4. Cấu trúc của khóa luận
2.3.4. Các vùng chuyên canh
Từ sản xuất phân tán, manh mún, lãnh thổ sản xuất nông nghiệp của Hải Dương dần dần được hình thành và đang có sự chuyển biến tích cực. Căn cứ vào thực tế phân bố sản xuất của ngành nông nghiệp có thể thấy, Hải Dương bước đầu đang hình thành một số vùng chuyên canh hướng vào một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Những lãnh thổ này hình thành dựa trên sự tương đồng về điều kiện sản xuất như quỹ đất và đặc điểm, tính chất của đất, các điều kiện sinh thái khác, kinh nghiệm sản xuất của người dân, nhu cầu của thị trường nội và ngoại vùng và cho xuất khẩu. Các vùng chuyên canh của Hải Dương bắt đầu được hình thành từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước trong phạm vi của các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ - vùng trọng điểm lúa. Thanh Hà – vùng trọng điểm vải thiều....
1) Vùng chuyên canh lúa.
Mục đích trồng lúa của Hải Dương là đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân dân và chăn nuôi. Tuy nhiên, trong điều kiện mức sống ngày càng được nâng lên, bên cạnh việc đảm bảo lương thực, còn phải tính đến việc tạo ra những vùng lúa cao sản, lúa chất lượng cao. Vì vậy, việc hình thành các vùng chuyên canh, nhất là lúa cao sản, chất lượng cao có vai trò quan trọng.
- Các vùng chuyên canh lúa tập trung ở các huyện phía đông và phía nam của tỉnh bao gồm các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện, Gia Lộc, Bình Giang và Ninh Giang. Đây là những huyện có đất phù sa màu mỡ, có nguồn nước dồi dào, có khả năng tưới tiêu tốt từ hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải...do đó, đã hình thành các vùng chuyên canh lúa của tỉnh
63
So với diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, diện tích các vùng chuyên canh này đạt 67.170 nghìn ha chiếm 52,7% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh. Trong đó, vùng chuyên canh có diện tích lớn nhất thuộc về huyện Tứ Kỳ, đạt 15.672 ha chiếm 12,3% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh và 23,3% diện tích các vùng chuyên canh lúa của tỉnh. Đứng sau vùng chuyên canh Tứ Kỳ là các vùng chuyên canh Thanh Miện: 21,6% ; Ninh Giang: 21,1%, Bình Giang 18,8% và Gia Lộc:15,2%.
- Các vùng lúa chất lượng cao đạt 36.904,6 ha, chiếm 28,9%; lúa lai đạt 18.501,1 ha chiếm 14,5% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh. Các giống lúa có chất lượng cao, giá trị kinh tế lớn như Tám xoan, Di hương, Bắc hương, Nếp cái hoa vàng…cho thu nhập 28 – 30 triệu đồng/năm. Trong điều kiện diện tích gieo trồng lúa của tỉnh đang bị thu hẹp, việc mở rộng các vùng chuyên canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao là rất khó khăn. Vì vậy, việc giữ được diện tích các vùng chuyên canh lúa cao sản, lúa chất lượng cao này gặp khó khăn. So với năm 2005, diện tích các vùng lúa cao sản, lúa chất lượng cao tăng chút ít. Các vùng lúa cao sản, lúa chất lượng cao tập trung ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kinh Môn, Thanh Miện…
2) Vùng chuyên canh cây công nghiệp
Hải Dương có ưu thế phát triển cây công nghiệp ngắn ngày và chịu sự chi phối của thị trường vì vậy thường có biến động lớn. Cây công nghiệp ngắn ngày được bố trí thành vùng chuyên canh ở Hải Dương là đậu tương, lạc, mía…
Năm 2012, diện tích đậu tương toàn tỉnh đạt 1.137 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các vùng chuyên canh Chí Linh 225 ha chiêm19,8% ; Gia Lộc chiếm 214 ha chiếm 18,8% diện tích đậu tương toàn tỉnh. Lạc tập trung chủ yếu ở Chí Linh 1.026 ha trong tổng số 1.258 ha lạc của tỉnh, chiếm 81,6%.
Ngoài 2 loại cây công nghiệp ngắn ngày kể trên, Hải Dương đang hình thành vùng chuyên canh chè. Đây là cây công nghiệp dài ngày, được trồng tập trung ở vùng đồi Chí Linh, diện tich chè đạt 140 ha, chiếm 98% diện tích chè toàn tỉnh.
64
3) Vùng chuyên canh cây ăn quả
Đứng trước nhu cầu hoa quả tươi cho nhân dân, Hải Dương đã phát huy thế mạnh là vùng đồi thấp ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn cùng với những vườn tạp lớn và tận dụng nguồn lao động tại chỗ để phát triển mạnh các vùng chuyên canh cây ăn quả với các loại cây nổi tiếng như vải thiều, ổi, chuối, cam. Năm 2012, Hải Dương có 12.990 ha vải thiều, tập trung ở Thanh Hà 4.950 ha chiếm 38,1%, và Chí Linh 5.430, chiếm 41,8%. Tổng giá trị vải vụ 2012 đạt 209.652 triệu đồng. Diện tích cam quýt đạt 641 ha, tập trung ở Tứ Kỳ, 70%. Diện tích trồng chuối là 1.726 ha, tập trung ở Gia Lộc: 65%. Hiện nay, các vùng chuyên canh cây ăn quả này tiếp tục được mở rộng do thị trường được mở rộng.
4) Vùng chuyên canh rau đậu
- Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, Hải Dương có một mùa đông lạnh nên phát triển rau vụ đông khá tốt. Các loại rau xanh phổ biến ở Hải Dương là: bắp cải, xúp lơ, cà rốt, hành tây, ớt, cà chua... Năm 2012, diện tích rau, đậu ở Hải Dương đạt 28.807 ha, tăng 6.860 ha so với năm 2005, trong đó diện tích rau các loại đạt 28.569 ha, gấp 120 lần so với diện tích đậu các loại (238 ha). Diện tích rau chiếm tỉ trọng cao và tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, nhất là thị trường các thành phố, thị xã và lao động trong các KCN, các trung tâm công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các tỉnh lân cận. Các vùng rau tập trung ở 2 huyện Kim Thành và Gia Lộc. Năm 2012, diện tích rau của Gia Lộc đạt 5.745 ha chiếm 20,1% diện tích rau cả tỉnh. Gia Lộc là huyện ven thành phố Hải Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp, vùng chuyên canh rau xanh Gia Lộc đáp ứng cho nhu cầu rau xanh của nhân dân thành phố và công nhân trong các khu công nghiệp. Huyện Kinh Môn đạt 3.843 ha chiếm 13,5% diện tích rau xanh cả tỉnh vì có diện tích rộng, có nhiều xí nghiệp công nghiệp nhất là nhà máy xi măng Hoàng Thạch, việc phát triển vùng chuyên canh rau xanh này đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong vùng. Theo điều tra của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương, trồng rau vụ đông cho lãi cao, tận dụng được thời gian luân canh giữa hai vụ lúa chính, góp phần làm cải thiện độ phì của đất và tăng thu nhập của nhân dân. Mỗi sào Bắc bộ, người lao
65
động trồng rau lãi 7, 3 triệu đồng nếu trồng hành tây, 6,5 triệu đồng nếu trồng ớt và 4,8 triệu đồng nếu trồng cải bắp.
-Từ năm 2006-2012 mới triển khai các nội dung quan trọng liên quan đến nâng cao chất lượng rau, quả như: tập huấn cho nông dân theo chương trình IPM, VietGap, đề tài sử dụng chế phẩm Feromôn trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, triển khai quy vùng sản xuất hàng hoá, xây dựng mô hình, cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp như Phạm Kha (Thanh Miện), Gia Xuyên (Gia Lộc), các cơ sở sản xuất rau trên địa bàn…
Mặc dù kinh phí dành cho dự án này trong giai đoạn 2006-2012 không nhiều nhưng những năm qua sản xuất rau của Hải Dương đã chuyển đổi một cách tích cực và có hiệu quả.
Qua các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên rau của Cục trồng trọt, tất cả các mẫu rau của tỉnh đều đảm bảo an toàn theo quy định. Chính vì vậy rau của Hải Dương đã được tiêu thụ mạnh ở các thành phố lớn. Công ty cổ phần chế biến nông sản hàng năm xuất khẩu nhiều loại rau do nông dân Hải Dương sản xuất, được bạn hàng các nước chấp nhận.
Từ năm 2009 tỉnh được tham gia chương trình sản xuất rau, quả an toàn thuộc dự án QSEAP (vốn vay ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với 5 mô hình, quy mô từ 10-20 ha/mô hình, hiện đang triển khai quy hoạch và xây dựng mô hình để nhân ra diện rộng trong thời gian tới
5) Các vùng chăn nuôi tập trung
Do đẩy mạnh sản xuất lương thực, nên chăn nuôi được đầu tư phát triển. Ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh mẽ mà trước hết là hình thành những vùng chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp
Huyện nuôi nhiều bò nhất Thanh Miện: 4.403 con, Chí Linh 4.210 con…Hiện nay, các huyện đang tham gia nuôi bò thịt chất lượng cao như Nam Sách, Thanh Hà, Gia Lộc…Có 451 hộ tham gia nuôi bò thịt chất lượng cao với số lương 4.767 con bò, số tiền vay ngân hàng mua bò giống đạt 14 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay với chu kỳ ngắn hạn.
66
Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Hải Dương đã xây dựng được 6 khu chăn nuôi gia cầm tập trung với quy mô từ 3 ha trở lên/khu ở các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Ninh Giang. Các khu chăn nuôi tập trung này được đầu tư, hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vừa cho năng suất cao, vừa phòng chống được dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.
67
Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 3.1. Định hướng phát triển nông nghiệp Hải Dương đến năm 2020
Phát huy vai trò của một tỉnh nằm trong vùng trọng điểm Bắc Bộ với thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên đất và khả năng tiếp cận, giao lưu kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có hiệu quả, trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, vốn và tiềm lực KHCN để xây dựng một cơ cấu KT – XH hợp lý, nâng cao năng lực sản xuất của các ngành, các lĩnh vực chủ yếu. Chú trọng sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển KTXH, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, cải thiện môi trường sinh thái để phát triển bền vững. [13]
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đồng thời tăng cường nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ và cải thiện môi trường. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH trên cơ sở đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực.
Cơ cấu GDP Hải Dương năm 2020 và tầm nhìn 2030 tương ứng như sau: khu vực nông nghiệp đạt 16% và 15%; khu vực công nghiệp – xây dựng đạt 51% và 52%; khu vực dịch vụ ổn định đạt 33%.
* Đối với ngành trồng trọt
- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển trồng trọt theo hướng thâm canh, chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Ưu tiên sản xuất và nâng cao tỷ trọng nông sản hàng hóa chất lượng cao, an toàn phù hợp với thị trường. Tăng nhanh giá trị sản xuất và lợi nhuận trên một ha đất canh tác.
- Phát huy lợi thế các cây trồng chủ lực, mùa vụ, các vùng truyền thống với quy mô thích hợp đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.
- Đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất, xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
68
- Duy trì diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị cây ăn quả theo hướng bền vững.
- Tiếp tục giảm tỷ trọng ngành trồng trọt trong cơ cấu nông nghiệp Hải Dương xuống còn 46% năm 2020 và 45% năm 2030.
a. Cây lương thực:
- Phát triển nông nghiệp trong quá trình CNH, HĐH, việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và của tỉnh vẫn được đặt lên hàng đầu.
- Tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất lúa hàng hóa tại các huyện, thị trong tỉnh. Trong đó, xây dựng các vùng lúa trọng điểm tại huyện Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (15.000 ha), có 8000 ha lúa, tập trung ở 800 vùng, gồm các giống lúa chất lượng BT 7, Nàng Xuân, HT1... lúa lai Thục Hưng 6, Syn6...được sản xuất và chứng nhận VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices).
- Duy trì vùng lúa đặc sản (nếp cái hoa vàng) ở Kim Thành, Kinh Môn với diện tích 2005 ha.
b. Cây rau đậu
Các huyện, thị xã, thành phố đang xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng rau màu để phát triển các vùng hàng hóa tập trung với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, diện tích 12.000 ha, trong đó có 25% được chứng nhận theo VietGap, nhất là các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Cẩm Giàng...để có:
+ Vùng hành tỏi: 5.000 ha tại Kinh Môn, Nam Sách, Thanh Hà. + Vùng Cà rốt: 1.500 ha tại Cẩm Giàng, Nam Sách
+ Vùng cải bắp, su hào: 800 ha tại 3 xã Thạch Khôi, Gia Xuyên, Hoàng Diệu (Gia Lộc)
+ Vùng ớt: 600 ha tại Ninh Giang, Kim Thành, Kinh Môn. + Vùng bí xanh:700 ha tại Bình Giang, Cẩm Giàng
+ Vùng hành tây: 400 ha tại Tứ Kỳ
+ Ngoài ra còn các vùng cà chua: 700 ha (Nam Sách, Kim Thành...); vùng súp lơ 200 ha tại Tứ Kỳ, dưa hấu, dưa lê khoảng 1.000 ha tại Gia Lộc, Tứ Kỳ...
69
Đến năm 2015 dự kiến có 50 vùng sản xuất rau an toàn tập trung quy mô 20 ha trở lên, ưu tiên các vùng có truyền thống trồng rau như Gia Lộc, Kim Thành, Cẩm Giàng...
+ Tiếp tục sản xuất rau an toàn (QSEAP - dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học) theo dự án được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt.
c. Cây ăn quả và cây lâu năm
Tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể vùng trồng cây ăn quả, cây lâu năm. Đến năm 2020, duy trì diện tích 22.000 ha, trong đó:
- Vải thiều: đạt 12.000 ha, tập trung ở Chí Linh (5.000 ha); Thanh Hà (4.500 ha). Trong đó: diện tích được cấp giấy chứng nhận của VietGap, Global Gap là 500 ha.
- Xây dựng các vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao như nhãn, ổi, quất, đu đủ, na, chuối tại Thanh Hà, Gia Lộc, Chí Linh để nâng cao tỷ trọng, chất lượng hàng hóa và thu nhập của nông dân.
- Ứng dụng những tiến bộ KHCN để khôi phục và phát triển một số cây công nghiệp lâu năm như chè, dâu tằm, cây dược liệu...
d. Hoa và cây cảnh
Quy hoạch các vùng trồng hoa và cây cảnh tại các xã ngoại thành thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và thị trấn...trong tỉnh để tiêu thụ tại chỗ và một số vùng trồng hoa tập trung, sản xuất hàng hóa ở Gia Lộc, Cẩm Giàng, Kim Thành...và thành phố Hải Dương với diện tích khoảng 500 ha.
* Đối với ngành chăn nuôi
Với mục tiêu đưa chăn nuôi thành ngành kinh tế chính trong nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỉ trọng ngành trồn trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 40% cơ cấu nông nghiệp của Hải Dương theo chiến lược phát triển KT – XH của tỉnh.
70
3.2. Các giải pháp chủ yếu để phát triển nông nghiệp ở Hải Dương
3.2.1. Tổ chức sản xuất và sử dụng đất
Để thực hiện có kết quả nông nghiệp Hải Dương đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cần thực hiện những giải pháp sau:
- Quy hoạch hình thành các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có giá trị: vùng lúa gạo đặc sản, vùng rau...
- Chuyển đổi hợp lí cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp. Việc chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải có qui hoạch rõ ràng, tránh bỏ hoang, lãng phí đất nông nghiệp.
- Điều chỉnh quy hoạch cho sát với thực tế là điều cần thiết, song thời gian hiệu lực của mỗi quy hoạch là rất quan trọng đối với việc ổn định và phát triển sản xuất của các ngành, các địa phương. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho