Những nghiên cứu liên quan đến phương hướng và giải pháp xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở nước ta

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 27 - 37)

xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở nước ta

Liên quan đến nội dung này, có thể kể ra một số công trình tiêu biểu: Nguyễn Văn Phúc (1999) Về một số giải pháp xây dựng nhân cách đạo đức hiện nay, Triết học, số 4; Nguyễn Chí Mỳ (chủ biên)(1999), Sự biến đổi thang giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường với việc xây dựng đạo đức mới cho cán bộ quản lý ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; Đỗ Lan Hiền (2002), Vấn đề xây dựng đạo đức trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, Triết học, số 4. Cuốn sách: ”Đạo đức trong nền công vụ” của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội ấn hành năm 2002, của nhóm tác giả Tô Tử Hạ, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Kim Thảo. Trong cuốn sách“Xây dựng đạo đức cán bộ, công chức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, do Bùi Thế Vĩnh chủ biên, Nxb Thống kê ấn hành năm 2003. Nguyễn Hữu Khiển (2003),

Đạo đức công vụ và vấn đề nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, Triết học, số 10; Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, của Ngân hàng Phát triển Châu Á, do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2004; Tệ quan liêu, lãng phí và một số giải pháp phòng chống, của Ban chỉ đạo Trung ương 6 và Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2006; Cuốn sách “Chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam

hiện nay” của Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản năm 2006; Cuốn sách: “Đạo đức trong quản lý hành chính công” của Vũ Gia Hiền và Nguyễn Hữu Hoạt, do Nxb Lao động, Hà Nội ấn hành năm 2007; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, của Viện Hồ Chí Minh và khu Di tích Chủ Tịch Hồ Chí Minh, do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2007; Đỗ Thị Ngọc Lan (2012) “Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia; Giáo trình: “Đạo đức công vụ” do Nguyễn Đăng Thành và Võ Kim Sơn, Nxb Lao động xã hội ấn hành năm 2012; Luận án tiến sỹ “Trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức ở nước ta hiện nay”(2012) của tác giả Cao Minh Công;...

Cuốn sách “Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay. Vấn đề và giải pháp” của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do GS. Nguyễn Duy Quý và GS. Hoàng Chí Bảo chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 2006, đã nêu lên thực trạng đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay. Với những tác động của kinh tế thị trường và sự mở rộng giao lưu quốc tế, đạo đức xã hội Việt Nam đã có nhiều tiến bộ như: Sự bình đẳng trong xã hội, tự do dân chủ của con người được tăng lên. Bên cạnh đó công trình này đã nêu lên những hạn chế, những điều đáng lo ngại là đạo đức gia đình và xã hội, đạo đức trong các ngành và các lĩnh vực đang có sự xuống cấp như lối sống chạy theo đồng tiền, sự tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ công chức Nhà nước, tình trạng tội phạm gia tăng v.v... Điều đó đang gây ra những bức xúc cho xã hội, những lo lắng cho người dân. Trên cơ sở phân tích sâu sắc thực trạng đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay, các tác giả đã đưa ra giải pháp như tăng cường nghiên cứu giảng dạy đạo đức trong xã hội, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức trong gia đình ở Việt Nam, để khắc phục những hạn chế thiếu sót nêu trên.

Cuốn sách: ”Đạo đức trong nền công vụ” của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội ấn hành năm 2002, của nhóm tác giả Tô Tử Hạ, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Thị Kim Thảo. Khi luận giải các giải pháp nhằm nâng cao đạo đức công vụ, các tác giả nhấn mạnh: “Để nâng cao đạo đức công vụ, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ. Hệ thống giải pháp này vừa phải đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người; vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức”[24, tr.202]. Cụ thể hơn, trong cuốn sách đã phân tích các nhóm giải pháp cơ bản sau: Nhóm giải pháp về giáo dục đề cao giá trị đạo đức, đề cao sự tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của cán bộ, công chức; nhóm giải pháp đổi mới và hoàn thiện cơ chế để cán bộ, công chức có điều kiện phát huy đạo đức, thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân; nhóm giải pháp về chính sách đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với cán bộ, công chức; nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, đồng thời kiểm tra, ngăn ngừa và xử phạt sự vi phạm đạo đức công vụ; nhóm giải pháp về tiếp tục hoàn thiện thể chế về đạo đức công vụ.

Trong cuốn sách“Xây dựng đạo đức cán bộ, công chức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, do Bùi Thế Vĩnh chủ biên, Nxb Thống kê ấn hành năm 2003, các tác giả đã nêu ra một số giải pháp chung để xây dựng đạo đức cán bộ công chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các tác giả còn đề cập đến sự vận dụng kinh nghiệm nước ngoài trong việc thúc đẩy tiến trình luật hóa đạo đức công chức ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhóm tác giả cuốn sách trên đã khẳng định: “Giải pháp xây dựng đạo đức cán bộ công chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ bao gồm từ đổi mới, nâng cao chất

lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức trong cả hệ thống chính trị; hoàn thiện hệ thống pháp luật và những văn bản quy định về chế độ công vụ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục hoàn thiện chế độ tiền lương,...”[92, tr.140 – 141].

Cuốn sách: “Đạo đức trong quản lý hành chính công” của Vũ Gia Hiền và Nguyễn Hữu Hoạt, do Nxb Lao động, Hà Nội ấn hành năm 2007. Các tác giả cuốn sách đã phân tích một cách có hệ thống lý luận khoa học, hệ thống về lĩnh vực nghiên cứu hành chính công tương đối độc lập, nội dung nghiên cứu có tính tổng hợp và phương pháp nghiên cứu có hệ thống từ các thuyết đạo đức và đạo đức học. Trong đó chỉ rõ: Nếu các nguyên nhân gây ra mất ổn định đạo đức chính trị xã hội đi ngược chiều với đạo đức quản lý hành chính công thì diễn tiến xu hướng đạo đức chính trị có thể thay đổi hoặc chậm hơn thậm chí triệt tiêu tác dụng về đạo đức trong mâu thuẫn chính trị. Giữa mục tiêu đạo đức và thực tế của nó có tính tương đối, có sự tác động chuyển hóa qua lại tạo thành hệ thống đạo đức hành chính ở các quốc gia trên quan hệ nhân quả vô cùng tận. Khắc phục những nhược điểm yếu kém về đạo đức hành chính công cũng như khi gặp khó khăn về chọn lựa và ra quyết định đạo đức mà không tìm ra nguyên nhân, lại đi sửa kết quả thì vấn đề lành mạnh hóa hành chính công sẽ thất bại.

Nguyễn Văn Phúc (1999) Về một số giải pháp xây dựng nhân cách đạo đức hiện nay, Triết học, số 4, tác giả đã làm rõ những nhân tố quy định nhân cách là: “Nhân tố quy định nhân cách ở tầng sâu nhất là cơ sở lợi ích; sự phát triển nhân cách đạo đức, xét đến cùng, phải được thể hiện trong những hành vi đạo đức thực tế; giáo dục và giáo dục đạo đức là một trong những phương thức, giải pháp quan trọng nhất, trực tiếp quyết định sự hình thành, phát triển nhân cách đạo đức”.

Trong cuốn sách “Nghiên cứu so sánh quy định về đạo đức công vụ của một số quốc gia và Việt Nam” của Đỗ Thị Ngọc Lan, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2012, trong Chương 3, Một số khuyến nghị cho hệ thống quản lý đạo đức công vụ của Việt Nam, tác giả đã đề cập đến chín vấn đề cơ bản là:

“ Thứ nhất, Xác định giá trị cốt lõi cho nền công vụ Việt Nam phù hợp với điều kiện Việt Nam như: dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, liêm chính, hay trách nhiệm giải trình, tình thương, trung thực, trách nhiệm;Thứ hai, Làm rõ các nguyên tắc về trách nhiệm và trách nhiệm giải trình nhằm đề xuất nguyên tắc này trở thành một trong những nguyên tắc hàng đầu của đạo đức công vụ Việt Nam; Thứ ba, Cụ thể hóa các quy tắc ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện làm việc của ngành và địa phương, nhưng phải tránh sao chép, phải phản ánh đặc thù công vụ của ngành hay của địa phương. Một trong các cách thức đó chính là xây dựng văn hóa tổ chức, tạo ra một bầu không khí đạo đức cho cơ quan và cộng đồng quốc gia;Thứ tư, Tuyên truyền người dân về quyền của họ và nghĩa vụ của công chức giá trị cốt lõi của nền công vụ phải được tuyên truyền cho người dân với tư cách là người trả thuế thông qua các khẩu hiệu ngắn có ý nghĩa; Thứ năm, Giáo dục đạo đức công vụ cho công chức phải dựa trên các giá trị cốt lõi, các nguyên tắc của đạo đức công vụ để chỉ ra các quy tắc ứng xử, và quan trọng nhất là cách thức áp dụng các giá trị và các nguyên tắc đó trong các trường hợp cụ thể; Thứ sáu, Nêu gương của lãnh đạo tấm gương của người lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến nhiều công chức khác, kể cả tác động đến công chúng; Thứ bảy,Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến các cam kết WTO; Thứ tám,Gắn kết đạo đức công vụ với phòng, chống tham nhũng;xây dựng nền đạo đức công vụ là giải pháp phòng, chống tham nhũng

chủ động nhất, căn cơ nhất, nhân bản nhất; Thứ chín, Kiểm soát hay cam kết?”.

Trong cuốn Phục vụ và duy trì: cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, của Ngân hàng Phát triển Châu Á, do Nxb Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2004, trên cơ sở phân tích khái quát bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới, các tác giả đã phác họa bức tranh toàn cảnh về nền hành chính công trong thế kỷ XXI: Bộ máy chính quyền các cấp; quản lý nguồn nhân lực của chính quyền; mối quan hệ giữa người dân và chính quyền; chất lượng dịch vụ hành chính...Đặc biệt, phần IV gồm hai chương đề cập trực tiếp tới việc nâng cao tính liêm chính, tinh thần trách nhiệm của công chức trong việc phục vụ nhân dân; trong đó khẳng định rõ: “Tính liêm chính là một điều kiện cơ bản để chính phủ đưa ra một khuôn khổ hiệu qủa và có thể dự đoán trước đối với đời sống kinh tế và xã hội của các công dân của mình”. [67, tr.71]; “tính minh bạch là một sự khích lệ quan trọng để công chức làm việc một cách có đạo đức và cần có biện pháp cho phép sự giám sát của công chúng và tiến hành khắc phục và bồi thường khi có vi phạm xảy ra” [67, tr.72] như là những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường đạo đức công và ngăn ngừa tham nhũng. Đồng thời, “đòi hỏi phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức đối với các thẩm quyền tự quyết mới của mình để đảm bảo họ tuân thủ các tiêu chuẩn về liêm chính và những đòi hỏi của công dân” [67, tr.72].

Luận văn thạc sỹ “Đạo đức công vụ trong hoạt động quản lý nhà nước ở Thành phố Hồ Chí Minh”(2010) của tác giả Phan Kiều Thanh Hương. Tác giả đưa ra nhóm giải pháp nâng cao đạo đức công vụ đó là: Mô tả cụ thể chức danh công việc; đổi mới nâng cao bồi dưỡng công chức; thực hiện tốt cải cách hành chính; tăng cường thanh tra công vụ; nâng cao vai trò văn hóa công sở; đánh giá công chức; cải cách tiền lương; phát huy phòng chống

tham nhũng; khen thưởng và xử lý vi phạm; thực hiện chức năng giám sát của nhân dân.

Luận án tiến sỹ “Trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức ở nước ta hiện nay”(2012) của tác giả Cao Minh Công, trong luận án tác giả cũng đưa ra hai phương hướng đó là: “Nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân; Nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức theo hướng xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp và đội ngũ công chức vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có trình độ chuyên môn”. Đồng thời tác giả cũng đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức như: Pháp điển hóa các giá trị đạo đức công chức thành những cam kết buộc công chức thực hiện trong thực thi công vụ; Xây dựng chế định tuyển dụng và sát hạch công chức thường xuyên; Tăng cường công tác thanh tra công vụ nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức; Thực hiện trách nhiệm giải trình của công chức trong thực thi công vụ; Tăng cường giáo dục đạo đức công chức; Nâng cao trách nhiệm công vụ và đạo đức công chức trên cơ sở xây dựng chế độ vật chất, phúc lợi xã hội phù hợp.

Nhìn chung, các công trình trên có xu hướng bàn nhiều về khía cạnh thay đổi các giá trị đạo đức trong điều kiện hiện nay và những đòi hỏi khách quan phải tăng cường giáo dục tình cảm đạo đức cho cán bộ, công chức nói chung. Đồng thời các công trình trên cũng luận giải nhiều giải pháp và các nhóm giải pháp khác nhau nhằm nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên và công chức. Trong đó, tập trung vào các giải pháp chính: Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh hướng đến việc tạo môi trường cho cán bộ đảng viên rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng; tăng cường vai trò của các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội trong việc giáo dục đạo đức cách mạng; nâng cao chất lượng tự giáo dục, rèn luyện đạo

đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Điều này đòi hỏi phải có những công trình tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến đạo đức công chức.

Kết luận chương 1

Dựa trên những tư liệu hiện có để tập trung nghiên cứu một cách có hệ thống và trực tiếp “Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay”, tác giả luận án sẽ giải quyết những vấn đề cấp thiết của thực tiễn đạo đức công chức trong nền công vụ Việt Nam và góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của đạo đức công chức, sự tác động của kinh tế thị trường đối với đạo đức công chức ở nước ta hiện nay.

Vấn đề đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức của đảng viên, cán bộ quản lý và đạo đức công vụ, công chức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay còn rất ít công trình tập trung làm rõ đạo đức công chức trong điều kiện kinh tế thị trường trên cơ sở kế thừa những tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng thành hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản của cán bộ công chức trong giai đoạn hiện nay. Chính điều đó đòi hỏi phải

Một phần của tài liệu Đạo đức công chức và vấn đề xây dựng đạo đức công chức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay (Trang 27 - 37)