì nghĩa vụ đạo đức lại chứa đựng nguồn gốc bên trong của mỗi chủ thể đạo đức là chủ yếu - nghĩa là, nó bao chứa tình cảm trách nhiệm của công chức trước người khác, trước tập thể và xã hội, thôi thúc, khao khát được hành động vì lợi ích chung. Thực hiện nghĩa vụ đạo đức là sự tự giác, không bị giàng buộc bởi động cơ cá nhân mang tính chất vụ lợi. Giáo dục ý thức về nghĩa vụ đạo đức có tác dụng quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách công chức. Đó là sự thống nhất của quá trình nhận thức và hành động thực tiễn đạo đức của mỗi cá nhân. Nó trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu của chủ thể đạo đức, vượt qua những cám dỗ vật chất nhỏ nhen, ích kỷ và những toan tính tầm thường của cuộc sống hết sức đa dạng, phức tạp để đạt tới sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của công chức vì nền hành chính quốc gia và sự phát triển của đất nước.

Trong xã hội, cái thiện vừa là những giá trị hiện thực cụ thể, vừa hàm chứa những lý tưởng đạo đức cao quý nhất của con người. Cái thiện bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với chân lý và cái đẹp. Vì thế, chân, thiện, mỹ là nội dung căn bản của ý thức và hiện thực đạo đức tiến bộ. Chúng tạo nên một chỉnh thể hợp thành lẽ sống, nghĩa vụ, hạnh phúc và lương tâm của công chức. Nghĩ điều thiện, làm việc thiện là đặc tính của ý thức và hành vi đạo đức tốt đẹp trong mỗi công chức. Hướng tới cái thiện, mỗi công chức có điều kiện để phát huy mọi năng lực, trí tuệ trong hoạt động chuyên môn để cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

Vì thế, đạo đức công chức có một số chức năng sau:

Chức năng điều chỉnh hành vi, đạo đức công chức là một trong những phương thức điều chỉnh hoạt động của công chức, chủ yếu là trong thực thi công vụ nhằm tạo ra mối quan hệ hai chiều giữa lợi ích của cá nhân công chức với lợi ích xã hội; giữa lợi ích cá nhân công chức với những cá nhân xã hội khác. Điều chỉnh các giá trị, chuẩn mực đạo đức, lý tưởng đạo đức, niềm tin và tình cảm đạo đức,… Chức năng điều chỉnh đạo đức công chức là một trong những phương thức điều chỉnh hành vi, hoạt động của công chức, chủ yếu là trong thực thi công vụ nhằm tạo ra mối quan hệ hai trong một giữa lợi ích của cá nhân công chức và lợi ích xã hội; giữa lợi ích cá nhân công chức với những cá nhân xã hội khác. Chức năng điều chỉnh của đạo đức công chức như: các giá trị, chuẩn mực đạo đức, lý tưởng đạo đức, niềm tin và tình cảm đạo đức…

Khi tồn tại như một hiện tượng tâm lý xã hội, đạo đức công chức tạo sức ép lên ý thức đạo đức của cá nhân công chức, buộc cá nhân phải tiếp nhận sự phê phán của xã hội và những yêu cầu được thể hiện trong sự phê phán đó. Do đó, những giá trị, chuẩn mực chung của đạo đức công chức uốn

nắn hành vi của cá nhân công chức theo yêu cầu của xã hội là bảo vệ và tăng cường lợi ích xã hội.

Hành vi của công chức được đạo đức công chức điều chỉnh thông qua việc xã hội, tập thể tạo dư luận khen ngợi sự tận tụy với nhân dân, sự trung thành với chế độ và sự liêm chính trong hoạt động công vụ. Bên cạnh đó tự bản thân công chức ứng với các chuẩn mực đạo đức công chức tự giác điều chỉnh hành vi của mình một cách phù hợp.

Trong các chuẩn mực đạo đức công chức thì tính liêm chính trong hoạt động công vụ là một trong những chuẩn mực quan trọng góp phần làm trong sạch nền công vụ, ngăn ngừa và giảm thiểu những hành vi tham nhũng của công chức. Vì lẽ đó, trong hầu hết các chế độ công vụ của nhiều nước trên thế giới coi đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, độ tin tưởng của nền công vụ phục vụ nhân dân.

Mặt khác nền công vụ của các quốc gia trên thế giới hiện nay đều có những cải cách nhất định và có những điểm chung mà các quốc gia đều hướng tới đó là xây dựng nền hành chính phục vụ. Công dân, tổ chức được coi là “khách hàng” và người phục vụ không ngoài ai khác là đội ngũ công chức. Với quan niệm và mục đích của nền hành chính như vậy cho thấy hoạt động công vụ của công chức cần phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với người dân, với công việc được giao phó tạo ra niềm tin cho người dân đối với nhà nước, đối với đội ngũ công chức. Môi trường đạo đức trong công sở vững mạnh sẽ đem lại niềm tin cho người dân. Sự tận tâm của công chức tạo ra sự hài lòng của người dân đối với nhà nước, đối với công chức góp phần quyết định tới hiệu quả của nền công vụ mà bất cứ quốc gia nào trong đó có Việt Nam quan tâm.

Chức năng giáo dục, đạo đức công chức phản ánh nội dung quan trọng, cơ bản của văn hoá công sở của người công chức. Người có học vấn

nhưng thiếu đạo đức không thể được coi là người có văn hoá. Đạo đức công chức tự biểu hiện như là những giá trị nhân văn lớn lao trong công chức, bởi vì nó nâng cao con người, nâng cao phẩm giá con người, kích thích phát triển cái con người trong con người. Theo nghĩa đó, đạo đức công chức thực hiện chức năng giáo dục cho đội ngũ công chức nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Nhờ chức năng này đã góp phần tạo nên tiến bộ đạo đức của các cá nhân công chức và cả đội ngũ công chức. Đạo đức công chức tạo nên môi trường giáo dục đạo đức; không có môi trường này thì không có giáo dục đạo đức. Nhận thức đạo đức được thực hiện bằng cách thông tin và đánh giá đạo đức. Nhận thức đạo đức đem lại cho công chức những tri thức về đạo đức; những tri thức về giá trị đạo đức và về các phương thức tạo ra những giá trị đó. Nhờ có tri thức này mà từng cá nhân công chức có niềm tin về tính tất yếu, tính hợp lý của đạo đức công chức. Niềm tin này là tiền đề để cá nhân công chức thực hành theo đạo đức công chức.

Chức năng nhận thức, đạo đức công chức có vai trò giáo dục cho nhận thức của công chức về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Nhà nước, xã hội và nhân dân.

Nhận thức đạo đức công chức ở hai cấp độ: Nhận thức đạo đức công chức ở mức độ thông thường, đáp ứng nhu cầu hiểu biết thông thường đủ để công chức ứng xử phù hợp với thực tế cuộc sống. Mọi công chức đều có thể và cần phải đạt được ở mức độ này.

Nhận thức đạo đức công chức ở mức độ cao hơn (trình độ lý luận) là những nhận thức có tính nguyên tắc được chỉ đạo bởi những giá trị đạo đức có tính tổng quát về đạo đức công chức. Ví dụ chuẩn mực: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ở mức độ này đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển đạo đức công chức và tiến bộ xã hội. Đây là yếu tố không thể thiếu được trong hệ tưởng về công chức, công vụ của giai cấp cầm quyền.

Giáo dục đạo đức công chức đưa lại sự thay đổi về nhận thức đạo đức công chức. Công chức có tri thức đạo đức, ý thức đạo đức đã nhận thức trở thành đạo đức cá nhân công chức. Cá nhân công chức hiểu và tin ở các chuẩn mực đạo đức công chức, lý tưởng giá trị đạo đức công chức trở thành cơ sở để bản thân điều chỉnh hành vi, thực hiện đạo đức công chức

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 40 - 49)