1.2.1.1. Phong cách
Theo Từ điển Tiếng Việt, khái niệm phong cách được định nghĩa là "Những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của mỗi người hay một loại người nào đó" [77, tr 782].
Tác giả Đặng Xuân Kỳ, "phong cách còn được hiểu theo nghĩa rộng
thành nề nếp, ổn định của một người hoặc của một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt...tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ đề đó. Với cách hiểu này chúng ta có thể nói đến phong cách của bất cứ một người nào, từ một người bình thường đến một lãnh tụ, một vĩ nhân, cũng như phong cách quân nhân, phong cách lãnh đạo Đảng..." [36, tr 158]
Theo các nhà Tâm lý học Liên Xô, đại diện là Covaliop thì phong cách
là toàn bộ hệ thống, những phong cách , thủ thuật tiếp nhận, phản ứng, hành động, tương đối bền vững, ổn định của mỗi cá nhân [9]. Chúng quy định sự
khác biệt giữa các cá nhân, giúp cá nhân thích nghi với môi trường sống (đặc biệt môi trường xã hội) thay đổi để tồn tại phát triển.
Tác giả Nguyễn Hải Khoát và Nguyễn Quang Uẩn quan niệm: "Phong
cách là hệ thống những nguyên tắc, phong cách , cách thức biểu hiện và đặc thù của một người hay một nhóm người được thể hiện trong hoạt động cơ bản của họ". [40, 86]
Từ việc nghiên cứu những quan điểm của các nhà tâm lý học bàn về khái niệm phong cách, có thể nhận thấy những quan điểm trên hội tụ 3 điểm chung cơ bản sau:
- Hệ thống những phong cách, thủ thuật tiếp nhận, phản ứng, hành động tương đối ổn định, bền vững của cá nhân; nghĩa là con người hoạt động, ứng xử... tương đối như nhau trong những tình huống khác nhau.
- Hệ thống những phong cách, thủ thuật... quy định những đặc điểm khác biệt giữa các cá nhân.
- Hệ thống những phương tiện có hiệu quả, giúp cá nhân thích nghi với những thay đổi môi trường (nhất là môi trường xã hội), sự linh hoạt, cơ động, mềm dẻo của các phong cách, thủ thuật ứng xử của cá nhân.
Nhìn chung, những định nghĩa trên đã đề cập và phản ánh khá rõ nhiều mặt, nhiều đặc trưng khác nhau của phong cách. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa chỉ nhấn mạnh đến mặt chủ quan, mặt cá tính của chủ thể chứ chưa đề cập, xem xét phong cách như một kiểu (tuýp) hoạt động. Kiểu hoạt động đó
được diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường xã hội, trong đó có sự ảnh hưởng của hệ tư tưởng, của nền văn hoá...
Với những phân tích trên, có thể đi đến quan niệm: Phong cách là toàn
bộ những phản ứng, thủ thuật tiếp nhận và xử lý thông tin tương đối ổn định về các chiến lược học, thái độ, động cơ, hứng thú học nhằm đáp ứng các nhiệm vụ trong những hoạt động cơ bản của cá nhân.
1.2.1.2. Phong cách học tập
Cũng như quan niệm về phong cách, quan niệm về phong cách học tập cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ellis (1985) miêu tả một phong cách học tập như là một cách thức nhiều hoặc ít phù hợp hơn mà một cá nhân tiếp nhận, khái niệm hoá, tổ chức và tái hiện các thông tin.
Theo Ken Dunn và Rita Dunn, PCHT là một thuật ngữ để miêu tả sự khác biệt giữa những người học trong việc sử dụng một hay nhiều giác quan để tiếp nhận, tổ chức và lưu giữ thông tin [90, tr 14].
Gregore cho rằng PCHT là những hành vi biểu hiện ra bên ngoài rất rõ ràng và có thể quan sát được những hành vi này cho ta biết cách thức tiếp nhận, phân tích và sắp xếp thông tin [90, tr14].
Davdson (1990) khẳng định PCHT là những cách thức đặc trưng của cá nhân trong việc chiếm lĩnh xử ký và lưu giữ thông tin [90, tr15].
Felder và Silerman (1998) nhấn mạnh PCHT là những cách thức người học tiếp nhận thông tin và xử lý những thông tin được tiếp nhận [90, tr15].
Trong khi đó Keefe (1979) lại cho rằng PCHT là những đặc điểm nhận thức, xúc cảm, sinh lý tương đối ổn định cho thấy người học tiếp nhận tương tác và phản ứng với môi trường học tập như thế nào [90, tr15].
Hầu như các định nghĩa đều cho rằng PCHT là những đặc trưng riêng của cá nhân trong quá trình tiếp nhận xử lý và phân tích thông tin trong các tình huống học tập. Các tác giả đều đồng ý PCHT là những đặc điểm tương đối ổn định. Những chiều hướng phân tích, xử lý và nhận thức thông tin tạo
thành yếu tố cơ bản của việc phân biệt các PCHT. Ngoài ra những yếu tố như xúc cảm, môi trường học tập cũng ảnh hưởng rất lớn đến PCHT.
PCHT là một khái niệm đang còn khá mới mẻ ở nước ta. Khi chuyển từ thuật ngữ “learning styles” từ tiếng Anh sang tiếng Việt có nội hàm tương đương có thể thay thế được thuật ngữ “Learning styles”. Một số tác giả cho rằng nên dùng từ “kiểu học” để thay thế cho từ “phong cách học tập”. Nếu xét theo nghĩa tiếng việt khái niệm “Kiểu” được hiểu là “loại có đặc trưng riêng phân biệt với loại khác” [77, tr 338] còn khái niệm “phong cách’ được hiểu là “những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc hành động, cư xử tạo nên cái riêng của một hay một loại người nào đó” [77, tr 718] hay nói tổng quát hơn là “vẻ riêng trong lối sống, cách làm việc” [77, tr 647]. Như vậy cả hai khái niệm đều đề cập đến cái riêng để phân biệt với một cái khác. Tuy nhiên, khái niệm “phong cách” còn chỉ ra cái riêng đó được tạo nên trong quá trình sinh hoạt, làm việc, hoạt động. Mặt khác, theo cách hiểu của người Việt Nam, khái niệm “Phong cách” mang tính ổn định nhưng vẫn có thể thay đổi được, còn khái niệm “kiểu” mang tính ổn định và khó thay đổi hơn.
Dựa vào cách lý giải nội hàm khái niệm “Learning Styles” trong tiếng Anh ở trên là những đặc điểm tương đối ổn định tạo nên đặc trưng riêng của mỗi cá nhân trong quá trình tiếp nhận, phân tích, xử lý thông tin, cho thấy cần hiểu “Learning Styles” là PCHT. Theo đó, “Phong cách học tập là toàn bộ
những phản ứng, thủ thuật tiếp nhận và xử lý thông tin tương đối ổn định (mang tính trội) trong các tình huống học tập của người học nhằm thực hiện các nhiệm vụ học tập đã đề ra”.
Tác giả luận án sử dụng khái niệm phong cách học tập đã trình bày ở trên trong nghiên cứu đề tài luận án của mình.
Quan niệm trên về PCHT như đã trình bày cho thấy: phong cách học tập
thể hiện rõ nét phong độ, kĩ năng học tập nổi trội, thói quen và cách sử dụng giá trị cá nhân (kinh nghiệm) của người học trong hoạt động học tập. Vì thế
PCHT có những đặc điểm cơ bản sau:
- Mỗi người học đều kết hợp nhiều phong cách học tập khác nhau. Ví dụ, họ có thể kết hợp nhìn với nghe, với vận động...Tuy nhiên, trong các
PCHT đó sẽ có một cách PCHT đóng vai trò chủ đạo, ảnh hưởng lớn nhất đến hiệu quả của việc chiếm lĩnh tri thức và người ta gọi đó chính là thế mạnh của người học hay là PCHT ưu thế.
- Mỗi PCHT đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Chẳng hạn những người thiên về nhìn có điểm mạnh là tiếp nhận thông tin dưới dạng hình ảnh và văn bản rất tốt, nhưng điểm yếu của học là khó hiểu và khó ghi nhớ những vấn đề mà người khác thuyết trình, diễn giảng. Do đó không có PCHT nào sấu hoặc tốt. Tuy nhiên, qua nhiên qua nghiên cứu người ta cho rằng, trong những nội dung, tình huống học tập đặc trưng, một số PCHT tỏ ra ưu thế hơn các PCHT khác.
- Các PCHT tồn tại trong mối quan hệ qua lại với nhau, mặc dù trong thực tế chúng được mô tả như là sự đối lập. Chẳng hạn, những người có thế mạnh về nhìn hay nghe thì sẽ gặp thuận lợi hơn khi tiến hành các hoạt động hay tham gia học tập trong nhóm lớp.
- Các PCHT đều có cơ sở sinh lý thần kinh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mỗi PCHT sử dụng những phần khác nhau của não bộ. Não bộ được chia ra nhiều phần khác nhau, mỗi phần điều khiển một năng lực tâm lý nhất định.
- Các PCHT tương đối ổn định vì chúng có cơ sở sinh lý thần kinh PCHT được hình thành từ nhỏ và bộc lộ dần khi đến trường. Nó rất khó thay đổi trong các tình huống học tập nó xuất hiện như một yếu tố thói quen giúp người học giải quyết các nhiệm vụ học tập. Tuy nhiên,với sự thay đổi của các yếu tố môi trường, văn hoá, tuổi tác, trình độ học vấn, để phù hợp PCHT vẫn có thể thay đổi.
- PCHT của người học có một số khác biệt theo giới tính, độ tuổi văn hoá và thành tích học tập [90,18].