Giọng điệu châm biếm, hài hước

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 91 - 92)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.1.Giọng điệu châm biếm, hài hước

Nếu như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan thường châm biếm, đả kích nhân vật một cách quyết liệt thì Lê Lựu lại hài hước, châm biếm nhẹ nhàng để sau đó lại cảm thông, xót xa cho nhân vật. Thấp thoáng đằng sau những câu chữ trong Thời xa vắng là một Lê Lựu khá hóm hỉnh và sắc sảo. Khi miêu tả chân dung của Tuyết đến thăm chồng, tác giả đã thể hiện khá chi tiết từ diện mạo, trang phục, hành động, cử chỉ, lời nói… rất cụ thể. Đó là chân dung cô gái quê Hạ Vị với “một cái áo sơ mi nõn chuối, một cái áo lót đông xuân màu hồng mặc phía trong…đầu chải bêxăngtin nhếnh nháng lật ngược và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải toan nhuộm màu nâu còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai” [33, tr. 113]. Với lối so sánh ví von độc đáo khiến người đọc bật cười trước sự tương phản cực mạnh giữa tỉnh – quê, mốt – lạc hậu… Để bức chân dung ấy được hoàn chỉnh, Lê Lựu còn đưa ra những nét vẽ về nhân vật với “ chiếc quần xúng xính dài quét gót nhưng lại xắn vận vào cạp, kéo ống lên ngang cổ chân để lộ đôi bàn chân to bè bè, chi chít những vệt gai cào”…rồi “ cả áo trong, áo ngoài kéo lên để lộ từng mảng lưng đen lằn từng múi thịt” [33, tr.113 - 114]. Miêu tả bức chân dung ấy, Lê Lựu đã khiến người đọc thấy được sự vô duyên đến nực cười của Tuyết. Ẩn đằng sau tiếng cười ấy là sự xót thương, chua chát của tác giả dành cho người phụ nữ có số phận bất hạnh đó.

Trong Hai nhà, giọng châm biếm, mỉa mai cũng được tác giả thể hiện rõ, đặc biệt là đoạn văn khi miêu tả về nhân vật Linh Anh: “ Lúc ngẩng lên đã thấy anh đứng nhìn tôi, vẫn cái nhìn lặng sâu thẳm như lửa táp khiến khắp người tôi nóng lên rần rật. Nhưng lần này tôi không lẩn tránh cái nhìn ấy. Anh nhào người ôm chầm lấy tôi. Bằng thói quen của đứa đàn bà lúc nào cũng khao khát đàn ông, bằng nỗi tấm tức với chồng…Và bằng cả sự tò mò tìm sự mới lạ, khác với sự hùng hục hành hạ của thằng chồng mình, lại cả sự tĩnh lặng này, giây phút trống trải này, hai sức lực tràn trề bị kìm nén này…tôi không những

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu http://www.lrc-tnu.edu.vn/

không cưỡng lại dù là hai bàn tay vẫn đẩy anh ra…nhưng toàn bộ tư thế đều tạo ra sự dễ dãi đến mức một thằng đàn ông chưa hề nếm trải cũng có thể tiến tới sự hoà nhập sung sướng, không hề khó khăn trở ngại gì” [32, tr. 148 – 149]. Qua những trang văn ấy, người đọc thấy được sự mỉa mai, châm biếm của tác giả dành cho nhân vật. Chính vì chạy theo những dục vọng của bản thân mà cô đã đánh mất chính mình, đã làm những việc trái với truyền thống đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Giọng châm biếm, hài hước cũng được thể hiện khá rõ nét trong Thời loạn, đặc biệt là qua nhân vật Xanh Dương Lẫm Liệt. Thật hài hước mà cũng hết sức châm biếm qua cách kiếm tiền và kiếm tình của Lẫm Liệt: “ Đã học giỏi, nhà giàu dư dật mà đêm nào cô cũng “đi dạy thêm” để tự củng cố kiến thức cho mình. Cả trường không ai hay biết rằng mấy năm trời cô đều “dạy thêm” bốn thằng đàn ông, tối nay một anh, tối mai một anh, gặp nhau ở bờ bụi, gốc cây. Hết giờ “dạy thêm” vài ba lần rồi người tình lai về gần kí túc xá, cô lại lững thững đi bộ để nhận lấy lời khen của tất cả mọi người: Bạn ấy thật tuyệt vời, không đêm nào không đi bộ dăm cây số để dạy thêm” [34, tr. 13]. Không chỉ vậy, người đọc còn ấn tượng hơn về Lẫm Liệt qua giọng văn

“Chuyện tày đình ấy nó còn kín đáo, còn êm nhẹ, lặng lẽ gấp hàng trăm lần so với cảnh hai xe máy va vào nhau và cô lại nghiễm nhiên trở thành người nghiêm túc, đứng đắn…kết quả được vào hạng ưu của cô là cái “vốn tự có” cô đã sử dụng suốt mấy chục năm nay thì bây giờ nó lại cộng với tài ba, sự thông minh, khéo léo của cô thì có việc gì mà không trôi chảy, trót lọt” [34, tr. 57]. Hỏi rằng đã có ai đủ bản lĩnh để làm như vậy chưa trong khi việc đó đối với Lẫm Liệt chỉ là việc cỏn con? Hầu như trong từng lời kể ấy, nhà văn đếu ẩn chứa giọng mỉa mai, châm biếm ở nhân vật này.

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Lê Lựu (Trang 91 - 92)