Mọi nỗ lực của chủ thể quản lý, của giáo viên và học viên trong tổ chức, vận hành quá trình dạy học ở các TTGDTX xét đến cùng là nhằm thực hiện mục tiêu của các chương trình GDTX một cách có chất lượng và hiệu quả. Do đó, việc đề xuất các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn tại TTGDTX cũng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi mục tiêu đào tạo của trung tâm nói chung, của từng chương trình đào tạo nói riêng.
Để đảm bảo mục tiêu đào tạo, Khi xây dựng các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn tại TTGDTX cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phân tích sâu sắc mục tiêu của chương trình đào tạo/bồi dưỡng để xác định được những thành phần mục tiêu cốt lõi của chương trình và mỗi quan hệ của nó với các thành phần mục tiêu khác của chương trình đào tạo/bồi dưỡng; trên cơ sở đó xác định chính xác định hướng cơ bản và kết quả dạy học bắt buộc cho toàn bộ chương trình đào tạo/bồi dưỡng.
Mục tiêu của những chương trình đào tạo/bồi dưỡng ngắn hạn hướng đến những năng lực cần được bổ sung hoặc phát triển ở học viên để nâng cao mức độ thích ứng của họ với vị trí công việc hiện tại hoặc sẽ được giao phó trong tương lai. Vì thế, việc nắm vững các lĩnh vực năng lực và những yêu cầu đặt ra cho từng lĩnh vực năng lực nghề nghiệp của học viên là điều kiện rất quan trọng để giáo viên có thể phân tích sâu sắc được mục tiêu của các chương trình đào tạo/bồi dưỡng.
kế mục tiêu dạy học cho các đơn vị chương trình (bài học, mô đun hay dự án tùy thuộc vào chương trình đào tạo/bồi dưỡng được xây dựng theo kĩ thuật nào).
Mục tiêu dạy học của từng đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng phải bao quát được các lĩnh vực học tập của học viên và đảm bảo chắc chắn rằng, khi thực hiện tổng số các mục tiêu dạy học của tổng số đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng thì mục tiêu của chương trình đào tạo/bồi dưỡng được thực hiện. Bên cạnh đó, giáo viên cần viết các mục tiêu dạy học của từng đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng đúng kĩ thuật để tạo điều kiện cho kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học được thuận lợi, chính xác.
- Căn cứ vào mục tiêu dạy học của từng đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng và đặc điểm chung của học viên (đặc biệt là đặc điểm về kinh nghiệm của học viên), giáo viên thiết kế nội dung dạy học phù hợp cho đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng đó.
- Căn cứ nội dung dạy học đã thiết kế và đặc điểm của từng loại phong cách học tập của học viên để xác định các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên một cách phù hợp.
Khi đảm bảo các yêu cầu trên, các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên sẽ giữ vài trò là con đường vận động của nội dung dạy học đã được giáo viên thiết kế. Sự vận động của nội dung dạy học được định hướng và tiến đến các mục tiêu dạy học đã xác định. Khi mục tiêu dạy học của từng đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng và tổng các đơn vị chương trình đào tạo/bồi dưỡng được thực hiện, có nghĩa mục tiêu của chương trình đào tạo/bồi dưỡng được thực hiện. Như vậy, việc xây dựng các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn tại các TTGDTX sẽ đảm bảo được mục tiêu đào tạo của chương trình nói riêng, của TTGDTX nói chung.