Đến thời điểm hiện tại, PVFC chưa ban hành cụ thể quy trình QTRR TD. Ngoài các chính sách QTRR TD, PVFC mới chỉ xác định được chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận tham gia vào hoạt động tín dụng, khái quát như sau:
- Bộ phận tín dụng (Trung tâm Giao dịch Hội sở, các phòng khách hàng tại các Chi nhánh, Phòng giao dịch trung tâm): Chủ động tiếp xúc, tư vấn và hướng dẫn khách hàng làm thủ tục xin cấp tín dụng theo đúng quy định của PVFC; thực hiện việc thẩm định tín dụng theo đúng quy định; đôn đốc khách hàng trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định; kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn, thực hiện hợp đồng tín dụng và đề xuất các biện pháp xử lý; có quyền đưa ra các ý kiến cá nhân về việc cấp hay không cấp tín dụng cho khách hàng và được bảo lưu ý kiến của mình trên Tờ
trình cấp tín dụng; CBTD chịu trách nhiệm từ khâu tiếp nhận, luân chuyển, lưu giữ hồ sơ khách hàng theo các quy định cụ thể về quản lý hồ sơ khách hàng của PVFC; kiểm tra sau cấp tín dụng...
- Bộ phận thẩm định: Tiếp nhận hồ sơ, thu thập thông tin từ đơn vị cấp tín dụng và các nguồn thông tin khác để lập báo cáo thẩm định; đề xuất các ý kiến cá nhân về về việc cấp hay không cấp tín dụng cho khách hàng; được bảo lưu ý kiến của mình trên báo cáo thẩm định; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình chất lượng tín dụng của đơn vị, báo cáo kịp thời tới cấp có thẩm quyền và đề xuất biện pháp xử lý.
- Bộ phận quyết định cấp tín dụng (Trưởng phòng giao dịch trung tâm, Giám đốc Chi nhánh, Phó Tổng giám đốc phụ trách tín dụng, Tổng Giám đốc, HĐQT): Tổ chức bộ máy thẩm định tín dụng để thực hiện công tác cấp tín dụng cho khách hàng theo đúng quy định và quy trình công việc; xem xét và phê duyệt cấp tín dụng cho khách hàng; chịu trách nhiệm về việc cấp tín dụng trong phạm vi phân cấp của mình.
- Bộ phận giám sát, quản lý tín dụng: Định kỳ hàng quý, các đơn vị đầu mối kiểm soát, giám sát (Ban QTRR, Ban kiểm toán nội bộ) có trách nhiệm đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền chất lượng tín dụng và các biện pháp phòng ngừa, hạn chế RRTD. Các bộ phận trên thuộc bộ máy điều hành của Tổng Giám đốc, được tổ chức và hoạt động theo hệ thống dọc từ Hội sở đến các đơn vị thành viên. Nhiệm vụ chính của hệ thống này là kiểm tra kiểm soát việc chấp hành các quy chế, chính sách,... của các đơn vị thành viên và báo cáo Tổng Giám đốc kết quả giám sát đó. Với chức năng như trên, về mặt lý thuyết, các bộ phận trên có vai trò rất quan trọng đối với sự an toàn và hiệu quả của Chi nhánh. Yêu cầu quan trọng nhất trong mô hình tổ chức là đảm bảo tính độc lập của các bộ phận này đối với ban lãnh đạo các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, hiện nay PVFC gặp phải mâu thuẫn khiến cho các bộ phận
trên không thể thực hiện được nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc quản trị điều hành của lãnh đạo các đơn vị và các bộ phận trực thuộc. Mâu thuẫn đó là Tổng Giám đốc muốn thông qua các bộ phận trên để giám sát kiểm tra hoạt động quản trị của Giám đốc Chi nhánh nhưng các bộ phận này lại được Giám đốc Chi nhánh điều hành hoạt động hàng ngày cũng như đánh giá mức độ hoàn thành hàng tháng. Như vậy, các bộ phận trên đã bị mất đi tính độc lập cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ, khiến cho tính hiệu quả của các bộ phận trên bị giảm đi rất nhiều.
Đối với các khoản nợ xấu, CBTD có trách nhiệm theo dõi hàng ngày và báo cáo cấp có thẩm quyền hướng xử lý. Ban QTRR có trách nhiệm căn cứ vào thực tế và các thông tin thu thập được thực hiện việc xếp loại khách hàng theo quy định. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm phê duyệt kết quả phân loại nợ.
Nhìn vào mô hình tổ chức bộ máy QTRR TD hiện tại của PVFC có thể nhận thấy, các bộ phận cần thiết nhất cho công tác này đã được thiết lập. Bên cạnh đó, chức năng nhiệm vụ để các bộ phận này thực hiện theo cũng đã được xây dựng, nhưng sự tách bạch độc lập giữa các bộ phận còn ở mức tương đối.