Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng Việt Nam giai đoạn 2001-2010 [55] với một mục tiêu tổng quát và 5 mục tiêu cụ thể. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là một chỉ tiêu trong mục tiêu “giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ”. Chỉ tiêu đặt ra trong giai đoạn 2001- 2010 là tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước: giảm mỗi năm 1,5%. Các giải pháp chiến lược của chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2001-2010 gồm: 1) Giáo dục và phổ cập kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân, 2) Đảm bảo an ninh thực phẩm ở cấp hộ gia đình, 3) Phòng chống SDD protein-năng lượng ở trẻ em và bà mẹ (Việt Nam có riêng chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống SDD từ 1994, chương trình đã và đang được triển khai đến tất cả các xã phường trong cả nước), 4) Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, 5) Phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng, 6) Lồng ghép hoạt động dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, 7) Đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, 8) Theo dõi, đánh giá, giám sát dinh dưỡng, 9) Xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, sự phối hợp liên ngành và lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân ta nói chung, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi nói riêng đã được cải thiện rõ rệt, nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý đã được nâng cao [41]. Cụ thể là:
dinh dưỡng hợp lý cho toàn dân đã đạt được kết quả tốt: Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ ốm tăng từ 44,5% năm 2005 lên 67% vào năm 2009, tỷ lệ nữ thanh niên được huấn luyện về dinh dưỡng và kiến thức làm mẹ từ 28% năm 2005 đã tăng lên 44% năm 2010, đạt chỉ tiêu đề ra.
* Cải thiện rõ rệt tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em và bà mẹ: Từ 2001 - 2010 tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam nói chung và của bà mẹ, trẻ em nói riêng đã được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ SDD nhẹ cân (cân nặng/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh, tính chung cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%, từ 31,9% năm 2001 xuống còn 25,2% vào năm 2005 và 17,5% vào năm 2010 (vượt chỉ tiêu của Chiến lược đặt ra). Thành tựu giảm SDD liên tục và bền vững của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế thừa nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể từ 43,3% năm 2000 xuống còn 29,3% vào năm 2010. Tuy vậy Việt Nam vẫn còn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao trên phạm vi toàn cầu. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em < 5 tuổi chung toàn quốc là 4,8% (thành phố: 5,7%; nông thôn: 4,2%), đạt so với mục tiêu Chiến lược đề ra là dưới 5%. Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2500 gam): năm 2009, tỷ lệ này là 12,5%. Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (được thể hiện bằng chỉ số khối cơ thể, BMI thấp <18,5) ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tính chung toàn quốc mỗi năm giảm 1%. Theo kết quả điều tra dinh dưỡng năm 2005 và 2009 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ giảm từ 28,5% năm 2000 xuống còn 21,9 % vào năm 2005 và 19,6% vào năm 2009. Tính chung từ năm 2000 đến năm 2009 tốc độ giảm là 0,98%/năm (xấp xỉ đạt mục tiêu đề ra là 1%).
* Một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn: Đến năm 2010 tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức cao (29,3%); vẫn còn 28 tỉnh có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao hơn mức trung bình của cả nước, trong đó 12 tỉnh có tỷ lệ trên 35%. Đây là mức rất cao theo xếp loại của Tổ chức Y
tế Thế giới; Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ mang thai tính chung trên phạm vi toàn quốc vẫn còn cao, ở mức 36,5%; Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ còn thấp (4 tháng là 29,3%; 6 tháng là 19,6%), mặc dù tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ đạt 93%; Những vấn đề dinh dưỡng quan trọng đặt ra cho giai đoạn tiếp theo được thể hiện trong Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2011-2020 với tầm nhìn đến 2030.