5. Nội dung của khóa luận
2.3.3. Đánh giá chung về thực trạng phát triển
2.3.3.1. Thành tựu
TCLTCN tỉnh Thái Bình đạt kết quả đáng khích lệ và bắt đầu khai thác được những tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh.
TCLTCN Thái Bình phát triển đã khai thác tiềm năng, thế mạnh các ngành mũi nhọn của địa phương: dệt may- da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và chế biến thực phẩm….Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GDP của tỉnh tăng liên tục. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông – lâm – thủy sản, tăng dần tỷ trọng của công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Trong những năm gần đây, công nghiệp Thái Bình đã và đang được tổ chức lại theo hướng bố trí vào các KCN tập trung và hoàn thiện các khu này.
Các KCN hiện có chủ yếu được phân bố ở thành phố Thái Bình (Phúc khánh, Tiền Phong, Hoàng Diệu), huyện Tiền Hải (KCN Tiền Hải), huyện Thái Thụy (KCN Diêm Điền)…
Có thể thấy, phân bố các KCN hiện có trên địa bàn tỉnh Thái Bình tương đối hợp lý.
Nhìn chung các KCN đã được phân bố ở các địa điểm có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển (gần các trục đường giao thông chính), quy mô các KCN phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo từng thời kỳ để không làm tăng đột biến về kế hoạch sử dụng đất đai.
Các khu công nghiệp trên được phân bố ở những nơi có ít dân cư sinh sống. Do vậy đã hạn chế được tối đa việc di dân, tái định cư và được nhân dân ủng hộ. Hầu hết các khu được bố trí ở những vùng thuận lợi cho hạ tầng đối ngoại. Gần với trục quốc lộ, trục đường huyết mạch quan trọng chạy ngang qua địa bàn tỉnh Thái Bình, kết nối tỉnh Thái Bình với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc qua hệ thống giao thông trong vùng
vươn tới các cụm cảng biển, cảng hàng không,…tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển các KCN.
Đến nay, KCN Phúc Khánh, KCN Nguyễn Đức Cảnh và KCN Tiền Hải (60 ha) đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cho thuê, KCN Gia Lễ đã cho thuê 64,5 ha/68,8 ha đất công nghiệp cho thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,75%; KCN Sông Trà đã lập quy hoạch chi tiết KCN giai đoạn I diện tích đất tự nhiên là 150,5ha, đã tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng và thu hồi đất giai đoạn I là 109 ha và hoàn thành xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cuối năm 2010, diện tích đất có thể cho thuê là 66,5 ha, đã có 03 dự án thuê 13,5 ha đất công nghiệp, hiện còn 43 ha diện tích đất công nghiệp quy hoạch có thể cho thuê; KCN Cầu Nghìn đã lập quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất là 214,2 ha, đã tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng và thu hồi đất giai đoạn I được 81,4 ha, có 03 dự án thuê 35,18 ha đất công nghiệp, hiện còn 32 ha diện tích đất công nghiệp giai đoạn I có thể cho thuê.
Khoảng cách giữa các KCN với các trung tâm đô thị lớn (Thành phố Thái Bình) tạo điều kiện đảm bảo cung cấp các dịch vụ hạ tầng xã hội cơ bản, cung cấp nhân lực cũng như các đầu vào cần thiết khác. Các KCN hiện tại được bố trí với tầm nhìn dài hạn gắn với việc hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng trong tỉnh. Nhìn chung, khi xem xét, bố trí các KCN này, tỉnh đã chú ý đến khai thác các điều kiện, yếu tố gắn với sự phát triển của các trục giao thông. Với các địa điểm phân bố hiện tại các KCN có đầy đủ điều kiện thuận lợi để phát triển.
TTCN - làng nghề được đầu tư phát triển góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch và thực hiện một số đề án phát triển công nghiệp ở nông thôn, khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công và làng nghề truyền thống góp phần tăng GTSX của thành phần kinh tế tư nhân. Sản phẩm sản xuất chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, thu nhập của một số làng nghề đã nâng lên, đời sống người lao động được cải thiện.
2.3.3.2. Hạn chế
Trong những năm qua TCLTCN tỉnh Thái Bình còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhưng lĩnh vực công nghiệp địa phương do Nhà nước quản lý còn gặp nhiều khó khăn về tài chính và công nghệ lạc hậu.
Hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, cấp điện, cấp nước chưa phát triển kịp sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Công tác đào tạo cán bộ và lực lượng lao động đã được chú trọng nhưng chưa kịp so với sự phát triển của ngành công nghiệp.
Về thu hút đầu tư nước ngoài chưa đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số dự án đầu tư hạ tầng KCN của các tập đoàn lớn đến Thái Bình từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 cũng bị chững lại. Tuy đã có quyết định thành lập nhưng một số dự án gặp khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính ở khâu thoả thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thuê, giao đất, công tác cấp đất dịch vụ và xây dựng các khu tái định cư nên tiến độ triển khai dự án chậm. Vấn đề giải quyết việc làm cho các đối tượng lao động đủ điều kiện tại các địa phương có đất bị thu hồi còn đạt tỷ lệ rất thấp, thực hiện cam kết tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp không hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ về chuyển đổi nghề, thưởng trong đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được thay đổi phù hợp với với biến động giá cả thị trường. Cơ chế, chính sách cấp đất dịch vụ, trả đất bằng tiền cho nhân dân vẫn chưa ban hành, các phương án tổ chức đào tạo nghề, các chương trình việc làm tại chỗ cho các đối tượng lao động ở khu vực mất đất và các chính sách xã hội khác như xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở nông thôn nơi có đất thu hồi chưa được quan tâm giải quyết một cách thoả đáng. Công tác vận động, tuyên truyền thuyết phục nhân dân của các cấp chính quyền ở một số địa phương có đất bị thu hồi còn hạn chế.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm, chất lượng hạ tầng trong các KCN chưa cao cả về đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý rác, nước thải, mỹ quan KCN. Tỉnh Thái Bình hiện có 6 KCN được phê
duyệt quy hoạch chi tiết, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 KCN đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung; một KCN đang đầu tư xây dựng; 3 KCN còn lại chưa có khu xử lý nước thải. Tất cả CCN ở Thái Bình cũng chưa xây dựng khu xử lý nước thải tập trung.
Việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động chưa được đảm bảo, đã dẫn tới tranh chấp trong quan hệ lao động, gia tăng xu hướng công nhân ngừng làm việc tập thể để đòi quyền lợi đã bị người sử dụng lao động vi phạm.
CHƢƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN HOÀN THIỆN TCLTCN TỈNH THÁI BÌNH TRONG GIAI ĐOẠN
ĐẾN NĂM 2020
3.1. Định hƣớng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh như sau:
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng 20,7%/năm, giai đoạn 2016-2020 tăng 17,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đến năm 2015 là 40,3%, đến năm 2020 là 45% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tạo ra nguồn thu cao cho ngân sách; các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm gắn liền với phát triển vùng nguyên liệu nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Giảm dần sơ chế, tăng cường chế biến sâu, tích cực đầu tư công nghệ chế biến sâu để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng cuối cùng nhằm tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp và tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên đặc biệt là lợi thế khí đốt của tỉnh và bảo vệ môi trường. Hạn chế phát triển sản xuất gạch tuynen đất nung; tận dụng nguồn tro, xỉ của Trung tâm điện lực Thái Bình để sản xuất vật liệu xây dựng. Tiến hành khai thác đưa khí thiên nhiên từ các mỏ khí ở Vịnh Bắc bộ vào phục vụ sản xuất công nghiệp và triển khai thử nghiệm dự án khai thác than nâu theo phương pháp than hóa khí để đầu tư một số nhà máy sản xuất điện, phân đạm, xi măng trắng, xi măng chịu nhiệt, chịu axit và các loại vật liệu xây dựng cao cấp khác.
Hướng tới phát triển công nghiệp cơ khí - điện, điện tử trở thành ngành công nghiệp quan trọng, có giá trị gia tăng lớn. Phát triển một số ngành công nghiệp nặng tại các vùng bãi ven biển để khai thác các tiềm năng, lợi thế của
tỉnh. Cải tạo, nâng cấp các nhà máy đóng tàu hiện có để đóng và sửa chữa tàu vỏ thép trọng tải từ 7.000 ÷ 10.000 tấn, sà lan Lash… tại Diêm Điền. Xây dựng công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp tàu thủy và các ngành công nghiệp khác của tỉnh.
Hoàn thành xây dựng Trung tâm điện lực Thái Bình tại xã Mỹ Lộc huyện Thái Thụy. Phát triển dệt may Thái Bình phù hợp chiến lược phát triển ngành dệt may Việt Nam, trong thế cạnh tranh và hội nhập. Xây dựng cơ sở sản xuất phụ kiện dệt may tại thành phố Thái Bình. Phát triển các cụm công nghiệp làng nghề dệt may tại các huyện, tạo sự phát triển hài hòa kinh tế giữa các địa phương.
Dự kiến quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích là 3.172ha và 43 cụm công nghiệp, tổng diện tích 1.226ha. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Trong giai đoạn 2011-2020 quy hoạch ở mỗi huyện, thành phố từ 3-5 cụm công nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển làng nghề theo chiều sâu để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp và các nghệ nhân trong làng nghề để duy trì và mở rộng các làng nghề hiện có và du nhập thêm nghề mới, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Phát triển vùng nguyên liệu cho nghề và làng nghề, sản xuất hàng xuất khẩu, nghề ít gây ô nhiễm môi trường.
3.2. Một số giải pháp góp phần hoàn thiện TCLTCN tỉnh Thái Bình
3.2.1. giải pháp về vốn và thu hút vốn đầu tư
Để đảm bảo nhu cầu vốn cho phát triển công nghiệp cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
3.2.1.1 Huy động vốn đầu tư trong nước a. Huy động vốn trong các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp muốn đầu tư chiều sâu phát triển sản xuất phải tự huy động vốn, vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất. Vốn từ ngân sách chủ yếu dành cho các doanh nghiệp phục vụ lợi ích công cộng.
Các doanh nghiệp có thể huy động vốn bằng cách vay của cán bộ, công nhân để thực hiện đầu tư theo chiều sâu dây chuyền thiết bị sản xuất nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
b. Huy động vốn trong dân
Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về huy động vốn nhàn rỗi của
nhân dân.
Khuyến khích tư nhân trong và ngoài tỉnh, Việt Kiều ở nước ngoài bỏ vốn đầu tư dưới hình thức liên doanh, góp cổ phần hoặc đầu tư trực tiếp. Đây là lượng vốn rất lớn trong dân, tỉnh cần huy động tối đa nguồn vốn này.
Phát hành tín phiếu trung hạn và dài hạn với lãi suất ưu đãi để thu hút vốn trong dân.
Bán cổ phiếu của doanh nghiệp
3.2.1.2. Huy động vốn đầu tư nước ngoài
Xây dựng cơ chế thông thoáng, cơ chế một cửa, giải quyết thủ tục thật nhanh chóng, nhiệt tình với nhà đầu tư để thu hút dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc.
Huy động các nguồn vốn khác.
Sử dụng một phần vốn ODA của các quốc gia vào phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn…
3.2.1.3 Huy động vốn bằng nhiều hình thức khác
Thực hiện đúng và nhanh chóng luật doanh nghiệp để khuyến khích nhân dân đầu tư vào sản xuất, nhất là TTCN - Làng nghề.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh để thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Công bố quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm, cụm, KCN. Nên dành riêng khoảng 2 đến 3 KCN lớn ( Nguyễn Đức Cảnh, Phúc Khánh, ..) cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính sách một cửa, nhanh chóng giải quyết mọi thủ tục của nhà đầu tư.
Bán đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cho các điểm, cụm và KCN.
Tổ chức hội thảo giới thiệu và mời chào các doanh nghiệp đầu tư vào các điểm, cụm, KCN tỉnh Thái Bình.
Xây dựng quy hoạch chi tiết các cụm, KCN tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư.
Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề với các mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp lý chung của nhà nước. Đồng thời, thể hiện một số ưu đãi riêng của tỉnh, chú trọng các hình thức đầu tư mới, gắn quyền lợi với trách nhiệm của nhà đầu tư.
3.2.2. Giải pháp về khoa học công nghệ
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của công nghiệp như trong quy hoạch đã đề ra, từ nay đến năm 2015 phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề về công nghệ.
Hướng chính là hiện đại hóa từng phần, từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.
Đối với các dự án đầu tư mới có quy mô vừa và lớn phải sử dụng công nghệ thiết bị hiện đại, tự động hóa ở những khâu cần thiết để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài cần cân nhắc áp dụng công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển, không nhập khẩu thiết bị và công nghệ đã lạc hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng tích lũy để tái sản xuất mở rộng. Tập trung đổi mới công nghệ và đưa công nghệ nghiên cứu khoa học vào phục vụ sản xuất trước hết là các ngành có thế mạnh: cơ khí, sản xuất vât liệu xây dựng,….
3.2.3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, nhân tố con người luôn giữ vai trò quyết định. Đào tạo nguồn nhân lực giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố quyết định để nâng cao vị thế cạnh tranh thu hút đầu tư cho tỉnh. Phải có đội ngũ cán bộ, công nhân đủ về số lượng và chất lượng bảo đảm cho việc tổ chức, triển khai và thực hiện thành công những chủ trương, biện pháp xây dựng và phát triển công nghiệp. Cơ cấu đội ngũ này phải đồng bộ, bao gồm cả cán bộ khoa học- kỹ thuật, cán bộ quản lý,