1.3.1.Trung tâm GDTX và yêu cầu GDHN cho học viên
1.3.1.1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm GDTX
Theo Điều 44, Luật Giáo dục 2005: Giáo dục Thường xuyên giúp mọi người vừa làm, vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.
Trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục trong hệ thống GDQD, có chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/01/2007 của Bộ GD&DT. Trong đó có các chương trình giáo dục có liên quan đến nhiệm vụ GDHN, bao gồm:
-Các chương trình GD đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ;
-Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bao gồm: bồi dưỡng ngoại ngữ, Tin học, Ứng dụng CNTT – truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, …
-Tổ chức dạy và thực hành kỹ thuật nghề nghiệp, các hoạt động lao động sản xuất và các hoạt động khác phục vụ học tập, hình thành kỹ năng cho người học. Trung tâm GDTX tổ chức dạy các nghề thông dụng đang phát triển ở địa phương nhằm giúp người học có tay nghề ở mức độ nhất định nhằm góp phần ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
-Hỗ trợ để các trường TCCN, ĐH-CĐ tổ chức thực hiện chương trình đào tạo không chính quy tại địa phương.
1.3.1.2. Đặc điểm học viên BTTHPT
Theo xu hướng phát triển của xã hội, học viên vào học BTTHPT hiện nay khá đa dạng. Mỗi đối tượng vào học đều có mục đích học tập khác nhau: *Người lớn tuổi đã tham gia lao động, công tác: tham gia học tập để hoàn thiện học vấn phổ thông, giúp công việc đang làm đạt hiệu quả cao hơn hoặc tiếp tục học nghề, TCCN, ĐH-CĐ. Thời gian tham gia học tập chương trình BTTHPT tại các Trung tâm GDTX được kết hợp vừa học vừa làm, không làm ảnh hưởng đến công việc của người học. Trong quá trình học tập người học được trang bị những kiến thức văn hóa phổ thông, có cơ hội được tiếp thu những kiến thức mới ở trình độ cao hơn, tạo động lực để họ lựa chọn hướng học lên để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phục vụ tốt hơn công việc mà họ đang làm, thậm chí tạo cơ hội để họ thay đổi nghề nghiệp. *Thanh thiếu niên trong độ tuổi học phổ thông (15-18 tuổi, chưa tham gia vào thị trường lao động) có những đặc điểm tâm lý và nhân cách đặc trưng của lứa tuổi HS THPT. Cụ thể là:
Các em đang ở trong độ tuổi phát triển, có nhu cầu hình thành và hoàn thiện về thể lực, năng lực, nhân cách; phát triển về lý tưởng nghề nghiệp, hình thành và định hình được xu hướng nghề nghiệp tương lai; có những đặc điểm
tâm lý và nhân cách chung của lứa tuổi, đồng thời cũng có những nét riêng do ảnh hưởng của điều kiện, hoàn cảnh gia đình và môi trường sống.
Bên cạnh những đặc điểm chung của lứa tuổi học sinh THPT, học viên ở các trung tâm GDTX có những đặc điểm riêng của học sinh học trong môi trường giáo dục không chính quy, đó là:
+ Do hạn chế về mặt nhận thức và điều kiện, hoàn cảnh, học viên BTTHPT thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, thiếu động lực để cố gắng. Xét ở góc độ đặc điểm con người trong xu hướng phát triển, học viên BTTHPT được xếp vào nhóm ít có thể phát triển học văn hóa lên cao nhưng lại có ưu điểm hơn khi tham gia học nghề. Làm tốt công tác GDHN cho các em sẽ góp phần phát triển lực lượng lao động được đào tạo tại chỗ của địa phương nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho xã hội, đồng thời rút ngắn thời gian, tiết kiệm tiền bạc cho bản thân và gia đình học viên.
+ Chất lượng đầu vào của học viên BTTHPT thấp, đa số các em không nắm vững kiến thức cơ bản đã học ở cấp THCS, ý thức, thái độ và động cơ học tập chưa tốt. Hiện nay, chất lượng đầu vào của học viên đang từng bước được nâng cao do có sự chỉ đạo quyết liệt về công tác chuyên môn từ cấp Tiểu học, THCS. Học viên lớp 12 muốn thi đỗ ĐH-CĐ cần phải cố gắng rất nhiều, phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn so với học sinh THPT.
1.3.1.3.Yêu cầu về GDHN cho học viên BTTHPT
Trong thực tế, việc tiếp cận các hình thức và nội dung GDHN của học viên BTTHPT có nhiều điểm khác biệt so với HS THPT chính quy. Cụ thể:
- Hình thức GDHN qua các môn học hầu như không được quan tâm triển khai trong các Trung tâm GDTX hoặc nếu có triển khai thường ít mang lại hiệu quả như mong muốn, vì phần lớn học viên vào học tại Trung tâm GDTX có chất lượng đầu vào thấp, giáo viên chỉ tập trung vào việc giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản, ít quan tâm đến khía cạnh GDHN.
- Học viên trung tâm GDTX không có chương trình sách giáo khoa riêng mà được sử dụng theo chương trình ban cơ bản, gồm 7 môn học chính (Toán, Vật Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), mỗi Trung tâm GDTX có thể tổ chức dạy bổ sung các môn học khác: giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Tin học, không có môn Công nghệ cũng như môn tự chọn vì vậy hạn chế các em trong việc tham gia các hoạt động GDHN.
Hiện nay, bộ GD-ĐT mới có văn bản chỉ đạo về việc phối hợp tổ chức học văn hóa và dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm GDTX nhằm thực hiện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Văn bản này mở ra một hướng phát triển mới đối với tất cả các Trung tâm GDTX từ cấp huyện về nhiệm vụ GDHN cho học viên BTTHPT.
Qua các nghiên cứu và phân tích ở trên cho thấy: đối tượng học viên BTTHPT có đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý khác với học sinh các trường THPT, điều kiện và thời gian học tập cũng khác, vì vậy yêu cầu GDHN cho đối tượng này phải được xem xét ở góc độ khác, theo hướng chuẩn bị cho đào tạo lực lượng lao động có tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại địa phương, theo hướng đào tạo liên thông để người học tiếp tục được phát triển theo quan điểm GDTX và học tập suốt đời. Cụ thể:
- Đối với người lớn tuổi đã tham gia lao động, công tác: GDHN cần giúp người học hiểu được sở trường, năng lực, hạn chế của bản thân, hiểu được thế giới nghề nghiệp và nhu cầu về nhân lực của địa phương ở thời điểm hiện tại và trong tương lai để có hướng phấn đấu cho phù hợp. Ở nhóm này, các học viên đang tham gia hoặc chuẩn bị tham gia thị trường lao động, quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ở Trung tâm GDTX sẽ giúp họ từng bước đối chiếu năng lực của bản thân với các yêu cầu của nghề, tìm thấy sự phù hợp nghề để có thể chuyển đổi nghề nghiệp lên mức độ cao hơn hoặc chuyển đổi sang nghề mới phù hợp hơn.
- Đối với học viên độ tuổi HS phổ thông: nội dung và hình thức GDHN phải giúp định hướng nghề nghiệp cho các em ngay khi còn học ở trung tâm
cũng như sau khi tốt nghiệp. GDHN cho đối tượng này sẽ hướng vào các trường TCCN hoặc trường nghề, hoặc trang bị cho các em kỹ năng nghề cơ bản để có thể tham gia trực tiếp vào cuộc sống lao động, đáp ứng yêu cầu nhân lực tại chỗ của địa phương và chuẩn bị cho quá trình đào tạo lâu dài.
Ở nhóm này, do đặc điểm các em có những hạn chế về chất lượng đầu vào, nhiều mặc cảm tự ti nên cần quan tâm động viên khuyến khích các em. Đồng thời, cần trang bị cho các em những kiến thức văn hóa phổ thông, cơ bản, cần thiết, phải tạo điều kiện để học viên được tiếp cận với thế giới nghề nghiệp, tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có được những hứng thú bước đầu đối với nghề và tạo được tâm thế sẵn sàng tham gia lao động sản xuất ngay khi hoàn thành khóa học.