Thiết kế các biện pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu của người lao động:

Một phần của tài liệu tạo động lực làm việc cho người lao động tại công ty cổ phần điện lực khánh hòa (Trang 37 - 41)

Dựa trên các kết quả xác định nhu cầu người lao động ở trên để thiết kế các biện pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu người lao động, bao gồm:

1.2.2.1. Hệ thống lương thỏa đáng và công bằng

Tiền lương là yếu tố rất quan trọng mà bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm vì nó là công cụ giúp con người thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của người lao động. Mặt khác, tiền lương không chỉ thể hiện giá trị công việc, mà nó còn thể hiện giá trị, địa vị của người lao động trong gia đình, trong doanh nghiệp và xã hội.

Để tiền lương thực sự trở thành một công cụ tạo động lực làm việc cho người lao động thì hệ thống lương của doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đảm bảo tuân thủ theo những qui định về tiền lương của nhà nước đó là tiền lương của người lao động không được thấp hơn tiền lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng nhà nước quy định. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các chế độ phụ cấp, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương ca đêm,…

- Tiền lương được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, trả lương theo tính chất, mức độ phức tạp của công việc, phạm vi trách nhiệm của công việc và những yêu cầu về trình độ, kỹ năng kinh nghiệm của người thực hiện công việc.

- Tiền lương, tiền công chi trả cho người lao động phải đảm bảo được tính công bằng, tức là trả lương tương xứng với kết quả thực hiện công việc, sự đóng góp của người lao động . Vì vậy doanh nghiệp cần phải xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả và các chỉ tiêu đánh giá có thể phản ánh chính xác kết quả thực hiện công việc của người lao động.

1.2.2.2. Hệ thống khen thưởng phù hợp

Khen thưởng là một trong những biện pháp hiệu quả để tạo động lực làm việc cho người lao động. Hình thức khen thưởng không những thỏa mãn một phần nào đó nhu cầu vật chất của người lao động mà còn có tác dụng kích thích tinh thần của người lao động, thể hiện sự đánh giá, ghi nhận năng lực và những đóng góp của người lao động. Người lao động được khen thưởng sẽ cảm thấy tự hào trước doanh nghiệp và đồng nghiệp do đó sẽ có động lực để cố gắng phấn đấu hơn nữa trong công việc. Hình thức khen thưởng có thể bằng tiền, hoặc phần thưởng. Để khen thưởng trở thành công cụ hiệu quản, hệ thống khen thưởng cần được xây dựng, đảm bảo các yêu cầu sau:

- Khen thưởng phải gắn liền với kết quả thực hiện công việc của người lao động. Việc bình chọn, xét duyệt người được khen thưởng phải được tiến hành công khai, nghiêm túc, nhằm đảm bảo sự công bằng.

- Việc khen thưởng cần tiến hành kịp thời và đúng lúc, càng sớm càng tốt.

- Phải làm cho người lao động thấy rằng những nỗ lực của họ trong công việc khi đạt kết quả cao thì họ sẽ được nhận phần thưởng xứng đáng. Đồng thời hình thức thưởng đưa ra phải phải đa dạng và có ý nghĩa thỏa mãn nhu cầu mà cá nhân người lao động đang theo đuổi. Các tiêu chí xét thưởng phải cụ thể, rõ ràng, hợp lý, không được quá khó dẫn đến tâm lý chán nản cho người lao động hoặc quá dễ dẫn đến tâm lý coi thường, thưởng mất tác dụng. Mức thưởng phải hợp lý, không được quá cao hoặc quá thấp.

1.2.2.3. Hệ thống phúc lợi hấp dẫn

Phúc lợi là dạng hỗ trợ cuộc sống cho người lao động, nó có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, làm cho họ yên tâm làm việc, dành nhiều thời gian hơn trong công việc, gắn bó hơn với tổ chức từ đó tăng năng suất lao động. Trước hết doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các phúc lợi bắt buộc theo qui định của nhà nước như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm thỏa mãn phần nào nhu cầu an toàn của người lao động. Bên cạnh đó doanh nghiệp nên nghiên cứu xây dựng và nâng cao chất lượng các chương trình phúc lợi tự nguyện để có thể hỗ trợ tốt hơn nữa cuộc sống của người lao động ví dụ như chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động hoặc xây nhà giữ trẻ..., các chương trình phúc lợi phải được xây dựng rõ ràng, thực hiện một cách công bằng đối với tất cả mọi người.

1.2.2.4. Tạo sự hấp dẫn trong công việc qua thiết kế và thiết kế lại công việc

Khi sản xuất kinh doanh thay đổi đòi hỏi công việc cũng phải được thiết kế, thay đổi lại cho phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất kinh doanh. Mặt khác, sau một thời gian làm việc, người lao động sẽ quen và thành thạo trong công việc, nhưng nếu công việc cứ lặp lại sẽ dẫn đến tạo cho người lao động không còn hứng thú với công việc, tạo độ ỳ cho người lao động. Vì vậy, đặt ra yêu cầu phải thiết kế và thiết kế lại công việc nhằm tạo ra sự mới mẻ trong công việc và đem lại sự hứng thú với công việc cho người lao động. Thiết kế và thiết kế lại công việc cũng là một biện pháp nhằm thỏa mãn nhu cầu tự hoàn thiện của người lao động, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, phát huy được năng lực, trình độ, kinh nghiệm của người lao động vào công việc nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức đòi hỏi phải có sự bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân người lao

động, phù hợp với những kiến thức kỹ năng mà họ được đào tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể tiến hành luân phiên thay đổi công việc cho người lao động, chuyển người lao động từ một công việc này sang làm một công việc khác phù hợp với khả năng của người lao động, nhằm tránh sự nhàm chán trong công việc, tạo điều kiện cho người lao động học hỏi được những kinh nghiệm trong những lĩnh vực khác, tạo ra sự mới mẻ, thách thức trong công việc cho người lao động, kích thích người lao động làm việc.

1.2.2.5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm tăng khả năng thích ứng công việc của người lao động

Việc người lao động được đào tạo, có năng lực, có trình độ cao thì sẽ tiếp cận nhanh với sự thay đổi của môi trường, khoa học công nghệ, và thực hiện công việc với hiệu quả cao hơn. Với xu hướng hiện nay sự cạnh tranh của các doanh nghiệp không còn chỉ là sự cạnh tranh về vốn, về tài nguyên mà chính là sự cạnh tranh về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí khấu hao vô hình về công nghệ.

Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động. Việc tạo điều kiện cho người lao động học tập có thể là cử đi học, tập huấn hoặc thông qua việc hỗ trợ kinh phí, bố trí thời gian làm việc linh hoạt. Đặc biệt doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề sử dụng sau đào tạo để nhằm tận dụng được những kiến thức kỹ năng người lao động được đào tạo vào thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp.

1.2.2.6. Tạo cơ hội thăng tiến đồi với người lao động có đóng góp đối với doanh nghiệp

Có thể nói, đa số người lao động đều có khao khát tìm kiếm cơ hội thăng tiến phát triển trong nghề nghiệp vì sự thăng tiến chính là cách để khẳng định vị thế của mình trong tổ chức, xã hội, thỏa mãn nhu cầu được tôn trọng của người lao động. Việc tạo cơ hội cho người lao động được thăng tiến vào những vị trí làm việc có chức vụ cao hơn, với quyền hạn và trách nhiệm lớn hơn có tác động tạo động lực làm việc cho người lao động bởi điều đó không chỉ thể hiện sự ghi nhận của tổ chức đối với những thành tích người lao động đạt được mà còn thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của tổ chức cho các cá nhân phát huy hết khả năng của chính mình.

Để thực hiện công tác này một cách có hiệu quả thì người quản lý cần phải chỉ ra những nấc thang vị trí kế tiếp trong nghề nghiệp của người lao động, đồng thời phải xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp đi kèm nhằm bồi dưỡng cho người lao động những kiến thức kỹ năng cần thiết cho nhiệm vụ mới.

Việc thăng chức phải được xem xét một cách nghiêm túc, công bằng, tiến hành công khai trong tập thể lao động dựa trên những đóng góp, thành tích và kết quả thực hiện công việc và năng lực của người lao động nhằm đề bạt đúng người phù hợp với vị trí công việc và được mọi người ủng hộ.

1.2.2.7. Tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi

Môi trường và điều kiện làm việc là nơi có ảnh hưởng lớn đến khả năng làm việc, sức khỏe, thái độ lao động và hiệu quả công việc của người lao động. Môi trường và điều kiện làm việc tốt sẽ làm cho người lao động cảm thấy yên tâm làm việc, có điều kiện để phát huy năng lực. Ngược lại, môi trường và điều kiện làm việc không tốt sẽ khiến cho người lao động cảm thấy căng thẳng, bất an, mệt mỏi cả về thể lực lẫn tinh thần, chán nản và bất mãn trong công việc. Do đó để để tạo động lực làm việc cho người lao động cần phải cung cấp cho họ một môi trường làm việc với đầy đủ các trang thiết bị máy móc, công cụ, dụng cụ phục vụ cho công việc, nơi làm việc được thiết kế và bố trí một cách khoa học nhằm tạo điều kiện tối đa cho người lao động thực hiện công việc. Đồng thời cung cấp đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động, đảm bảo cho người lao động được làm việc trong điều kiện môi trường an toàn, điều kiện sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái...

Xây dựng một bầu không khí lao động tập thể thân thiện, hợp tác, chia sẻ thông qua các hoạt động làm việc nhóm như tổ chức các phong trào thi đua, đoàn thể, các phong trào thể thao, văn nghệ, tham quan dã ngoại... tại đó người lao động được tiếp xúc giao lưu, hiểu hơn về nhau, trao đổi, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Từ đó người lao động sẽ cảm thấy gắn bó với tổ chức với đồng nghiệp hơn, yêu thích công việc hơn, làm việc thoải mái thoải mái, mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau càng trở nên thân thiết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung của tổ chức.

Một phần của tài liệu tạo động lực làm việc cho người lao động tại công ty cổ phần điện lực khánh hòa (Trang 37 - 41)