* Nội dung giáo dục truyền thông chính
Lấy nội dung giáo dục truyền thông của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng) [43],[44] và hướng dẫn hoạt động của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phòng chống SDD trẻ em làm chủ đạo để xây dựng nội dung giáo dục đặc thù dựa trên kiến thức và thực hành/ hành vi hiện tại của bà mẹ ở Sóc Sơn. Trong khuôn khổ đề tài, các nội dung giáo dục truyền thông chính bao gồm:
+ Kiến thức cơ bản về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho các đối tượng là thanh nữ, phụ nữ mới kết hôn, phụ nữ đang mang thai, chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các vitamin thiết yếu cần thiết cho phụ nữ có thai và sau khi sinh .
+ Bổ sung kiến thức về NCBSM, cách chăm sóc khi trẻ ốm cho các bà mẹ đang cho con bú và nuôi trẻ từ 0-<24 tháng tuổi.
+ Kiến thức về suy dinh dưỡng các thể (nhẹ cân, thấp còi và cân nặng trên chiều cao); cách theo dõi và nhận biết phát triển của trẻ qua các thời kỳ, nguyên nhân và hậu quả của suy dinh dưỡng.
+ Kiến thức cơ bản về phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em như: chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ bệnh...
+ Kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý của bà mẹ bao gồm: lựa chọn thực phẩm, chế biến thức ăn bổ sung hợp lý; Biết chuẩn bị một số món ăn hàng ngày cho mẹ và con có dinh dưỡng cao. Sử dụng nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương, gia đình.
+ Cung cấp kiến thức, những hành vi có lợi cho sức khỏe: - Ăn uống đầy đủ khi có thai.
- Uống viên sắt và canxi theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. - Cho con bú sữa non.
- Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.
- Cho trẻ bổ sung vitamin A hàng năm - Theo dõi cân nặng của trẻ.
- Tiếp tục cho trẻ uống/ bú mẹ khi trẻ ốm.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn/ bú. + Cung cấp những hành vi nguy có có hại cho sức khỏe: - Vắt bỏ sữa non.
- Cho trẻ uống nước đường, nước cam thảo, sữa sau sinh. - Cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi.
- Cho trẻ ăn kiêng khi trẻ ốm, tiêu chảy.
* Các hoạt động giáo dục truyền thông
+ Xây dựng nội dung tài liệu truyền thông theo chủ đề về suy dinh dưỡng, nguyên nhân, hậu quả và cách phòng chống suy dinh dưỡng
+ Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân Ngày Vi chất Dinh dưỡng, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển.
+ Tổ chức truyền thông tư vấn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú .
+ Truyền thông hướng dẫn chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc khi trẻ ốm. Xây dựng khẩu phần ăn theo tuổi và đối tượng.
+ Truyền thông về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, và theo dõi sự tăng trưởng của trẻ.
*Các hình thức thực hiện can thiệp giáo dục truyền thông đã áp dụng
Để nâng cao kiến thức và thực hành cho bà mẹ, các hoạt động can thiệp bằng truyền thông trực tiếp đã được triển khai tại 3 xã can thiệp dưới nhiều hình thức khác nhau sau đây:
+ Thăm và hướng dẫn tại hộ gia đình
Đối tượng đích là những gia đình có trẻ dưới 24 tháng tuổi có trẻ suy dinh dưỡng, tiêu chảy, ốm, trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tục hoặc
giảm cân; Những bà mẹ có thai không đi khám thai hoặc đang có những vấn đề cần giúp đỡ (về dinh dưỡng và sức khoẻ).
Mục đích của việc đến thăm là để trực tiếp kiểm tra sức khoẻ, quan sát tìm hiểu tình hình nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ, kiểm tra việc thực hiện các lời khuyên dinh dưỡng, cung cấp thêm kiến thức, trao đổi kinh nghiệm thực hành với các bà mẹ, hoặc các thành viên khác trong gia đình, lôi cuốn sự ủng hộ và chia sẻ của các thành viên trong gia đình nhất là người chồng trong việc chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cho con.
+ Mở các lớp học cách nuôi con khoẻ
Mục đích của việc mở lớp là cung cấp những kiến thức thiết yếu về cách chăm sóc và dinh dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ dưới 24 tháng tuổi; Các kiến thức cơ bản về nguyên nhân, hậu quả và cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho cả bà mẹ mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ bệnh...
Nâng cao kỹ năng thực hành dinh dưỡng cơ bản của bà mẹ (như lựa chọn thực phẩm có sẵn ở địa phương để đưa vào bữa ăn, “Tô màu bát bột/bát cháo”, chế biến một số món ăn hỗn hợp có giá trị dinh dưỡng cao…).
Người trình bày là cán bộ chuyên trách dinh dưỡng huyện, hoặc nhân viên y tế chuyên trách dinh dưỡng xã, hội viên phụ nữ hoặc cộng tác viên dinh dưỡng đã tham gia các lớp tập huấn dinh dưỡng và có kỹ năng tập huấn.
Học viên chính của các lớp học này là các bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi, ngoài ra còn mời thêm cả các thanh nữ chuẩn bị kết hôn, phụ nữ đang mang thai.
Lớp học được khoa CSSKSS huyện Sóc sơn hỗ trợ kỹ thuật, trạm y tế phối hợp với hội phụ nữ xã tổ chức định kỳ 1 tháng/lần, trong vòng 01 ngày với số học viên từ 10- 15 người. Ngoài lý thuyết, các lớp học đều tổ chức cả phần hướng dẫn thực hành lựa chọn thực phẩm có sẵn ở địa phương để đưa vào bữa ăn cho trẻ, thực hành 'Tô màu bát bột/bát cháo".
+ Tổ chức các câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng
Nhóm thảo luận thường do cán bộ y tế/cộng tác viên dinh dưỡng hoặc hội viên phụ nữ thôn chủ trì 1 lần/tháng với số đối tượng từ 10 - 15 bà mẹ có con dưới 24 tháng tuổi; Các bà nội/ngoại hoặc người trực tiếp thường xuyên chăm sóc trẻ, các phụ nữ đang mang thai.
Mục đích các buổi thảo luận là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, cùng nhau thảo luận về chủ đề suy dinh dưỡng : cộng tác viên dinh dưỡng hoặc cán bộ y tế đưa ra một số tình huống về chăm sóc trẻ, như khi trẻ bị tiêu chảy, bệnh hô hấp cấp, trẻ không tăng cân, trẻ không chịu ăn ... Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ; Cung cấp kiến thức thiết yếu về nuôi con khoẻ và trao đổi kinh nghiệm cách thực hành nuôi con khoẻ. Giúp các bà mẹ cách để tiếp cận thông tin, trao đổi kịp thời khi cần thiết. Khuyến khích các hình thức văn nghệ như đóng kịch, tiểu phẩm và các bài hát về dinh dưỡng.
Nâng cao vai trò của các cộng tác viên dinh dưỡng người trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu, vừa là người truyền thông trực tiếp cho các bà mẹ, là người trực tiếp thăm, giúp đỡ và theo dõi (sử dụng bộ công cụ giám sát) về sự thay đổi hành vi của các bà mẹ. Mỗi cộng tác viên được phân công phụ trách 10 bà mẹ.
+ Trình diễn/Hướng dẫn thực hành chế biến bữa ăn bổ sung
Mục đích của trình diễn hướng dẫn thực hành chế biến bữa ăn bổ sung là giúp đối tượng học và thực hành được cách chế biến bữa ăn bổ sung đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn ăn bổ sung.
Nội dung cụ thể gồm:
- Thời điểm nên bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung: Bắt đầu cho trẻ ăn khi trẻ được 6 tháng, tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi.
- Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. - Số lượng bữa ăn tăng dẫn theo tuổi.
- Sử dụng các thức ăn có sẵn ở địa phương chế biến tô màu bát bột cho trẻ.
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm. Mỗi bữa ăn phải đủ 4 nhóm thực phẩm. - Tăng đậm độ năng lượng bằng cách cho thêm dầu, mỡ.
- Cho trẻ ăn thêm bữa phụ như hoa quả, sữa chua...
- Khi trẻ ốm cho trẻ ăn làm nhiều lần trong ngày và cho trẻ uống và bú mẹ nhiều hơn.
- Khi trẻ hồi phục cho trẻ ăn thêm một bữa một ngày cho đến khi trẻ tăng cân trở lại.
- Không cho trẻ uống nước ngọt, hoặc nước có ga, ăn bánh kẹo trước bữa ăn. - Đảm bảo dụng cụ sạch và tay sạch trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn
Buổi hướng dẫn thực hành tổ chức 1 lần/ tháng, 10-15 bà mẹ/ lớp (không mang con nhỏ đến để các bà mẹ có thể tập trung nghe và có thời gian thực hành ngay giúp bà mẹ hiểu rõ bài học và có thể áp dụng ngay khi về gia đình). Các bà mẹ chia thành 3-4 nhóm nhỏ theo độ tuổi của trẻ, để thực hành chế biến bữa ăn cho trẻ, các bà mẹ tự làm sau đó cán bộ y tế, hoặc cộng tác viên dinh dưỡng và các bà mẹ khác trong nhóm cùng đứng quan sát, theo dõi. Sau khi bà mẹ chế biến xong món ăn cho trẻ, bà mẹ tự nhận xét những điểm đã và chưa làm được khi thực hành chế biến thức ăn cho trẻ, các thành viên trong nhóm đóng góp ý kiến, sau đó cán bộ y tế hoặc cộng tác viên dinh dưỡng nhận xét, động viên, kết luận và thao diễn chế biến bữa ăn hợp lý cho trẻ để cả nhóm cùng xem. Cuối cùng, cán bộ y tế hoặc cộng tác viên dinh dưỡng hướng dẫn các bà mẹ cách lựa chọn những thực phẩm giầu dinh dưỡng sẵn có tại gia đình hoặc các chợ/cửa hàng thực phẩm ở địa phương cũng như cách thức chế biến để đưa vào bữa ăn bổ sung hàng ngày cho trẻ.
+ Tư vấn dinh dưỡng
Tư vấn trực tiếp giúp cho các bà mẹ trong quá trình mang thai, dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, dinh dưỡng và sức khỏe, nhận rõ vấn đề của
mình, hiểu đúng các nguyên nhân của vấn đề đó và động viên đối tượng đưa ra được các giải pháp và lựa chọn được giải pháp tối ưu. Các nội dung tư vấn khác bao gồm chăm sóc dinh duỡng sức khoẻ phụ nữ tuổi tiền hôn nhân, phụ nữ có thai và bà mẹ đang nuôi con bú, tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ, thời điểm bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung và thức ăn bổ sung hợp lý; Chăm sóc và nuôi trẻ khi trẻ bệnh.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm CSSKSS thành phố Hà Nội và Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn, đề tài đã tổ chức các điểm tư vấn trực tiếp về chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản hàng ngày tại trạm y tế của 3 xã can thiệp. Các cán bộ tham gia nghiên cứu kết hợp tư vấn lồng ghép khi đi cân, đo trẻ, và giám sát hành vi chăm sóc trẻ của các bà mẹ tại nhà, bà mẹ được tư vấn trực tiếp và góp ý chỉnh sửa hành vi chăm sóc trẻ ngay sau buổi giám sát. 1 lần/ tháng.
+ Các hình thức truyền thông gián tiếp
Trạm y tế phối hợp, chuyển bài định kỳ đến Ban văn hóa xã truyền tải các thông điệp về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trích từ tạp chí “dinh dưỡng và phát triển” và các tài liệu truyền thông khác đến các đối tượng qua đài phát thanh của huyện, loa truyền thanh của thôn/xã. Xây dựng và sử dụng nhiều khẩu hiệu, băng rôn, áp phích và các tài liệu hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nhân các Ngày Vi chất Dinh dưỡng (1-2/6), Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (1- 7/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10) hàng năm.
Xây dựng băng hình hướng dẫn chế biến bữa ăn cho trẻ, tô màu bát bột, cách lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn phù hợp theo từng lứa tuổi.