5. Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
3.2. Then và xã hội Tày đương đại
Căn cứ những tư liệu lịch sử còn lại cho tới ngày nay, những ghi chép về nguồn gốc của nghi lễ Then Tày là rất ít ỏi. Quá trình hình thành và phát triển của Then Tày là một chặng đường dài bao hàm cả những yếu tố tự thân và yếu tố giao lưu tiếp biến từ bên ngoài. Có ý kiến cho rằng Then xuất hiện từ thời vua Lê. Tương truyền xưa kia có thời kỳ vua Lê đem quân đến đóng ở Cao Bằng để dẹp loạn, quan quân hầu hết đều là người miền xuôi. Ở đây một thời gian ngắn họ không chịu được thủy thổ, thời tiết khắc nghiệt nên nhiều người bị ốm và số lượng quan quân ngày một tăng cao lên đến con số hàng ngàn người. Trước tình hình đó có một nhóm người bày ra cách làm thơ song thất lục bát mô phỏng theo các điệu Sli, Slượn Tày và đệm bằng cây đàn tính gọi là Then. Lúc ban đầu mới xuất hiện, người ta ứng tác bằng truyền khẩu và lời hát Then còn rất đơn giản, chỉ gồm ba phần chính: Tứ quý
(tả cảnh bốn mùa); Bách điểu (nói về trăm loài chim); Tình ca (nói về tình yêu đôi
lứa), lạ thay từ khi có nhóm người làm Then quan quân nhà vua tự nhiên khỏi bệnh.
Vua thấy hiệu quả do Then đem lại thật lớn lao nên đã lệnh cho truyền bá Then ra bên ngoài.
Ý kiến thứ hai cho rằng, Then là một phường hát chuyên nghiệp của cung đình đặt ra khi họ theo đoàn quân đi xứ Tàu. Căn cứ này dựa trên chương đoạn
trong lời hát Then như “Pắt phu”, “Khảm hải”.
Cuối cùng là ý kiến cho rằng Then xuất hiện từ thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng (1598-1625). Ý kiến này dựa trên phân tích về câu chuyện Nôm Tày “Phá tề tể phi ôn”, theo tài liệu này Then là do một người tên là Bế Quỳnh ở làng Đán Vạn, Hòa An, Cao Bằng đặt ra để phục vụ cho vua nhà Mạc.
Tất cả những ý kiến lý giải về nguồn gốc của Then ở trên thực sự vẫn chưa thỏa mãn được những thắc mắc của các nhà khoa học khó tính về loại hình văn hóa diễn xướng và văn hóa tâm linh đặc sắc này của người Tày song cũng phần nào cho chúng ta biết rằng sự xuất hiện của Then tương đối sớm và nó có sự gắn bó chặt chẽ với văn hóa của người Việt/ Kinh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nó chịu nhiều biến đổi và phát triển theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Với địa bàn cư trú của người Tày chủ yếu là ở khu vực biên giới miền núi phía Bắc, hơn nữa đô hộ phương Bắc – Trung Hoa lại thống trị và mưu đồ đồng hóa ta về mặt văn hóa vật chất cũng như tinh thần nên tín ngưỡng Then của người Tày cũng chịu không ít ảnh hưởng của văn hóa Hán. Bởi vậy, có thể khẳng định sự hòa quyện ba yếu tố Việt – Tày – Hán trong tín ngưỡng Then Tày.
Trải qua rất nhiều thăng trầm, những biến thiên của lịch sử những giá trị của Then vẫn tồn tại và song hành cùng dòng chảy của văn hóa Tày nói riêng và góp vào dòng chảy văn hóa dân gian Việt Nam. Then đã từng được biết đến như một lọai hình diễn xướng dân gian tổng hợp bằng sự kết hợp khéo léo của nghệ nhân hát Then với cây đàn tính cùng điệu múa, chùm xóc nhạc… tất cả tạo nên những giai điệu Then dìu dặt, mênh mang trong các đêm lễ, trong những ngày hội của bản làng. Hơn thế nữa, các giá trị văn hóa xã hội, tôn giáo tín ngưỡng trong Then cũng được
người Tày quan tâm, phát huy trong đời sống tinh thần của mình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, càng ngày càng có ít người nhất là giới trẻ muốn theo nghề Then của cha ông, một số muốn học nhưng chủ yếu là học đàn, học hát phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí.
Để giải thích cho những biến đổi này, cái chủ yếu chúng ta có thể căn cứ chính là bối cảnh xã hội, nhu cầu cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Nếu xét về mặt bối cảnh xã hội, Then là một sản phẩm của xã hội Tày trong quá khứ như chúng ta vừa phân tích. Trong xã hội đó niềm tin và nghi lễ có sự gắn bó hòa quyện, niềm tin được thực hiện thông qua các nghi lễ; trong xã hội ngày nay niềm tin vào lực lượng siêu nhiên không còn mạnh mẽ như xưa nữa nên niềm tin và các nghi thức thờ cúng không còn được thống nhất. thế hệ người Tày hiện nay vẫn tiếp tục làm Then, vẫn có những người kế tục sự nghiệp của tổ tiên. Song nó đã ít nhiều biến đổi, số lượng người trẻ thực sự đam mê với nghề không còn nhiều, niềm tin với Then cũng không đồng thuận mà có những khác biệt giữa các lớp tuổi, giữa hai giới. Khi chúng tôi khảo sát trên thực địa và nhận thấy rằng, ở Văn Quan những người phụ nữ lớn tuổi có niềm tin vào Then hết sức mạnh mẽ, họ tin Then có một sức mạnh vô hình có thể truyền tải những mong muốn của họ, gia đình và bản làng tới các bậc thần linh. Phần đông nam giới và những người trẻ tuổi chỉ xem Then như một loại hình văn hóa tín ngưỡng của tổ tiên họ truyền lại, có thể giúp giải tỏa về mặt tâm lý hay là một phục vụ nhu cầu giải trí. Ví như ngày nay ở Văn Quan, nhiều gia đình có người ốm đau họ đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị bằng thuốc Tây, nhưng trong gia đình người ta vẫn mới Then về làm lễ để giải quyết về mặt tâm lý, tinh thần.
Một xu hướng nữa trong phát triển Then hiện nay là những người có căn Then, vốn Then đặc biệt là những người trẻ không muốn trở thành Then. Thứ nhất có thể do nguyên nhân về niềm tin đã giảm sút như chúng ta vừa nêu ở trên. Thứ hai, một nguyên nhân mang tính quyết định đó chính là vấn đề tài chính. Đối với đồng bào Tày ở Văn Quan hiện nay, điều kiện kinh tế còn vô cùng khó khăn, chủ yếu là kinh tế nông nghiệp lúa nước, kết hợp chăn nuôi nhỏ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Do vậy, họ không có điều kiện kinh tế dư dả; trong khi đó để có
thể tiến hành một lễ cấp sắc và tăng sắc phải tốn một khoản tiền lớn khoảng trên hai mươi triệu đồng. Theo lời kể của Then Bình hiện nay, nếu làm một lễ cấp sắc trung bình phải làm trong 4 ngày, phải mở tiệc rượu trong 4 ngày để mời các thầy cha, thầy mẹ, khỏa quan, người giúp việc,… và anh em bạn bè, bà con làng bản đến dự và ăn uống; lễ dâng cúng phải có lợn, gà, xôi, rượu, các loại đồ mã… và còn cả tiền công cho người đến làm lễ… Đối với đồng bào đây là một khoản tiền không nhỏ, nếu gia đình không có điều kiện hoặc không vay mượn được anh em họ hàng thì không thể tiến hành lễ cấp sắc. Như trường hợp bà Bình chúng tôi chọn làm đối tượng nghiên cứu, dù gia đình khá giả, con cái đều làm việc nhà nước, hai ông bà đều có lương hưu nhưng sau lần cấp sắc đầu tiên năm 2000 và lần thăng sắc năm 2004 đến nay bà đã đủ điều kiện để thăng sắc lên 11 dây nhưng bà bảo không đủ tiền để làm lễ mời anh em bạn bè, họ hàng đến dự nên vẫn chưa làm. Như vây, rõ ràng vấn đề kinh tế cũng là một trở ngại lớn khiến người được chọn không quyết tâm đến với nghề Then.
Từ hiện trạng này có thể thấy trong tương lai số lượng những người làm Then ở Văn Quan nói riêng, Lạng Sơn và những vùng Then khác nói chung sẽ có nguy cơ ngày một giảm đi. Then được tồn tại là do sự truyền nghề từ thế hệ trước cho thế hệ sau nhưng trong xu hướng phát triển hiện nay nhu cầu nối nghiệp không còn nhiều. Điều đó đặt ra một vấn đề chúng ta phải làm gì để giữ gìn Then như một lọai hình văn hóa – tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Tày không bị mai một.