Khái niệm công chức, đạo đức công chức và xây dựng đạo đức công chức

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 37 - 40)

VÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÔNG CHỨC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.1. Khái niệm công chức, đạo đức công chức và xây dựng đạo đức công chức đức công chức

2.1.1. Công chức

Công chức là một bộ phận rất quan trọng của nền hành chính quốc gia, tầm quan trọng đó tựa như xương sống của cơ thể. Với bộ phận quan trọng như vậy, nên các quốc gia đều quan tâm xây dựng đội ngũ công chức vững mạnh về mọi mặt. Đó là, công chức phải có đầy đủ các phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để hiện thực hoá những tiêu chuẩn và nghĩa vụ của công chức bằng sự nỗ lực cá nhân và bằng những cơ chế, chính sách sử dụng, quản lý. Hoạt động của công chức trên mọi lĩnh vực xã hội ngày càng tỏ rõ sự cần thiết cũng như lợi ích to lớn ở cả tầm quốc gia lẫn tầm quốc tế. Vì vậy, nếu không có một chế độ công chức tiên tiến phù hợp, nhà nước sẽ không thể quản lý và thúc đẩy sự phát triển của xã hội một cách đồng bộ. Nhiều quốc gia quan niệm, công chức là những nhân viên công tác, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước được quy định bởi quy chế hoặc luật công chức, là những người làm việc trong hệ thống chính quyền nhà nước.

Nền hành chính ở nước ta không chỉ nằm trong hệ thống chính quyền hành pháp như cách hiểu của nhiều nước trên thế giới hiện nay mà do đặc điểm cấu trúc của thể chế chính trị, nó được hiểu theo một khái niệm có ngoại diên rộng hơn. Đó là, hoạt động hành chính - lãnh đạo của Đảng, quản lý xã hội của Nhà nước để thực hiện sự đoàn kết dân tộc và quyền làm chủ của nhân dân, thông qua mặt trận và các đoàn thể xã hội.

Ngay từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 76/SL về quy chế công chức, bước đầu xác định rõ về đội ngũ, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và những yêu cầu năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ công chức trong xã hội mới. Từ đó, đội ngũ cán bộ công chức đã phát huy được vai trò của mình cùng toàn thể nhân dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc làm nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XX. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của đội ngũ cán bộ công chức trong nền hành chính quốc gia, Nhà nước ta ban hành Pháp lệnh cán bộ công chức và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 9 tháng 3 năm 1998, và sửa đổi năm 2000, 2003. Luật Cán bộ công chức đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức, chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Khái niệm công chức trong Luật Cán bộ, công chức ở nước ta có ngoại diên quá rộng. Khác với công chức của nhiều nước trên thế giới, ở nước ta công chức làm việc trong các cơ quan nhà nước trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp từ trung ương tới địa phương, ngoài ra công chức còn làm việc trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội với những nhiệm vụ, công vụ rất khác nhau nhưng đều nhằm chung mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội. Đây là đặc điểm đặc thù của đội ngũ công chức Việt Nam. Vì vậy, hoạt động công vụ của đội ngũ công chức có những đóng góp và tác động rất lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì lẽ đó, xây dựng đạo đức công chức có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Công chức là những người thực thi công vụ; là những người làm công cho nhà nước, được nhà nước trả lương để thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu nhằm phục vụ lợi ích công, phục vụ nhân dân do các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành. Do đó, công vụ là hoạt động được tiến hành thông qua vai trò, bổn phận, thẩm quyền của những người làm việc trong nền công vụ, hay trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Luật cán bộ, công chức năm 2008 đã thể hiện rõ hơn đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nước ta, trên cơ sở đó xác định những yêu cầu, tiêu chuẩn về trình độ, năng lực phẩm chất, cơ chế quản lý và chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp. Việc tách đội ngũ công chức ra khỏi đội ngũ viên chức là một bước tiến trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước thể hiện đúng chủ trương, quan

điểm của Đảng về tách hành chính với doanh nghiệp, với sự nghiệp, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân.

Như vậy, có thể hiểu, Công chức là bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị bao gồm những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức vụ, chức danh, ngạch, bậc trong biên chế nhà nước hoặc được giao giữ một công vụ thường xuyên, làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đảm nhận chức năng quản lý hành chính và được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Từ khái niệm trên, công chức được nhận thức trên hai phương diện:

Một là, công chức lãnh đạo gồm những người làm việc (thi hành công vụ) dựa trên Nghị quyết hay Quyết định của tập thể.

Hai là, công chức quản lý hành chính làm việc (thi hành công vụ) theo mệnh lệnh hay quyết định của cấp trên.

Dù là công chức lãnh đạo hay công chức quản lý hành chính trong thực thi công vụ cũng phải luôn luôn đề cao lương tâm, danh dự, trách nhiệm,... của mình trước nhân dân và trong nhận thức, nhân dân xem lĩnh vực quản lý, lãnh đạo giống như những nghề nghiệp khác của xã hội – nghề quản lý hành chính nhà nước. Đây là đối tượng nghiên cứu của luận án.

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w