ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI

Một phần của tài liệu Đánh giá sự phụ thuộc vào rừng và đề xuất giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm VQG Bidoup Núi Bà (Trang 33 - 35)

- Điều tra ngoại nghiệp: Các công cụ của phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA)

3.2 ĐIỀU KIỆN KINH TẾ XÃ HỘI

Các thôn nằm trong địa giới hành chính huyện Lạc Dương là một huyện của người dân tộc bản địa với hơn 83% là người K’Ho. Tỉ lệ người các dân tộc khác là không đáng kể. Người Kinh sinh sống chủ yếu ở thị trấn Lạc Dương và người bản địa chiếm đại đa số ở các xã như Lát, Đưng K’Nớ, Đa Sar, Đa Nhim, và Đa Chais. Chỉ nhóm dân cư sinh sống ở thị trấn Lạc Dương được gọi là dân thành thị, tất cả người dân cư ngụ ở các xã đều được xếp vào nhóm dân cư nông thôn chiếm đến 76% tổng dân số. [4].

Sự phát triển kinh tế của huyện Lạc Dương rất ấn tượng với GDP tăng hơn 22% trong ba năm vừa qua. Mặc dù có tốc độ phát triển kinh tế cao nhưng theo quyết định 170/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 08 tháng 7 năm 2005 về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010 thì Lạc Dương vẫn là một huyện nghèo. Theo quyết định này, những hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn và ở khu vực thành thị dưới 260.000 đồng/người/tháng. Đa số các hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Vào năm 2010, huyện Lạc Dương có 907 hộ sống dưới mức nghèo, trong đó 879 hộ là người dân tộc thiểu số tương ứng 97%.

Việc dân số tăng nhanh được cho là một trong số các nguyên nhân mất rừng đặc biệt ở các vùng đệm và dọc theo các con đường mới mở nối Đà Lạt với Đăk Lăk và Khánh Hòa. Mặt khác, cà phê là nguồn thu nhập chính của nông hộ được xem là nguyên nhân của việc lấn chiếm đất rừng và các xung đột tài nguyên diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn giữa người dân và chính quyền địa phương.

Một trong những thách thức lớn nhất của VQG là phương án quản lý bảo vệ trước những áp lực lên tài nguyên thiên nhiên hiện nay do cháy rừng và lấn chiếm đất rừng cũng giống như các hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ [26]. Với tốc độ tăng dân số nhanh và sự phát triển thị trường cà phê không thể kiểm soát được như hiện nay áp lực vào đất rừng và tài nguyên rừng là khó tránh khỏi. Trong 2.840 hộ sống gần VQG thì có 30% số hộ nghèo và mỗi năm bị thiếu ăn từ một đến hai tháng nên đời sống của họ vẫn phải dựa vào rừng [26]. Tình trạng thiếu đất là một vấn đề chung của gần 1.000 hộ nghèo nên áp lực lên tài nguyên thiên nhiên ở địa phương là rất đáng quan ngại.

Mật độ dân số bình quân trong vùng là 11,2 người/km2. Trong đó, có những xã có mật độ dân số thấp như Đa Chais (3,9 người/km2), Xã Lát (6 người/km2). Tại Đa Chais do trước đây chưa có đường nên số dân cư ngụ và sinh sống tại đây thấp vì rất khó tiếp cận được với thị trường bên ngoài. Xã Lát là một xã có diện tích theo ranh giới hành chính khá lớn do vậy khi tính mật độ thì tỉ số giữa dân số và diện tích là nhỏ so với các xã còn lại. Tuy vậy, dân số không phân bố đều mà thường phân bố theo cụm nên khi cụm dân cư đông thường kéo theo hệ lụy phá rừng nhiều hơn bởi nhiều tác nhân khác nhau.

Theo kết quả tổng điều tra dân số huyện Lạc Dương tháng 4 năm 2009, trên toàn huyện có 99,5% dân số đã học đến cấp I; 96,8 % đã học đến cấp II và 9,1 % học đến cấp III [11]. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn kết quả cho thấy rằng có rất nhiều người không biết đọc, biết viết thậm chí là không biết nói tiếng phổ thông nên họ khó tiếp cận được với các kiến thức, thông tin.

Nguồn lao động là khá lớn (có 8.900 lao động chiếm 62,49% dân số đang trong tuổi lao động), trong đó có 4.313 nam và 4.587 nữ. Số người ngoài độ tuổi lao động là 5.342 người chiếm 37,51%. Tuy nhiên, hầu hết lao động đều là lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề, công việc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá, tham gia tổ giao khoán quản lý bảo vệ rừng, làm thuê theo thời vụ.

Người K’Ho theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ thường sinh rất nhiều con và làm chủ gia đình. Họ có quyền kiểm soát các nguồn lực của gia đình như đất đai, vật

nuôi, tiền bạc nhưng trên thực tế việc quyết định sử dụng mua bán tài sản trong gia đình lại do người đàn ông quyết định. Người vợ tham gia hầu hết các hoạt động kinh tế bao gồm cả các công việc nặng nhọc cần nhiều cơ bắp như làm rẫy, lấy củi và họ cũng là người chăm lo con cái, chăm lo bữa cơm trong gia đình. Ngoài ra, do trình độ dân trí thấp hơn, khả năng nói tiếng phổ thông kém, ít khi được đi chợ huyện, chợ tỉnh nên phụ nữ K’Ho thường ngại tiếp xúc với người ngoài. Do đó, họ hầu như không tham gia các chương trình tập huấn, khuyến nông, khuyến lâm để nắm bắt thông tin về sản xuất, thị trường, cuộc sống chính trị xã hội.

Nguồn thu nhập chính của các hộ trong vùng chủ yếu từ nông nghiệp (chiếm khoảng 3/4 tổng thu nhập). Trong đó cà phê và bắp là hai loài cây trồng chính. Song hầu hết các hộ có diện tích đất nông nghiệp rất ít, nhập lượng cho nông nghiệp thấp (phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật), kỹ thuật canh tác yếu, nguồn giống không đảm bảo dẫn đến năng suất cây trồng thấp, cộng với chi phí sản xuất cao nên tiền lãi hàng năm rất thấp, thậm chí còn bị lỗ [26].

Một phần của tài liệu Đánh giá sự phụ thuộc vào rừng và đề xuất giải pháp tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm VQG Bidoup Núi Bà (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w