Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành là quá trình lâu dài, hợp quy luật

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trongcông nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực miền núi Thanh Hoá hiện na (Trang 57 - 60)

dài, hợp quy luật

Để có thể thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành một cách có hiệu quả, đạt được những mục tiêu, yêu cầu đặt ra cần quán triệt quan điểm coi chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành là một quá trình lâu dài, bám sát sự vận động thực tiễn, tôn trọng khách quan. Bởi lẽ: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành là quá trình gắn liền với sự phát triển lực lượng sản xuất, chịu sự tác động của nhiều nhân tố cả khách quan và chủ quan. Do vậy, quá trình tổ chức thực hiện phải dựa trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất khu vực miền núi Thanh Hoá. Tuỳ theo trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, các yếu tố về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực để có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế cho phù hợp. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ

cấu kinh tế ngành chịu sự chi phối của nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, thường xuyên phải chịu tác động từ nhiều phía. Do vậy, cần phải thường xuyên bám sát sự vận động thay đổi của điều kiện khách quan và các yếu tố chủ quan để tiến hành với những bước đi phù hợp, nằm trong chiến lược phát triển chung của tỉnh và khu vực.

Thực tiễn trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội của vùng còn thấp. Vì vậy, cần tránh mọi biểu hiện nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong quá trình tổ chức thực hiện. Nếu địa phương nào chạy theo chỉ tiêu một cách khiên cưỡng, không nắm bắt kịp thời sự thay đổi của các điều kiện khách quan và chủ quan sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Để thực hiện quan điểm này một cách hiệu quả, yêu cầu đặt ra là:

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành phải dựa trên cơ sở sự phát triển của lực lượng sản xuất, thực tiễn kinh tế xã hội. Quá trình xác lập quan hệ sản xuất, sự hình thành và phát triển của các ngành phải dựa trên sự phát triển của lực lượng sản xuất. Một cách cụ thể hơn là quá trình phát triển các ngành nghề phải có sự lựa chọn phù hợp, khai thác được những thế mạnh của khu vực. Sự phù hợp trong quá trình phát triển của các ngành nghề thể hiện trước hết ở khả năng khai thác những thế mạnh riêng có tại khu vực miền núi Thanh Hoá. Mặt khác, việc lựa chọn phát triển ngành này hoặc ngành khác phải dựa trên các điều kiện về nhân công, thị trường, cơ chế chính sách…; tính toán đầy đủ các yếu tố khó khăn hoặc thuận lợi tác động đến quá trình hình thành và phát triển của các ngành.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, trình độ phân công lao động xã hội, quá trình chuyên môn hoá, hiệp tác hoá sẽ là cơ sở hình thành nên các ngành kinh tế trong khu vực. Muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành đạt được mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ tại địa phương. Tuy nhiên, miền núi Thanh Hoá có những đặc thù riêng, do vậy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ phải diễn ra phù hợp

với trình độ phát triển hiện có của nền kinh tế. Kết hợp chặt chẽ giữa tuần tự và nhảy vọt hợp lý. Về cơ bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật tại khu vực miền núi Thanh Hoá là một quá trình lâu dài, từng bước thay thế kỹ thuật thô sơ bằng công cụ, công nghệ hiện đại. Mỗi bước phát triển phải dựa trên cơ sở hiện có, đồng thời có những bước đi táo bạo, mang tính chất đột phá nhằm đẩy nhanh tốc độ ứng dụng khoa học công nghệ.

Kinh tế hàng hoá là thước đo của sự phát triển kinh tế nói chung, bao hàm trong nó cả sự phát triển của các ngành kinh tế. Từ đó có thể hiểu, sự phát triển của kinh tế hàng hoá thể hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành. Đồng thời, muốn phát triển các ngành nghề, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hoá. Sự hình thành và phát triển của các ngành kinh tế, sự thay đổi mối quan hệ tỷ trọng giữa các ngành sẽ không thể diễn ra trong nền kinh tế tự cấp, tự túc. Kinh tế hàng hoá khu vực miền núi Thanh Hoá đang trong quá trình phát triển, dấu ấn của kinh tế tự nhiên vẫn còn tồn tại. Do vậy, quá trình phát triển kinh tế hàng hoá phải được tiến hành phù hợp với trình độ phát triển chung. Trên cơ sở hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển sản xuất hàng hoá diễn ra tương ứng.

Hoạt động dịch vụ khu vực miền núi Thanh Hoá trong những năm vừa qua phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Sự phát triển của hoạt động dịch vụ nhằm đảm bảo tốt hơn cho các hoạt động kinh tế trong khu vực. Do vậy, phát triển dịch vụ phải dựa trên mức độ phát triển của kinh tế khu vực. Từng bước tiếp cận và hình thành các ngành dịch vụ hiện đại trên cơ sở sự chuẩn bị vững chắc về cơ sở vật chất, con người và những điều kiện hạ tầng khác.

Muốn dựa trên cơ sở sự phát triển lực lượng sản xuất và thực tiễn kinh tế - xã hội cần bám sát sự vận động của các yếu tố tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các yếu tố này bao gồm cả những nhân tố khách

quan và chủ quan, đòi hỏi phải có tầm nhìn bao quát, toàn diện về sự dịch chuyển chung. Đồng thời, cần nhận rõ sự vận động của một, một nhóm yếu tố hoặc toàn bộ các yếu tố. Quá trình hoạch định đường lối, chính sách và xây dựng các kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải tiên lượng trước những thay đổi của các yếu tố, chủ động điều chỉnh khi có sự thay đổi của các yếu tố.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành là quá trình lâu dài. Do vậy, những biểu hiện nóng vội, chủ quan, duy ý chí, xa rời thực tiễn sẽ khiến cho quá trình này đạt những kết quả không mong muốn. Chủ động, sáng tạo trên cơ sở thực tiễn; đột phá ở những khâu then chốt sẽ là điều kiện tiên quyết nhằm đạt được mục tiêu của quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trongcông nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực miền núi Thanh Hoá hiện na (Trang 57 - 60)