Nguyên tắc này đòi hỏi việc xây dựng các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn tại các TTGDTX phải đảm bảo các yêu cầu:
- Đảm bảo lôgic mối quan hệ giữa ba thành tố chính của quá trình dạy học: giáo viên (và hoạt động của giáo viên); nội dung dạy học và học viên (cùng với hoạt động của học viên). Trong mối quan hệ này, giáo viên giữ vai trò là người kiến tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để học viên thực hiện các hoạt động; trong và bằng cách đó hình thành, phát triển hoạt động học của học viên. Học viên đóng vai trò là chủ thể tự giác, tích cực và độc lập thực hiện các hoạt động chiếm lĩnh đối tượng học tập thuộc nội dung dạy học để tạo ra những thay đổi trong kinh nghiệm của mình.
- Đảm bảo tác động đồng bộ đến các thành phần tính tích cực cá nhân của học để di chuyển chúng, hoặc hình thành mới tính tích cục học tập cho học viên. Chính tính hệ thống của tính tích cực cá nhân cũng như tính tích cực học tập của cá nhân đòi hỏi các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn, với tư cách là những tác nhân kích thích đến tính tích cực của học viên cũng phải đảm bảo tính hệ thống.
- Đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng loại phong cách học tập của học viên. Nói cách khác, các biện pháp dạy học dựa vào phong cách học tập của học viên người lớn được xây dựng phải vừa có giá trị tạo môi trường, điều kiện cho tất cả học viên đều học tập một cách tích cực cho dù các học viên đó có phong cách học tập khác nhau; vừa có giá trị khuyến khích các học viên có thể học tập bởi những phong cách học tập khác nhau nhưng vẫn phát huy được phong cách học tập vốn có của mình (phát huy được tính trội của phong độ, kĩ năng, giá trị và thói quen của bản thân) để có thể đạt được mục tiêu dạy học chung.