Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp

Một phần của tài liệu sinh kế thích ứng trước biến đổi khí hậu của cư dân đầm phá xã quảng an, huyện quảng điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 102 - 103)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.2.Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp

Nông nghiệp là một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong xã hội Việt Nam nói chung và ở xã Quảng An nói riêng. Theo số liệu thu được từ phỏng vấn hộ gia đình ở hai thôn An Xuân và Mỹ Xá, có đến 91% hộ tham gia sản xuất nông nghiệp, trong đó có 44% hộ vừa làm nông vừa làm ngư, nó được coi là một ngành kinh tế chính của các hộ dân sinh sống trên địa bàn, sau nữa là nuôi trồng thủy sản.

Sản xuất nông nghiệp là một ngành kinh tế phức tạp, biểu hiện trước hết là việc sử dụng tiềm năng sinh học, đất đai, khí hậu nguồn nước trải ra trên những địa bàn rộng lớn. Các yếu tố chi phối lớn tập trung vào sự phân tán về không gian và tính thời vụ trong sản xuất. Những biến động về khí hậu, thời tiết, cùng với sự phát triển có quy luật sinh học riêng của từng loại cây trồng, vật nuôi khiến sản xuất nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro [55, tr.5]. Nuôi trồng thủy sản ngoài kỹ thuật xử lý ao/hồ, kỹ thuật trong quá trình nuôi thì yếu tố tự nhiên cũng đóng vai trò quan trọng quyết định đến hiệu quả kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản còn phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên, nên Ban quản trị HTX NN trên địa bàn tập trung chỉ đạo sản xuất vùng lúa hàng hóa, vùng lúa có chất lượng cao theo quy hoạch nông thôn mới, đồng thời đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi đảm bảo cho việc tưới tiêu hai vụ. Ngoài ra, tăng cường quản lý phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ KHKT, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng cường áp dụng công nghệ sinh học vào đồng ruộng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hóa chất độc hại gây ra. Cùng với việc chỉ

đạo HTX vươn ra quản lý khâu thu hoạch, nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch và nhất là giảm thiểu mất năng suất do gặt lúa khi còn xanh, thì chính quyền địa phương còn vận động nhân dân mua sắm các loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Đối với chăn nuôi, ngoài việc thường xuyên kiểm soát dịch bệnh lây lan, động viên người dân tham gia tích cực, cam kết an toàn dịch bệnh, động viên người dân học hỏi những mô hình chăn nuôi có hiệu quả... thì các cơ quan chức năng tại địa phương đã tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhằm tiết kiệm chi phí, an toàn sản phẩm bảo đảm cho người chăn nuôi có hiệu quả kinh tế.

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức hoạt động của tổ hợp tác và ban vận động chuyển đổi đối tượng nuôi, phương thức nuôi theo hướng nuôi bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, họ còn mở các lớp tập huấn chế phẩm sinh học mở rộng cho nhiều hộ cùng học để vận dụng vào quá trình nuôi của mình. Nhân rộng một số mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế cao, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong quá trình xử lý ao/ hồ cho đến quá trình nuôi.

Một phần của tài liệu sinh kế thích ứng trước biến đổi khí hậu của cư dân đầm phá xã quảng an, huyện quảng điền, tỉnh thừa thiên huế (Trang 102 - 103)