a. Ngân hàng TMCP Á Châu-ACB (10). Trong hệ thống ngân hàng thương
mại cổ phần nước ta hiện nay, ACB nổi lên như một định chế lớn nhất và được quản lý tốt nhất. ACB có tổng vốn hoá thị trường của cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi đạt 1,4 tỷ USD. Cuối năm 2008, tổng tài sản của ACB tăng 19.914 tỷ đồng (+23,3%) so với năm 2007, đạt 105.306 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng tăng so với năm 2007, từ 6.258 tỷ đồng lên 7.766 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB cuối năm 2008 là 34.833 tỷ đồng, tăng 3.022 tỷ đồng, tương đương 9,5% so
với đầu năm. Tổng vốn huy động của ACB là 91.174 tỷ đồng, tăng 16.230 tỷ đồng so với cuối năm 2007.
Kết quả kinh doanh: lợi nhuận trước thuế cả năm 2008 của ACB đạt 2.561 tỷ đồng, tăng 434 tỷ đồng so với 2007, vượt 61 tỷ đồng so với kế hoạch, trong đó phần lợi nhuận đóng góp của các công ty con và công ty liên kết là 319 tỷ đồng, chiếm 12,5%.
Hoạt động thanh toán quốc tế: năm 2008 doanh số thanh toán quốc tế của ACB đạt 3.454 triệu USD tăng 23% so với năm 2007. Trong đó khu vực TP.HCM chiếm gần 74% tương đương 2.536 triệu USD. Đặc biệt, ACB rất mạnh ở mảng nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền nhập khẩu với doanh số đạt 1.414 triệu USD, chiếm đến gần 41% tổng doanh số TTQT toàn ngân hàng. Trong khi đó, thanh toán bằng L/C của ACB có doanh số khá thấp đạt 756 triệu USD, chỉ chiếm 22% tổng doanh số. Bên cạnh đó, ACB cũng đã phát triển dịch vụ thanh toán bằng phương thức CAD, mặc dù doanh số thấp không đáng kể, nhưng ACB đã cho thấy sự đa dạng trong việc cung cấp dịch vụ của mình.
Nhân sự: khi mới thành lập ACB chỉ có 27 nhân viên. Đến nay, nhân sự của ACB đã lên đến 6.598 người. Cán bộ có trình độ đại học và trên đại học chiếm 93%. Chương trình đào tạo của ACB giúp nhân viên có kỹ năng chuyên môn cao, quy trình nghiệp vụ thống nhất trên toàn hệ thống, dù khách hàng giao dịch tại bất cứ điểm giao dịch nào cũng đều nhận được một phong cách ACB duy nhất, đó là sự chuyên nghiệp, nhanh chóng và vì lợi ích của khách hàng.
Công nghệ: trong năm 2007, ACB nâng cấp giải pháp ngân hàng toàn diện từ phiên bản 2000 lên phiên bản 2007 với khả năng xử lý và quản lý gấp từ 5 đến 10 lần trước đó. Đây là một bước trong chương trình nâng cấp năng lực công nghệ thông tin ngân hàng để đảm bảo quá trình phát triển mạnh mẽ và bền vững của Ngân hàng.
Hiện nay, đối với Sacombank thì ACB là một đối thủ chính và luôn cạnh tranh trực tiếp ở tất cả các hoạt động của toàn ngân hàng. Với sự lớn mạnh về mọi mặt của ACB trong những năm gần đây đã tạo một áp lực cạnh tranh khá lớn lên tất
cả đối thủ trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. ACB đã khẳng định được thương hiệu của mình với khách hàng bằng khả năng tài chính mạnh mẽ và sự chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ.
b. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương-Techcombank(11). Techcombank là ngân
hàng lớn thứ ba (xét về quy mô và vốn điều lệ) trong hệ thống NHTM cổ phần của Việt Nam hiện nay. Năm 2008 đánh dấu một năm thành công cho Techcombank trong việc thực hiện chiến lược tăng tốc qua phát triển tổng tài sản và sản phẩm dịch vụ.
Hoạt động kinh doanh: năm 2008, tổng nguồn vốn huy động của Techcombank đạt 51.894 tỷ đồng. So với cuối năm 2007 nguồn huy động tăng thêm 17.047 tỷ đồng. Techcombank cũng tăng vốn điều lệ từ 2.521 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2007) lên 3.642 tỷ đồng, tăng 44%. Đến cuối năm 2008, dư nợ tăng 31% so với thời điểm cuối năm 2007 trong khi đó nợ xấu (nợ 3-5) chiếm 2,56%. Tổng lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong năm 2008 là 1.600 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2007.
Thanh toán quốc tế: doanh số thanh toán quốc tế đạt 3.369 triệu USD tăng 23,76% so với năm 2007. Tổng phí thu được từ thanh toán quốc tế là 176,42 tỷ đồng chiếm 31,07% tổng doanh thu dịch vụ.
Công nghệ thông tin:năm 2008, Techcombank đã nâng cấp thành công hệ thống T24 – R7. Hệ thống mạng nội bộ được nâng cấp bảo đảm độ an toàn cho hệ thống của ngân hàng. Công tác quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, cả phần cứng và phần mềm đều được nâng cao góp phần tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Mạng lưới: năm 2008, Techcombank đã mở thêm 40 điểm giao dịch mới, nâng số lượng chi nhánh và phòng giao dịch lên 169 điểm trải rộng trên 35 tỉnh thành trong cả nước.
Nhân sự: năm 2008 tổng số nhân viên là 2.084 người, với 78% có trình độ đại học và trên đại học, tăng 37,74% so với thời điểm cuối năm 2007, trong đó số
lượng cán bộ quản lý tăng 36,86%. Trong năm 2008, Techcombank cũng đã tăng cường đào tạo cho cán bộ với ngân sách đào tạo là 11,36 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong những năm gần đây Techcombank đã có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, đặc biệt là dịch vụ thanh toán quốc tế. Với những chiến lược phát triển phù hợp, Techcombank đã trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam hiện nay và Techcombank sẽ là một đối thủ cạnh tranh mạnh đối với những ngân hàng thương mại khác.
Ngoài các ngân hàng nêu trên Sacombank còn phải cạnh tranh với nhiều ngân hàng thương mại khác, trong đó đáng kể nhất là ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam, ngân hàng Đông Á và các ngân hàng thương mại nhà nước. Do đó, Sacombank cần phải có những chiến lược phù hợp để tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong thời gian tới.