Đây là một khâu quan trọng trong quá trình quản lý, phải được tiến hành song song với quá trình tổ chức, nếu không kiểm tra đánh giá coi như chưa quản lý. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ GDHN theo đúng mục tiêu đã chọn nhà quản lý cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện những vướng mắc, khó khăn để có biện pháp khắc phục. Việc đánh giá khách quan sẽ giúp giáo viên và học viên tự nhìn nhận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, giúp họ tự điều chỉnh hành vi, nhận thức về hoạt động GDHN. Điều quan trọng nhất là giúp người dạy và người học nhận thức được vai trò, ý nghĩa của công tác GDHN đối với sự nghiệp CNH – HĐH, giúp thanh niên có ý thức xác định, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, tránh tình trạng mất phương hướng về nghề nghiệp khi bước vào cuộc sống lao động.
1.5. Những yếu tố ảnh hƣởng đến quản lý GDHN ở trung tâm GDTX
Do đặc thù của ngành học GDTX có đối tượng người học đa dạng, trình độ nhận thức chênh lệch nhau lớn nên việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và nâng cao chất lượng GDHN nói riêng luôn gặp rất nhiều khó khăn. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác GDHN cho học viên, bao gồm những yếu tố chính sau:
1.5.1. Đặc điểm của người học
Học viên trung tâm GDTX có đặc điểm phát triển chậm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi ở các trường THPT, khả năng tập trung tư duy kém; dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi và lời nói, nên quá trình giáo dục các em gặp rất nhiều khó khăn. Thực ra, đây là những em thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình hoặc do được nuông chiều, chưa có sự thống nhất giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà thường nên hiệu quả giáo dục không cao. Nếu các em không được quan tâm giáo dục kịp thời, để các em rời ghế nhà trường
sớm các em sẽ bị tổn thương về đạo đức và nhân cách, thậm chí có mối nguy hại đối với xã hội.
Phần lớn học viên trung tâm GDTX có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em phải tham gia lao động sớm để giúp đỡ gia đình, như: phục vụ tại các hàng ăn, cửa hàng, quán cà phê, …, đây là cơ hội để các em trải nghiệm cuộc sống, vận dụng kiến thức của mình vào thực tiễn, đồng thời cũng có rất nhiều rủi ro đối với các em. Trong số các em này phần lớn có ý thức tự giác trong học tập và rèn luyện nên các em trưởng thành nhanh. Nếu các em được GDHN sớm các em sẽ có kỹ năng lao động để bước vào cuộc sống, sẽ nâng cao được hiệu quả lao động.
Một số ít các em sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, mồ côi, tâm sinh lý bất bình thường, …, thậm chí có những em gia đình bất lực, trông cậy hoàn toàn vào sự giáo dục của nhà trường, đây là nhóm học viên cần được quan tâm đặc biệt, vì nếu thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội các em sẽ có nguy cơ tham gia vào các TNXH.
1.5.2. Điều kiện kinh tế xã hội
Sự phát triển của nền kinh tế đem lại sự phồn vinh cho xã hội, tuy nhiên mặt trái của sự phát triển đó cũng đem lại không ít những tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Cha mẹ các em bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế nên không có thời gian quan tâm, chăm sóc và giáo dục, nhiệm vụ này được ủy thác cho ông bà, thầy cô. Các em cũng bị cuốn hút vào những trò tiêu khiển trong xã hội, như: trò chơi điện tử, các câu lạc bộ ăn chơi thiếu lành mạnh,… làm hủy hoại tư cách và đạo đức thế hệ trẻ, làm cho thế hệ trẻ có tư tưởng hưởng thụ cuộc sống, không có động lực để phấn đấu và rèn luyện.
Đứng trước những nguy cơ lớn từ những tiêu cực của xã hội đòi hỏi mỗi nhà trường phải có biện pháp tuyên truyền, giáo dục; sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội để giúp thanh niên nâng cao nhận thức, có ý thức phấn đấu và rèn luyện, tích cực, chủ động học tập, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, biết tránh xa các TNXH, trở thành công dân có ích đối với xã hội.
1.5.3. Cơ chế chính sách của Nhà nước đối với công tác GDHN
Mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển GD-ĐT, tuy nhiên đối với ngành học GDTX vẫn chưa được coi trọng và đầu tư đúng mức. Đặc thù đối tượng ngành học GDTX hiện nay có thể được coi như sản phẩm lỗi của bậc THCS, nhưng ngành giáo dục chúng ta chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm này.
Vì vậy, xu hướng phân luồng học sinh ngay từ cấp THCS là một hướng đi đúng, giảm bớt áp lực học hành, thi cử, tạo điều kiện để học sinh đánh giá đúng trình độ, năng lực của mình. Từ đó, buộc các em và phụ huynh phải lựa chọn lấy một nghề nào đó để học và kiếm sống. Khi đó, công tác GDHN sẽ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng ở nhà trường phổ thông.
Hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của Trung tâm GDTX rất hạn hẹp trong khi đó ngành GD-ĐT đặt ra rất nhiều yêu cầu đối với mỗi trung tâm, đây là khó khăn lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng GDHN của các trung tâm GDTX.
1.5.4. Nhận thức của cha mẹ học viên
Phần lớn phụ huynh và học viên vẫn còn tâm lý mặc cảm về việc vào học tại trung tâm GDTX, nguyên nhân chính là do một số nhà trường ở cấp THCS mắc bệnh thành tích nên đã đánh giá không đúng về kết quả học tập và trình độ nhận thức của học sinh dẫn đến cả phụ huynh và học viên đều đánh giá sai về khả năng và nhận thức của con em họ. Đây là một bài toán khó có thể tìm ra lời giải để làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học viên khi vào học GDTX. Do đặc thù các em ở độ tuổi chưa ổn định về tâm lý và nhận thức nên rất dễ chịu ảnh hưởng tác động từ bạn bè, vì vậy công tác GDHN nếu càng đi sâu vào cá nhân và nhóm để tư vấn sẽ giúp các em lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và hiệu quả hơn.
Những yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả GDHN của học viên trung tâm GDTX:
- Học viên không tự đánh giá đúng khả năng nhận thức của bản thân, chịu tác động bởi tâm lý nhóm, dễ thực hiện theo phong trào.
- Mặt trái của sự phát triển KTXH tác động đến tư tưởng, nhận thức của học viên, làm cho các em thiếu động cơ phấn đấu, rèn luyện.
- Cơ chế chính sách của nhà nước về GD-ĐT chậm đổi mới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng GD-ĐT nói chung và hiệu quả GDHN trong nhà trường nói riêng.
- Nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dân còn coi nhẹ việc GDHN, một số gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm giáo dục đến con cái dẫn đến tình trạng con cái thiếu ý chí phấn đấu và rèn luyện.
Kết luận chƣơng 1
Hoạt động GDHN là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhà trường, người quản lý tổ chức và điều khiển quá trình sư phạm tổng thể, đội ngũ giáo viên giữ vai trò chủ đạo, học viên đóng vai trò chủ động trong quá trình giáo dục. Vì vậy, quản lý tốt hoạt động dạy và học trong nhà trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Do các yêu cầu chủ quan và khách quan nhằm phát triển giáo dục nói chung và GDHN nói riêng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, việc quản lý hoạt động GDHN cần được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Đối với các trung tâm GDTX, do đặc thù của loại hình nhà trường và đặc điểm riêng của học viên nên cần có những biện pháp quản lý hoạt động GDHN phù hợp. Nội dung quản lý giáo dục hướng nghiệp ở trung tâm GDTX gồm: Lập kế hoạch GDHN, tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch và kiểm tra đánh giá việc thực hiện hoạt động GDHN cho học viên.
CHƢƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
GIÁO DỤC HƢỚNG NGHIỆP TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƢỜNG XUYÊN SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.1. Khái quát tình hình tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội thành phố Hà Nội
Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 42 km về phía Tây Bắc, nằm trong vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của cả vùng, có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối với trung tâm thủ đô Hà Nội, các vùng đồng bằng Bắc Bộ, với vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc như: Sông Hồng - Sông Tích, đường Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A, đường tỉnh lộ 414, 413… Thị xã Sơn Tây có tổng diện tích tự nhiên là 113,46 km2, dân số khoảng 18 vạn người, được chia làm 15 đơn vị hành chính gồm 09 phường, 06 xã; có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn. Có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa có giá trị cao.
Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập với thủ đô Hà Nội, thị xã Sơn Tây vẫn giữ được những nét truyền thống văn hóa đặc trưng, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử,vùng đất Xứ Đoài ngàn năm văn hiến, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, được mệnh danh là vùng đất địa linh, nhân kiệt, là điểm đến của nhiều đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước. Thị xã không có các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 8,2%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch không đáng kể: công nghiệp – xây dựng chiếm 48%; các ngành dịch vụ chiếm 44,2%; nông- lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm (1.400$/năm) [Theo BC của thị ủy Sơn Tây năm 2012]. Nền kinh tế của thị xã chủ yếu dựa vào kinh tế tư nhân, sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động không cao, chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có của các ngành trồng trọt - chăn nuôi, sản xuất thủ công mỹ nghệ; du lịch - dịch vụ.
Đây là nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng, chính quyền thị xã cần quan tâm, xây dựng phát triển cơ cấu kinh tế, khai thác điều kiện sẵn có ở các làng nghề truyền thống, các khu có tiềm năng du lịch, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Hàng năm, tổng số học sinh vào học các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn từ 1600 – 1800, số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT khoảng 1500 – 1700 em. Số học sinh của thị xã thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ hàng năm chiếm khoảng 45%, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn nhưng ít có cơ hội được về làm việc tại địa phương. Số còn lại khoảng hơn 800 em sẽ đi học TCCN hoặc bước vào cuộc sống lao động, đây là đối tượng cần được quan tâm hướng nghiệp, dạy nghề để các em có nhận thức nghề nghiệp và tham gia vào các loại hình lao động tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề cần được quan tâm đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: thương mại, du lịch - dịch vụ, xây dựng và công nghiệp, sản xuất thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi, …Tuy nhiên, do tâm lý nhận thức của nhiều tầng lớp nhân dân chỉ mong muốn con em thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ, không muốn con em vào học tại các trường TCCN hoặc học nghề dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực địa phương vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế xã hội địa phương. Đây là một rào cản rất lớn trong công tác GDHN cho học sinh, muốn làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh đòi hỏi các cấp, các ngành đều phải vào cuộc, xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách trong giáo dục và đào tạo, sớm tổ chức phân luồng học sinh nhằm định hướng cho phụ huynh và học sinh chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động hướng nghiệp - học nghề. Có chế độ hỗ trợ cho đối tượng học sinh vừa tham gia học văn hóa, vừa tham gia học nghề; tổ chức giới thiệu việc làm cho các em sau khi hoàn thành chương trình của khóa đào tạo nghề, đảm bảo cho các em có thu nhập ổn định cuộc sống từ đó sẽ thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh trong công tác đào tạo nghề.
2.2. Quá trình phát triển của trung tâm GDTX Sơn Tây, Hà Nội
2.2.1. Sự hình thành và phát triển qua các thời kỳ
Trung tâm GDTX Sơn Tây tiền thân là trường BTVH tập trung thị xã Sơn Tây, được thành lập theo Quyết định số 57/QĐ-TCCB ngày 10/6/1993 của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ được quy định theo Quyết định số 01/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi mới thành lập, nhiệm vụ chính của trung tâm là giáo dục BTVH cho đối tượng là cán bộ các xã, phường và người lao động trên địa bàn có nhu cầu. Khi ở các trường THPT còn hệ bán công thì ở trung tâm có hệ BTTHPT học 2 năm 3 lớp, tổng số lớp học tại trung tâm từ 2-5 lớp. Nhìn chung, ở giai đoạn này điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học có nhiều hạn chế nên chất lượng giáo dục và đào tạo rất thấp, trung tâm chủ yếu tiếp nhận những học sinh vi phạm kỷ luật ở các trường THPT, vì vậy công tác giáo dục các em gặp rất nhiều khó khăn.
Kể từ khi sáp nhập về thủ đô Hà Nội, ngành học GDTX nói chung và trung tâm GDTX Sơn Tây nói riêng đã được Sở GD-ĐT và UBND thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư nhiều hơn, tạo điều kiện kinh phí hoạt động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học. Trước bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, ngành GD-ĐT thủ đô cũng đã có những bước điều chỉnh, đặt ra những mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện đối với người học, yêu cầu đánh giá theo quan điểm kỷ cương nghiêm – chất lượng thật.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển (1993 – 2013), trung tâm GDTX Sơn Tây đã được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ gồm một nhà hiệu bộ có đầy đủ các phòng chức năng, 12 phòng học kiên cố, 4 phòng thực hành các môn tự nhiên, Tin học; có thư viện, nhà tập đa năng, sân chơi bãi tập; có đội ngũ CB, GV, NV đủ về cơ cấu, số lượng, đảm bảo về chất lượng để đáp ứng nhu cầu học tập của cho gần 700 học viên. Trung tâm đã thu hút được số lượng lớn học sinh trên địa bàn đến tham gia học tập, hàng năm tuyển sinh
luôn đạt và vượt 20 – 25%. Trong mọi hoạt động công tác, trung tâm đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, đặc biệt là công tác chuyên môn, được Sở GD-ĐT Hà Nội, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao. Trong 5 năm qua, kết quả giáo dục và đào tạo của trung tâm luôn đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra; trung tâm đã góp phần tích cực vào