* Hiệu quả can thiệp theo nhóm tuổi của trẻ
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự tăng cân nặng và chiều cao của 2 nhóm nghiên cứu khác nhau theo từng nhóm tuổi (6 tháng/nhóm), xu thế gia tăng giảm dần theo tuổi ở cả 2 nhóm, tuy nhiên nhóm can thiệp có xu hướng tốt hơn nhóm chứng ở cả 2 chỉ số, với tất cả các nhóm tuổi:
Tăng cân nặng tích lỹ theo từng nhóm tuổi (<6, 6-<12, 12-<18, 18-<24 tháng) nhóm can thiệp so với nhóm chứng như sau: 5,8 kg so với 5,3 kg; 3,7 kg so với 3,2 kg; 2,3 kg so với 2,1 kg; 1,5 kg so với 1,3 kg. Về tăng chiều cao theo từng nhóm tuổi như sau: 19,2 cm so với 18,4 cm; 13,3 cm so với 12,4 cm; 10,1 cm so với 9,6 cm; 8,8 cm so với 8,4 cm. Tương tự xu hướng cải thiện các chỉ số nhân trắc, sau 6 tháng can thiệp tỷ lệ SDD trẻ em thay đổi chưa có ý nghĩa, nhưng sau 12 tháng, tỷ lệ các thể SDD đều đã giảm đi rõ rệt. Xu thế trên minh chứng việc can thiệp sớm cho trẻ nhằm cải thiện tình trạng
dinh dưỡng là quan trọng. Can thiệp sớm hơn sẽ cho hiệu quả tốt hơn và sẽ mang lại nhiều lợi ích khác cho những năm sau.
* Hiệu quả can thiệp theo giới tính của trẻ:
So sánh giữa 2 nhóm, cân nặng của cả trẻ gái và trai nhóm can thiệp tăng nhiều hơn nhóm chứng (p<0,05), trẻ nữ có xu hướng khác biệt nhiều hơn trẻ trai. Trong cùng 1 nhóm, sự gia tăng cân nặng của trẻ gái có xu hướng tốt hơn trẻ trai, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê.
Tương tự, nghiên cứu cũng chỉ ra sự gia tăng chiều cao theo giới tính: So sánh giữa 2 nhóm, chiều cao của trẻ gái ở nhóm can thiệp tăng nhiều hơn nhóm chứng (p<0,05), trong khi ở trẻ trai chưa thấy khác biệt có ý nghĩa.
Về hiệu quả can thiệp theo giới tính, các nghiên cứu khác nhau cũng thấy những kết quả chưa nhất quán. Kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Phú (2007) bổ sung bột tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi tại Quảng Nam cho thấy nhóm được bổ sung bột tăng cường vi chất sau 3 tháng có sự cải thiện rõ rệt về chiều cao, nhưng không có sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ: sau 3 tháng can thiệp chiều dài của trẻ nam tăng 4,5±1,1cm trẻ nữ tăng 4,4±1,0cm. Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Ninh và các cộng sự trên trẻ em 6-36 tháng tuổi cho kết quả sau 5 tháng can thiệp chiều dài của trẻ nhóm được bổ sung kẽm tăng cao hơn nhóm chứng 1,5±0,2cm, nhưng cũng không có sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ.
Lý giải về tác dụng tốt của các can thiệp với trẻ nhỏ, đa số các tác giả cho rằng, trẻ 6-12 tháng là nhóm trẻ có nguy cơ cao, ở giai đoạn này trẻ được ăn bổ sung, nếu thức ăn bổ sung có số lượng và chất lượng không tốt sẽ dẫn đến thiếu vi chất và trẻ cũng tiếp xúc với môi trường nhiều hơn nên nguy cơ bệnh tật cũng tăng lên. Nếu được can thiệp sớm sẽ bảo vệ cho trẻ khỏi SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng và trẻ sẽ phát triển tốt hơn ở những giai đoạn sau.
Mặt khác, các nghiên cứu cơ sở cũng giải thích khuynh hướng thay đổi gia tăng về chiều cao của người trưởng thành bắt nguồn từ 2 năm đầu tiên của
cuộc đời, chủ yếu thông qua tăng chiều dài của chân. Thời kỳ này là thời kỳ tăng trưởng cao nhất sau khi sinh và nhạy cảm với các điều kiện không thuận lợi (thiếu ăn, bệnh tật). Ở các nước đang phát triển, tăng trưởng kém dẫn đến chiều cao/tuổi thấp hay còn gọi là SDD thấp còi và người ta thấy rằng tình trạng này tập trung vào 1-2 năm đầu tiên của cuộc đời. Nhiều bằng chứng cho thấy, chiều cao sơ sinh ở nhiều nước đang phát triển gần với số liệu của Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuy vậy, khoảng 4-6 tháng đến 18 tháng đường cong tăng trưởng của nước đang phát triển thấp hơn và đến 24 tháng thì thấp hơn hẳn [117],[120] Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng lứa tuổi này không chỉ thiếu protein năng lượng, mà nhiều vi chất khác cũng đồng thời bị thiếu hụt trong khẩu phần ăn của nhóm tuổi này. Do vậy, các nghiên cứu truyền thông nâng cao kiến thức thực hành đinh dưỡng cho bà mẹ, xu hướng can thiệp bổ sung năng lượng, kết hợp với đa vi chất cho nhóm tuổi này đang được WHO và các tổ chức quan tâm nghiên cứu .
4.3. VỀ KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG VÀ TÍNH BỀN VỮNG CỦA GIẢI PHÁP
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh một hướng can thiệp là giáo dục truyền thông tích cực trong thời gian dài 12 tháng cho bà mẹ nuôi con dưới 24 tháng tuổi, đã có tác dụng tốt, gián tiếp làm tăng tốc độ phát triển cân nặng, chiều cao của trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ SDD nhẹ cân và thấp còi một cách có ý nghĩa. Tuy nhiên, như trên đã trình bày, vì chỉ tập trung vào can thiệp bằng giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe trẻ nhỏ của bà mẹ, nên hiệu quả can thiệp trong nghiên cứu của chúng tôi đến chậm hơn: Sau 6 tháng can thiệp, tuy đã xuất hiện một số thay đổi về chỉ số cân nặng, chiều cao và tỷ lệ SDD trẻ em dưới 24 tháng tuổi nhưng chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05); Nhưng sau 12 tháng, hiệu quả gián tiếp của can thiệp GDTT dinh dưỡng cho các bà mẹ lên các chỉ số cân nặng, chiều cao và tình trạng dinh dưỡng của con mới trở nên rõ rệt (p<0,01).
Trong hơn hai thập kỷ gần đây, nhiều chương trình quốc gia và thành phố (như các chiến dịch truyền thông nhân ngày vi chất dinh dưỡng, tuần lễ dinh dưỡng phát triển, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ), cũng như hoạt động của một số dự án y tế cũng như của các tổ chức phi chính phủ (như bổ sung đa vi chất cho bà mẹ có thai và trẻ nhỏ, dự án tạo nguồn thực phẩm tại cộng đồng) đã và đang được triển khai trên địa bàn Sóc Sơn, góp phần nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng của bà mẹ, tăng cường sử dụng nguồn thực phẩm đa dạng tại chỗ, gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng cân nặng, chiều cao và hạ thấp tỷ lệ SDD ở trẻ em. Nghiên cứu này rõ ràng đã được hưởng lợi – hay nói cách khác là chia sẻ hiệu quả của các chương trình/dự án nói trên, nhất là trong việc tạo nguồn thực phẩm đa dạng để đưa vào bữa ăn.
Kinh nghiệm rút ra từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chủ động thực hiện các can thiệp phòng chống SDD cho trẻ càng sớm càng tốt, nếu có thể bắt đầu ngay từ khi phụ nữ mang thai, trẻ em từ ngay sau khi sinh cho đến <24 tháng tuổi, như khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và tạp chí Lancet; Tiếp theo đó cần đưa giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe vào trong nhà trường để các em ở độ tuổi vị thành niên có kiến thức tự chăm sóc bản thân, can thiệp sớm đối với nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và sau khi kết hôn, phụ nữ bắt đầu mang thai, đặc biệt là các phụ nữ bị thiếu dinh dưỡng (thấp, bé, nhẹ cân).
Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, để có được tác động nhanh chóng và duy trì hiệu quả can thiệp bền vững, cần thiết phải có sự chỉ đạo quản lý thống nhất và chặt chẽ của các cấp chính quyền và ngành y tế, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ giữa y tế với các ban ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ các chương trình/dự án can thiệp dinh dưỡng và sức khỏe ở cộng đồng. Đồng thời, để có thể duy trì được các hoạt động can thiệp, sau khi các dự án/chương trình kết thúc, cần tiếp tục củng cố và phát huy những nỗ lực đóng góp có trách nhiệm của các cộng tác viên dinh dưỡng/y tế thôn bản cũng như các đối tượng đã được chọn can thiệp trước đó.