2.3.2.1. Những tồn tại
- Cơ cấu bộ máy quản trị rủi ro tín dụng còn nhiều bất cập:
+ Cơ chế phối hợp của các đơn vị liên quan và văn hóa rủi ro: Hoạt động QTRR của PVFC chủ yếu chỉ do Ban QTRR và một số phòng, Ban có liên quan (như Ban Thẩm định, Phòng Thẩm định và Quản lý tín dụng) thực hiện, chưa có sự phối hợp có hiệu quả của các bộ phận khách hàng đơn vị khác. Đây là một hạn chế cơ bản đối với mô hình tổ chức và phân công chức năng, nhiệm vụ hiện nay của PVFC. Các đơn vị có khả năng nhưng chưa hỗ trợ thực sự hiệu quả cho QTRR về kỹ thuât, chiến lược như: Ban Quản lý dòng tiền, Ban pháp chế, Nhân sự, Bộ phận thông tin,… Hệ thống kiểm tra nội bộ chưa đạt được như hiệu quả mong muốn do tính độc lập của bộ phận này chưa được đảm bảo. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, hệ thống kiểm tra nội bộ cần phải độc lập với Ban điều hành, tuy nhiên hiện nay bộ phận kiểm tra nội bộ vẫn chịu sự chỉ đạo của Ban điều hành. Bên cạnh đó, văn hóa chia sẻ và sử dụng thông tin tại PVFC còn nhiều bất cập, hầu như chỉ có cán bộ làm công tác tín dụng mới quan tâm đến các thông tin về RRTD, còn các cán bộ khác hầu như không quan tâm đến và nếu biết thì cũng không có cơ chế truyền tải thông tin này đến bộ phận chịu trách nhiệm xử lý. Cao hơn nữa là việc một chi nhánh nếu phát hiện khách hàng của chi nhánh khác có dấu hiệu rủi ro thì chi nhánh đó cũng không kịp thời báo cho chi nhánh có quan hệ với khách hàng đó.
+ Nhân sự QTRR TD chưa đáp ứng được yêu cầu công việc: Năng lực của bộ phận QTRR còn nhiều yếu kém cả về kinh nghiệm, kiến thức và khả năng nhanh nhạy khi xem xét, đánh giá các đề xuất tín dụng và chưa có được sự thận trọng hợp lý trong quá trình phân tích, thẩm định và giám sát tín dụng. Ngoài ra, các cán bộ QTRR TD chưa thực hiện một cách đầy đủ, hết trách
nhiệm và thái độ tất cả vì công việc chung trong xử lý mối quan hệ giữa các bộ phận. Đồng thời, hiện PVFC chưa có cơ chế thuê các chuyên gia cao cấp và độc lập làm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát hay các chuyên gia kỹ thuật trong việc thẩm định các khoản tín dụng và đầu tư tại PVFC.
- Chính sách quản trị rủi ro tín dụng thiếu nhất quán, đồng bộ:
+ Hệ thống văn bản tín dụng (các quy trình, quy chế về tín dụng) còn chưa đầy đủ, đồng bộ và chồng chéo nhau. Việc ban hành sổ tay tín dụng với chức năng là cẩm nang tín dụng cho các CBTD tra cứu trong quá trình thực hiện nghiệp vụ đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được triển khai thực hiện trên toàn hệ thống. Mặt khác, hiện nay hệ thống quy trình, quy chế còn rời rạc nhau và liên tục thay đổi khiến cho các CBTD cũng như người quản lý không nắm bắt kịp thời và đầy đủ. Các chỉ thị, văn bản chỉ đạo và cảnh báo về tín dụng còn có sự trùng lắp giữa các phòng ban và chưa có sự hướng dẫn chi tiết đến các đơn vị trong toàn hệ thống. Đôi khi còn có sự hướng dẫn khác nhau giữa các phòng ban về cùng một nghiệp vụ tín dụng. Ngoài ra, hiện cũng chưa có những hướng dẫn nội bộ nêu ra các biểu hiện của một khoản tín dụng xấu và biểu hiện của một chính sách tín dụng kém hiệu quả.
+ Hệ thống thông tin báo cáo của PVFC chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác và đáp ứng nhu cầu quản trị. Việc cập nhật các thông tin về khoản vay chưa được thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống. Hiện nay phương thức QTRR TD tại PVFC tập trung chủ yếu theo chi nhánh (chiều ngang) chứ không theo khách hàng (chiều dọc), do vậy việc quản lý khách hàng để đảm bảo QTRR được xuyên suốt và toàn diện chưa thực hiện được. Điều này dẫn đến việc ra các quyết định tín dụng nhiều khi dựa trên những thông tin mất cân xứng và các rủi ro vượt ngoài tầm kiểm soát của PVFC. Hơn nữa, PVFC cũng chưa có cơ chế rõ ràng quy định ghi nhận thông tin phản hồi về đo lường hiệu quả công việc, ra quyết định và đánh giá hiệu quả của các quy trình hiện tại.
- Chưa xây dựng ban hành quy trình quản trị rủi ro tín dụng:
PVFC chưa có hệ thống văn bản quy định cụ thể về chính sách và trình tự QTRR TD như quy trình, chính sách đánh giá RRTD, quy trình kiểm tra lại và xác định những vấn đề về khoản vay. Do vậy, hoạt động QTRR TD chưa được kiểm soát chặt chẽ và thực hiện một cách thống nhất trên toàn hệ thống; hoạt động QT RR TD tại PVFC chưa được thực hiện hệ thống, bài bản, không có cơ sở áp dụng các phương pháp và kỹ thuật trong nhận dạng, chấp nhận, đánh giá, kiểm soát và giám sát rủi ro. Sự thiếu sót hệ thống chính sách này đã hạn chế tính chủ động của các đơn vị trong công tác QTRR, làm giảm tính linh hoạt của hệ thống, đồng thời hoạt động QTRR TD chủ yếu mang tính chất “chữa bệnh”, chưa có tác dụng triệt để trong công tác “phòng bệnh”. Và thực tế cho thấy, PVFC có thói quen tập trung cho việc thẩm định trước khi cho vay, trong khi lại lơ là trong việc quản lý sau cho vay. Việc theo dõi hoạt động của khách hàng vay vốn không những giúp CBTD phát hiện việc có tuân thủ các điều khoản đề trong hợp đồng tín dụng giữa khách hàng và TCTD hay không, đồng thời tìm ra những cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, PVFC chưa thực hiện tốt công tác này, việc kiểm tra sau cho vay đôi khi chỉ mang tính hình thức do yếu tố tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng của CBTD. Do chưa có quy trình QTRR TD thống nhất, nên công tác QTRR TD chưa được tiến hành một cách bài bản, nghiêm ngặt; RRTD chưa được nhận biết, đo lường, đánh giá và kiểm soát một cách chặt chẽ.
- Một số tồn tại khác:
+ Thứ nhất, khả năng phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của các ngành, thành phần kinh tế của PVFC trong những năm qua còn thiếu và yếu qua đó không đưa ra được các cảnh báo và định hướng cho hoạt động tín dụng, nhằm hạn chế đầu tư vào những ngành, thành phần kinh tế làm ăn kém hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho PVFC.
+ Thứ hai, về quản lý danh mục: Hiện PVFC mới chỉ quản lý rủi ro theo từng món vay của khách hàng là chủ yếu, việc quản lý rủi ro theo danh mục cho vay đã được đặt ra song chưa thực hiện được. Đối với từng khoản vay biện pháp phòng ngừa rủi ro phần lớn mới mang tính định tính.
+ Thứ ba, về xử lý các khoản tín dụng có vấn đề: Hiện nay việc kiếm tra sau cho vay tại PVFC nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở việc đưa ra những nhận định chung chung do khả năng nhận biết tín dụng có vấn đề còn hạn chế hoặc chưa khai thác, chưa có những biện pháp phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích hoặc bắt buộc các CBTD, cán bộ thẩm định phải chú trọng việc dự báo khả năng xuất hiện tín dụng có vấn đề. Việc đánh giá và nhận biết tín dụng có vấn đề chưa được chú trọng thực hiện tốt kéo theo việc xử lý tín dụng có vấn đề cũng chưa có những giải pháp hiệu quả và kịp thời, làm cho các khoản tín dụng xấu sẽ càng trở nên xấu hơn. Do đó, PVFC phải thực hiện đến giải pháp xử lý nợ cuối cùng đó là xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác xử lý nợ, song nhiều khoản nợ tại PVFC được xử lý từ việc sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để chuyển ngoại bảng chứ chưa thực sự thu hồi được nợ vay. Năm 2009, PVFC xuất ngoại bảng 14 khoản nợ với tổng số tiền là 194 tỷ đồng, điều này giúp PVFC có thể giảm nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của mình nhưng các khoản nợ vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, công tác xử lý nợ xấu tại các đơn vị của PVFC vẫn còn nhiều tồn tại như: Các đơn vị chưa quyết liệt trong công tác xử lý nợ; một số khoản nợ đã được xử lý để đưa ra khỏi nhóm nợ xấu, nhưng vẫn tiếp tục tái phát vào nhóm nợ quá hạn; việc thực hiện báo cáo xử lý nợ của các đơn vị còn chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc tổng hợp thông tin và đưa ra các phương án xử lý nhanh nhất của Ban QTRR còn gặp nhiều khó khăn.
Việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của PVFC và hơn hết nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến
hình ảnh, uy tín của PVFC khi tỷ lệ tổn thất tài sản (nợ nhóm 5 đưa ra ngoại bảng) tăng cao. Bảng 2.4 dưới đây thể hiện những tổn thất tài sản mà PVFC phải gánh chịu trong những năm qua:
Bảng 2.4. Bảng tổng hợp tổn thất tài sản
ĐVT: tỷ đồng
Chỉ tiêu 2009 2010 2011 2012
Nợ xấu đưa ra ngoại bảng 176,88 102,05 401,69 348
Tổng dư nợ 26.276 36.565 47.338 39.113
Tỷ lệ nợ xấu đưa ra ngoại bảng 0,67% 0,28% 0,85% 0,88% Tỷ lệ tăng năm sau/ năm trước -23,73% -42,3% 293,62% -13,2%
(Nguồn: Báo cáo tín dụng qua các năm 2009 - 2012)
Biểu đồ 2.4. Tổn thất tài sản tại PVFC từ 2009-2012
(Nguồn: Báo cáo tín dụng qua các năm 2009 - 2012)
Trong hai năm 2009 và 2010 tỷ lệ nợ xấu được đưa ra ngoại bảng liên tục giảm từ 23,73% đến 42,3%, nhưng đến năm 2011 - 2012 tỷ lệ này tăng cao. Đây là một tổn thất không nhỏ trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn như hiện nay đối với PVFC.
- Trong một thời gian dài, Hội sở chính luôn giao mức độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cho các chi nhánh với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 25- 30%/năm và coi đây là một chỉ tiêu thi đua đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch của Chi nhánh. Hậu quả là nhiều chi nhánh đã chấp nhận những khoản tín dụng có chất lượng thấp để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng và hoàn thành kế hoạch. Chiến lược này đến nay đã phản tác dụng, các khoản nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng ngày một nhiều. Bắt đầu từ năm 2009, khi PVFC chuyển sang chính sách thắt chặt tín dụng, thắt chặt các điều kiện tiêu chuẩn vay vốn, thay vì giao mức tăng trưởng như trước kia thì nay khống chế mức tăng trưởng không được vượt trần hay không được vượt giới hạn tỷ trọng hạn mức tín dụng do Hội sở chính giao. Tuy nhiên, công cụ này vẫn còn nhiều tồn tại trong việc điều tiết hoạt động tín dụng và đáp ứng mục tiêu quản trị của PVFC.
- Hệ thống cơ chế chính sách còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với cán bộ như: thưởng, phạt, trách nhiệm đến cùng về tài sản và luật pháp đối với các khoản cho vay phát sinh rủi ro của các CBTD và bộ phận liên quan dẫn đến một bộ phận cán bộ làm việc thiếu trách nhiệm, đặt lợi ích cá nhân lên trên hết và lợi dụng công việc được giao móc ngoặc với con nợ, gây thiệt hại về tài sản cho Tổng Công ty.
- Trình độ và kinh nghiệm của CBTD còn nhiều bất cập trong phân tích các thông tin kinh tế xã hội, việc phân tích đánh giá dự án cho vay còn nhiều chủ quan, chậm phát hiện các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến những sai lầm trong các quyết định cho vay, chất lượng nhiều khoản tín dụng kém kéo dài. Tại không ít các chi nhánh, nội dung các Tờ trình thẩm định dự án, trình duyệt hạn mức, trình duyệt cho vay còn sơ sài, qua loa, hình thức, thiếu những thông tin tài chính và phi tài chính cần thiết để phục vụ cho việc ra quyết định của các cấp quản lý, chưa thể hiện rõ quan điểm của người trình, đồng thời, chưa dự báo hết được những rủi ro chủ yếu có thể xảy ra để có biện
pháp phòng ngừa. Điều này dẫn đến các khoản vay sau khi được phê duyệt đã bộc lộ nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trải qua hơn 12 năm hình thành và phát triển, PVFC được biết đến là một CTTC có quy mô về vốn và uy tín nhất trong các CTTC tại Việt Nam. Trong những năm qua, PVFC đã thực hiện tài trợ cho vay không ít những dự án lớn trong ngành Dầu khí và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên nhìn vào thực trạng hoạt động tín dụng tại PVFC trong giai đoạn 2009- 2012, cho thấy, mặc dù quy mô tín dụng ngày một lớn hơn, những RRTD đang đặt ra một vấn đề thách thức lớn đối với PVFC trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2012, tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn có xu hướng tăng lên đã chứng tỏ chất lượng tín dụng giảm sút. Mặc dù, trong thời gian này nền kinh tế có nhiều biến động có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của các TCTD trong nước cũng như các doanh nghiệp những rõ ràng trong đó có trách nhiệm không nhỏ của chính bản thân PVFC. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng tín dụng và tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QTRR TD là rất cấp thiết đối với PVFC nhằm thực hiện chiến lược tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả.
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ RỦI RO TÍN DỤNG TẠI TỔNG CÔNG TY TÀI CHÍNH CỔ PHẦN
DẦU KHÍ VIỆT NAM