IX. Cấu trúc của luận văn
2.1 Lựa chọn hệ thống bài tập
Như ta đã biết bài tập vật lý có tác dụng to lớn trong việc giáo dục, giáo dưỡng, giáo dục kỹ thuật tổng hợp đặc biệt là phát huy tính tích cực của học sinh. Tác dụng đó càng được phát huy nếu ta lựa chọn được hệ thống các bài tập phù hợp với những yêu cầu phát huy tính tích cực của học sinh. Hệ thống bài tập được lựa chọn phải thoả mãn các yêu cầu sau:
- Như đã trình bày ở chương I, để kích thích hứng thú của học sinh, các bài tập phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp về phạm vi và số lượng các kiến thức, kỹ năng cần vận dụng, số lượng các đại lượng cho biết và các đại lượng cần phải tìm…Giúp học sinh nắm được phương pháp giải các bài tập điển hình.
- Mỗi bài tập phải là một mắt xích trong hệ thống bài tập, đóng góp vào việc củng cố, hoàn thiện và mở rộng kiến thức cho học sinh
- Hệ thống bài tập được chọn giải giúp học sinh nắm được phương pháp giải từng loại bài tập cụ thể.
- Để kích thích hứng thú, một điều quan trọng của tính tích cực của học sinh nên chọn những bài tập có những nội dung thực tế, đó là những bài tập liên quan trực tiếp đến đời sống, tới kỹ thuật sản xuất, tới thực tế lao động của học sinh vì như đã phân tích ở trên con người chỉ hứng thú với những gì gắn liền với kinh nghiệm, cuộc sống của họ.
- Cũng cần chọn những bài tập mang yếu tố nghiên cứu, nhằm giúp học sinh phát triển tư duy. Đó là những bài tập muốn giải được học sinh phải suy
nghĩ, phân tích tỉ mỉ, cẩn thận, đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo chứ không thể áp dụng một cách máy móc các công thức vật lý. Những bài tập như thế có thể cho thiếu hoặc thừa dữ kiện và cũng có thể mang tính chât ngụy biện và nghịch lý.
Ngoài ra cũng cần sử dụng những bài tập giả tạo tuy không có nội dung kỹ thuật, thực tế, vì các quá trình trong đó được đơn giản hoá đi nhiều hoặc người ta đã cố ý ghép nhiều yếu tố thành một đối tượng phức tạp để tập nghiên cứu, nhưng nó có tác dụng giúp học sinh quen với việc áp dụng kiến thức, hình thành và rèn luyện kỹ năng giải bài tập. Như vậy, những bài tập giả tạo có tác dụng rèn kiến thức, phương pháp cho học sinh, đó cũng là một điều kiện để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh Từ những yêu cầu đó, cần cho học sinh bắt đầu việc giải bài tập về một đề tài bằng những bài tập định tính hay bài tập tính toán tập dượt. Sau đó mới đến các bài tập tính toán tổng hợp, bài tập đồ thị, bài tập thí nghiệm và những bài tập khác phức tạp hơn.
Đối với học sinh thì hệ thống bài tập lựa chọn cần chú ý hơn đến yêu cầu vừa phải đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức, rèn kỹ năng giải bài tập vừa phải chú ý giảm bớt những khó khăn cho học sinh và kích thích hứng thú của học sinh đối với công việc giải bài tập. Vì thế hệ thống bài tập vật lý được lựa chọn cho học sinh bắt đầu bằng nhiều bài tập cơ bản hơn rồi mới đến các bài tập phức hợp với mức độ phức tạp tăng dần. Làm như vậy vừa đảm bảo yêu cầu vừa sức học sinh vừa tạo cho các em có một trình độ xuất phát vững chắc, tạo điều kiện phát huy hoạt động tích cực của học sinh.
Để chọn được hệ thống bài tập phù hợp với học sinh theo chúng tôi giáo viên phải tiến hành như sau:
- Trên cơ sở yêu cầu của chương trình, giáo viên phân tích, xác định các kiến thức cơ bản học sinh cần nắm vững trong mỗi đề tài (bài, chương, phần) các kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh ứng với mỗi đề tài đó, từ đó chọn ra các loại bài tập cơ bản tối thiểu ứng với từng kiến thức cơ bản. Khi lựa chọn các bài tập cơ bản giáo viên cần chú ý: Bài tập cơ bản về một kiến thức nào đó là chỉ nói đến yếu tố mới cần vận dụng trong việc giải bài tập mà trước khi học kiến thức ấy học sinh không thể nghĩ ra được.
Bài tập phức hợp được lựa chọn trên cơ sở một số bài tập cơ bản theo các dạng: nghịch đảo giữa cái đã cho với cái phải tìm; phức tạp hoá cái đã cho; phức tạp hoá cái phải tìm; phức tạp hoá cả các đã cho với cái phải tìm; ghép nội dung nhiều bài tập cơ bản với nhau . Số lượng các bài tập và mức độ phức tạp của các bài tập cần dựa trên đối tượng học sinh, trong đó lưu ý đến những dạng tiêu biểu của kiến thức cần vận dụng.