VI. KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ BIỂN
2. Nuôi thịt cá chẽm bằng lồng bè trên biển
Nuôi cá chẽm trên biển được phát triển rộng rãi ở các nước Thái Lan Malayxia, Indonesia, Hồng Kông…Thành công của việc nuôi cá chẽm lồng trên biển và triển vọng kinh tế của nó có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển hệ thống nuôi đối tượng này trên qui mô lớn.
2.1. Những yêu cầu khi chọn vị trí lồng nuôi.
Tránh những nơi, sóng to, gió lớn. Vị trí thích hợp là những vũng vinh, đầm phá, eo biển, biển nội địa ít sóng gió,…
Chất lượng nước tốt, tránh xa vùng nước bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt cũng như những độc tố môi trường khác.
Nơi ít bị ảnh hưởng của thủy triều. Tránh đặt lồng ở những nơi nước chảy quá mạnh.
Các yếu tố môi trường ổn định: độ mặn 13-30 ppt; nhiệt độ nước lớn hơn 26 OC; độ pH 7,5-8,5
Tránh những khu vực có sinh vật bám.
Gần nguồn giống và nguồn cung cấp thức ăn cho cá. Nơi có quá trình giao thông trên biển thuận lợi.
2.2. Thiết bị xây dựng lông
Lồng nuôi cá biển có dạng hình chữ nhật hay vuông có kích thước 20-100 m3 là thích hợp vì dễ làm, dễ quản lý và bảo trì. Lồng nuôi cá chẽm thịt làm bằng lưới nylon với kích thước mắt lưới thay đổi 1-4 cm tùy theo kích cở cá.
Bảng kích thước mắt lưới tùy theo cở cá
Kích thước mắt lưới Cở cá (cm)
1 5-10
2 20-30
3 Lớn hơn 25
Có hai loại lồng dùng cho nuôi cá biển nói chung và cá chẽm nói riêng như sau:
2.2.1 Loại 1: lồng nổi (lồng bè)
* Thiết kế lồng
Thông thường một cơ sở nuôi cá có nhiều lồng (4-20 lồng) ghép thành bè nổi, giữa các bè liên kết với nhau bởi các thanh gỗ lớn và hệ thống đinh ốc vừa bảo đảm kết nối vừa làm đường lối đi khi cho ăn, kiểm tra đảm bảo toàn.
Mỗi bè nhỏ trong hệ thống bè nuôi thường có 4 lồng, kích thước 6 x 6 x 4m hoặc 4 x 4 x 5 m.
* Cấu trúc lồng gồm có các phần chính sau:
Khung gỗ bè: Làm bộ khung tạo dáng cho bè, đồng thời liên kết với các lồng tạo thành hệ thống nuôi. Để tạo thành hệ thống bè 4 lồng cần 12 thanh gỗ có kích thước 8 x 15 cm; dài 6,2 m hay 4,2 m.
Bulon-200 số lượng 44 cái
Lắp đặt: đặt dọc 6 thanh gổ theo 3 cặp, sau đó đặt 3 cặp theo chiều ngang. Dùng khoan để khoan các lổ bulon, đồng thởi đánh số thứ tự từng cặp và từng vị trí để dễ dàng cho việc ráp bè.
* Chuồng lưới
Là nơi dùng để nuôi lớn các loài cá giống thành cá thương phẩm. Đồng thời là nơi nuôi nhốt cá sống nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Tùy theo cỡ cá nuôi, chọn kích thước mắt lưới làm lồng ( 1-4 cm ). Nếu kích thước mắt lưới quá dày thì có thể bảo vệ giống nuôi tốt cản được dòng nước có lưu tốc lớn tránh ảnh hưởng đến đối tượng nuôi. Tuy nhiên nhược điểm là hạn chế nước lưu thông qua lồng, các chất thải, thức ăn dư thừa tồn đọng dễ gây ô nhiễm môi trường, thiếu oxy, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi.
Ngược lại nếu kích thước lưới thưa thì việc lưu thông nước tốt, môi trường sạch nhưng con giống dễ bị thất thoát, cá nuôi khi va chạm thành lưới dễ bị xây xát, tạo điều kiện cho mầm bệnh dễ xâm nhập, cá dễ bị bệnh.
Lưới sau khi tính toán thiết kế được liên kết lại và định vị chắc vào khung lồng. Đáy lưới được định vị bằng khung làm từ ống nước mạ kẽm có Φ = 15-21 mm, bốn góc có thể treo bốn khối bê tông.
* Hệ thống phao nổi
Nhiệm vụ nâng toàn bộ hệ thống lồng có thể dùng thùng xốp hay thùng nhựa 200 lít ( chiều dài 0,95 m, đường kính 0,57 m) .Ngoài ra có thể sử dụng thùng phi sắt, thùng xốp, can nhựa.
Số lượng phao phụ thuộc vào sức nâng của mỗi phao và độ lớn của lồng. Thông thường mỗi bè 4 lồng cần 18 – 30 thùng phi nhựa 200 lít.
Ngoài hệ thống bè nuôi cần có nhà bè để bảo vệ và phục vụ sản xuất. Hệ thống lồng bè thường được thiết kế ở những vùng biển sâu xa bờ.
Cố định bè
Bè có thể bị trôi dạt đi nơi khác theo dòng chiệu hoặc có thể bị gãy trong mùa mưa bão nên phải cố định bè tại vị trí thích hợp. Thường dùng 4 neo ( 50 kg/cái) để cố định bè.Mỗi neo được nối với một đoạn dây thừng có Φ = 24, dài 20 – 25 m. Nếu độ sâu hơn 10 m và sóng lớn thì dây phải dài 30 – 50 m.
2.2.2 Lồng cố định
Lồng cố định được thiết kế nuôi ở khu vực gần bờ, độ sâu thấp (< 3 m), cấu tạo lồng thường đơn giản, đầu tư ít. Lồng cố định có thể sử dụng để nuôi cá hoặc nuôi tôm hùm.
* Thiết kế xây dựng lồng
Vật liệu : dùng gỗ tròn có chiều dài 4 – 4,5 m. Số lượng tùy theo diện tích đáy lồng. Lưới nilon kích thước mắt lưới 2a = 1 – 2,5 cm.
Các loại dây giềng lưới dây buộc gỗ và lưới. * Lắp ráp lồng
Sau khi lựa chọn địa điểm nuôi, các cọc gỗ một đầu được vót nhọn để găm xuống đất, khoảng cách giữa hai cọc 1 – 2 m. Sau khi đóng cọc xong tiến hành cột các thanh ngang làm thành khung lồng (dạng hình vuông hay hình chữ nhật).
Lưới được định vị phía trong khung gỗ bởi các dây chằng ngang dọc tạo thành một khung lưới. Đáy lưới được chôn sâu dưới đáy lớp cát, hoặc có thể treo cách đáy 0,5 m (theo dạng khung lưới lồng nổi) nếu đảm bảo độ sâu. Phía trên ghép một lớp lưới bảo vệ.
Cả hai loại lồng, ngoài các lồng nuôi cần một số lồng dự trữ để phân cỡ, san thưa hoặc chuyển cá khi vệ sinh lồng.
Hai loại lồng nổi và lồng cố định khác nhau về cách làm, thao tác sản xuất và chi phí đầu tư.
Bảng so sánh một số đặc tính của lồng nổi và lồng cố định
Đặc điểm Lồng bè nổi Lồng cố định
Ưu điểm Dễ di chuyển khi gặp điều kiện bất lợi.
Không phụ thuộc vào độ sâu mực nước.
Lồng làm đơn giản Vốn cố định không cao
Nhược điểm Làm lồng phức tạp Vốn cố định cao
không di chuyển khi gặp điều kiện bất lợi.
phụ thuộc vào độ sâu mực nước.
2.3. Chọn giống và thả giống
giống được thả nuôi có thể là giống tự nhiên hoặc giống nhân tạo. Cá giống được tuyển chọn là những con khỏe mạnh không bị thương tật, có kích thước đồng đều. Nhóm có kích thước đồng đều nuôi chung trong một lồng. Nếu điều kiện môi trường chênh lệch, cần thuần hóa cá trước khi thả tránh hiện tượng bị sốc.
Mật độ thả ban đầu 40 – 50 con/m3. Sau 2 – 3 tháng nuôi cá đạt cỡ 200 – 300 g/con, lúc này san thưa giảm mật độ xuống 5 – 10 con/m3.
Thường thả giống vào sáng sớm hoặc chiều mát.
2.4. Quản lý và chăm sóc
Thức ăn, liều lượng và cách cho ăn tiến hành giống như nuôi trong ao đất. Quản lý cần thường xuyên theo dõi lồng do luôn ngập trong nước, lồng có thể bị phá hoại bởi các động vật thủy sinh như cua, rái cá… Nếu lồng bị hư hỏng phải lập tức sửa chữa hoặc thay mới.
Ngoài quá trình bám sinh học, lưới lồng còn là nơi dễ bị bịt kín vì lưới có bề mặt thuận lợi cho các sinh vật như lưỡng thê, giun nhiều tơ, động vật chân tơ, động vật thân mềm bám vào làm giảm sự trao đổi nước, có thể gây sốc cho cá, do oxy hòa tan thấp đồng thới tích tụ các chất cặn bã. Chính vì thế sẽ ảnh hưởng tính ăn và sức tăng trưởng của cá.
Cho đến nay việc vệ sinh lưới lồng theo phương pháp cơ học vẫn là phương pháp hiệu quả và rẻ nhất. Ở những vùng có nhiều sinh vật bám cần tăng cường chà rửa lồng hoặc sử dụng lồng lưới luân phiên.
Ngoài việc vệ sinh lồng, còn định kì theo dõi các yếu tố môi trường, tốc độ tăng trưởng của cá, để có kế hoạch điều chỉnh hợp lý. Cần xác định sớm mầm bệnh để xử lý kịp thời.
2.5. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi từ 5-6 tháng cá đạt cỡ 500-600 g/con tiến hành thu hoạch. Khi thu kéo lưới lên gần mặt nước dùng vợt bắt từng con nhằm giữ cho cá không bị xây xát làm kém giá trị.