2.2.1. Lịch sử phát triển
Trường Dạy nghề Lạng Sơn : được thành lập theo Quyết định số 69/QĐ- UB-VX ngày 19/12/2001 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Bộ máy tổ chức gồm có 01 Hiệu trưởng và 10 CB- GV; Địa điểm: phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn; Do mới thành lập nên cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo chưa được đầu tư. Trường tuyển sinh và đào tạo khóa đầu tiên theo chỉ tiêu được giao với quy mô 500HS trong đó có 100HS hệ Công nhân kỹ thuật dài hạn, 400HS hệ ngắn hạn.
Trong những năm đầu xây dựng, Trường đã nhận được sự giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của Tổng cục Dạy nghề, của UBND tỉnh Lạng Sơn, của Sở lao động TB&XH trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên và tăng cường trang thiết bị thông qua các chương trình mục tiêu của Chính phủ dành cho
công tác đào tạo nghề và dự án hỗ trợ trang thiết bị bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ CHLB Đức với tổng mức đầu tư cho trường trong giai đoạn I của dự án là trên một triệu EUR. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ, giáo viên trong trường đã đoàn kết, chủ động, vượt qua khó khăn trở ngại, vừa ổn định tổ chức bộ máy, vừa chuẩn bị các mặt cho công tác đào tạo như xây dựng chương trình giáo trình cho các nghề đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Trường dạy nghề Lạng Sơn đã hình thành được các bộ phận, phòng ban và các khoa, tổ để tổ chức và thực hiện công tác đào tạo tại trường cũng như thực hiện công tác dạy nghề lưu động với các nghề đào tạo: Điện tử dân dụng; Điện dân dụng; Sửa chữa xe máy; Sửa chữa cơ điện nông thôn; Sửa chữa máy nông lâm nghiệp; Gia công kim loại; May dân dụng và Công nghiệp; Công nghệ thông tin và các nghề chăn nuôi, trồng trọt, thú y…
Trường Trung cấp nghề Việt Đức Lạng Sơn: được thành lập theo Quyết định số 1849/QĐ-UBND ngày 16/12/2006 của UBND tỉnh Lạng Sơn với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo lao động kỹ thuật, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Trường có vị trí thuận lợi gần trung tâm thành phố; diện tích hơn 60.924 m2, được Bộ Lao động TB&XH chọn là trường đầu tư tập trung trọng điểm từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 – 2010 ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm. Trường đã ổn định công tác đào tạo, lắp đặt các xưởng thực hành, bố trí lại các tổ bộ môn cho phù hợp. Mở rộng các loại hình đào tạo tại trường. Bước đầu đã hình thành nên môi trường đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề và làm nghề của mọi tầng lớp trong xã hội.
Nhà trường tổ chức đào tạo các nghề theo các mô hình đào tạo: Dạy nghề theo chỉ tiêu được giao: trường đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo hàng năm theo chỉ tiêu Ngân sách cấp; Dạy nghề phục vụ cho nhu cầu của Xã hội, gắn dạy nghề với địa chỉ sử dụng: các nghề Sửa chữa xe máy; Điện dân dụng; May dân dụng và
cung ứng lao động nghề cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hoạt động đào tạo như chuyển giao công nghệ cho nhu cầu của các đơn vị trong tỉnh, tổ chức thi nâng bậc thợ cho Lao động đang công tác tại Doanh nghiệp, xí nghiệp … tổ chức các lớp tin học cho các đối tượng có nhu cầu.
Liên kết đào tạo:Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và tổ chức một số nghề mà xã hội có nhu cầu nhưng trường chưa có khả năng đào tạo, trường dạy nghề Lạng Sơn đã phối hợp và liên kết với trường Đại học và Cao đẳng để mở một số hệ đào tạo như hệ cao đẳng nghề công nghệ thông tin, trung cấp nghề công nghệ thông tin .
2.2.2. Chức năng, nhiệm vụ
Chức năng:Trường Trung cấp nghề Việt Đức là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng đào tạo, đào tạo lại, liên kết đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật, có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ trung cấp và các trình độ đào tạo khác, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá các ngành các lĩnh vực ở địa phương và tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động.
Nhiệm vụ: Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và các nhiệm vụ khác theo quy định.