Mục tiêu chung của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng Việt nam 2011- 2020 [56] là: Đến năm 2020, bữa ăn của người dân được cải thiện, SDD trẻ
em, đặc biệt thể thấp còi giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc người Viêt Nam, kiểm soát có hiệu quả thừa cân, béo phì góp phần hạn chế các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Các mục tiêu cụ thể gồm:
+ Nâng cao hiểu biết và tăng cường thực hành dinh dưỡng hợp lý. + Tiếp tục cải thiện về số lượng, nâng cao chất lượng bữa ăn người dân. + Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.
+ Cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng.
+ Từng bước kiểm soát có hiệu quả thừa cân - béo phì.
+ Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng. Để triển khai có hiệu quả Chiến lược này, Việt Nam đã xây dựng và đang nỗ lực triển khai các chương trình/dự án “Truyền thông giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực”, “Phòng chống SDD bà mẹ trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”, “Phòng chống thiếu vi chất”, “Dinh dưỡng học đường”, “Giám sát dinh dưỡng”, …
Như vậy, tại Việt Nam, đẩy mạnh giáo dục truyền thông dinh dưỡng luôn được coi là một mục tiêu then chốt, xuyên suốt từ Kế hoạch Hành động Quốc gia về Dinh dưỡng 1995-2000, đến Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2001-2010 và Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2011-2020 với tầm nhìn đến
2030, nhằm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và cải thiện tăng trưởng cho người Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, theo đánh giá tổng kết Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2001-2010 [55], các hoạt động can thiệp truyền thông giáo dục trong khuôn khổ các chương trình, dự án nêu trên còn nặng về hình thức, mang tính phong trào theo chiến dịch, mà chưa được vận hành bài bản, thường xuyên liên tục, dẫn đến hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững.