HÌNH HỌC KHÔNG GIAN LỚP 11
Từ trước tới nay hầu hết các giáo viên THPT vẫn quen dạy học với các đồ dùng dạy học đơn giản như phấn, bảng, thước và các sơ đồ, tranh ảnh hay một số mô hình cụ thể nhưng bất động. Bài giảng truyền thống này đã có nhiều đóng góp tích cực trong HĐ học tập của HS khi học về khái niệm, định lí, tính chất, giải toán … Tuy nhiên nó cũng còn một số hạn chế, chẳng hạn như: Trong dạy học khái niệm của chương quan hệ vuông góc thì chỉ xem xét được đơn lẻ một vài trường hợp của đối tượng, HS ít được quan sát các hình ảnh trực quan thể hiện các đặc trưng của mỗi khái niệm; Còn trong dạy học định lí thì thông thường GV không thể hiện được các tính đặc trưng của định lí, vì GV thiếu những phương tiện thể hiện nó như cho đối tượng chuyển động, hay không vẽ hình được chính xác tại nhiều vị trí do đó chưa làm lộ rõ được các đặc tính của định lí, từ đó GV dạy định lí thì thông thuờng áp đặt cho HS tiếp nhận nội dung định lí và chứng minh thì cũng không làm HS tích cực HĐ, HĐ tư duy không được phát huy cao; Trong giải bài tập toán về chương quan hệ vuông góc. Bài giảng truyền thống cũng gặp một số khó khăn như vẽ hình, quan sát các đối tượng trong sự tương ứng, HĐ tư duy của HS đã được quan tâm song vẫn là chưa cao …
Từ những hạn chế của Bài giảng khi chưa sử dụng sự hỗ trợ của PMDH trên và qua thực tế giảng dạy của mình, tôi nhận thấy nếu thiết kế được các Bài giảng có sự kết hợp giữa PPDH truyền thống và PPDH hiện đại là đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng, đồng thời không lãng quên các HĐ tư duy của HS thì sẽ khắc phục được gần hết những hạn chế của Bài giảng truyền thống nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng dạy và học chương quan hệ vuông góc nói riêng.
Tôi nhận thấy phần mềm Cabri có thể thực hiện được nhiều thao tác đặc biệt mà các phương tiện trực quan khác khó có thể thực hiện được trong dạy học . Chẳng hạn:
+ Ta có thể thực hiện các phép toán định lượng như đo chiều dài, đo góc, tính tỉ số... điều này giúp ích rất nhiều trong việc khẳng định tính chính xác của các chứng minh.
+ Việc chúng ta có thể tạo vết cho một đối tượng là một công cụ để dự đoán quỹ tích cho các bài toán quỹ tích trong không gian.
+ Với các mô hình không gian phức tạp với nhiều bước dựng, chúng ta có thể lần lượt cho xuất hiện từng bước dựng một cách tuần tự bằng các nút điều khiển. Thao tác này giúp ích rất nhiều trong các bài toán dựng hình hay hoạt động giải toán...
Tuy vậy với khuôn khổ hạn chế, tôi chỉ xin trình bày sau đây một số ứng dụng trong việc giảng dạy một số vấn đề trong Chương 3: Quan hệ vuông góc của chương trình hình học không gian lớp 11. Các ứng dụng này được trình bày theo các hoạt động dạy học cơ bản bao gồm: dạy khái niệm, dạy định lý, dạy giải toán và giúp học sinh thấy được một số ứng dụng thực tế.