khoa học quản trị cần phải xem xét xây dựng lại?
Giả định trong khoa học quản trị
Các giả định cơ bản về thực tiễn chính là những khuôn mẫu của các môn khoa học xã hội chẳng hạn như khoa học quản lý.
Những giả định cơ bản về thực tiễn của môn khoa học sẽ quyết định bộ môn đó tập trung vào cái gì. Nó quyết định cái mà môn khoa học coi là “thực tiễn” và thực ra nó quyết định luôn cả lĩnh vực nghiên cứu của môn khoa học đó. Các giả định cũng quyết định phần lớn cái gì sẽ bị bỏ qua, hoặc vứt ra rìa như là một “ngoại lệ khó chịu”.
Đối với một ngành khoa học xã hội như khoa học quản lý thì những giả định thực ra quan trọng hơn nhiều so với những định đề trong môn khoa học tự nhiên. Đối tượng nghiên cứu của một môn khoa học xã hội như môn khoa học quản lý là hành vi của con người và các định chế của con người. Xã hội chịu sự thay đổi liên tục làm cho những giả định đúng đối với ngày hôm qua có thể trở nên không đúng và hoàn toàn sai vào bất cứ lúc nào.
Do đó, điều quan trọng nhất trong môn khoa học xã hội như môn quản lý là các giả định cơ bản. Và sự thay đổi các giả định cơ bản lại càng quan trọng hơn.
Những giả định của khoa học quản trị cần phải xem xét xây dựng lại
1. Giả định 1 : Có một mô hình tổ chức duy nhất đúng
- Giả định trước đây là có một mô hình tổ chức duy nhất đúng cho mọi tổ chức. Khoa học quản trị có nhiệm vụ đi tìm kiếm mô hình này.
- Thực tế cho thấy mỗi một mô hình tổ chức có những điểm mạnh và có những hạn chế nhất định, mỗi một mô hình có những áp dụng cụ thể. Không có một mô hình tổ chức duy nhất đúng. Mô hình tổ chức chỉ là công cụ để con người trở nên hữu hiệu khi làm việc với nhau.
2. Giả định 2 : Có một cách duy nhất để quản trị con người
- Giả định trước đây là có một cách duy nhất đúng để quản trị con người. Khoa học quản trị phải đi tìm cách thức đó. Giả định này dẫn đến kết luận là người lao động của một tổ chức là người lệ thuộc, họ phải gắn bó suốt đời với tổ chức, cuộc sống của họ phụ thuộc vào tổ chức.
- Giả định này không còn đúng nữa. Thứ nhất, ngày càng có nhiều người mặc dù làm việc cho một tổ chức nhưng họ không phải là nhân viên của tổ chức, họ là các cộng tác viên. Thứ hai, trong các tổ chức ngày càng có nhiều người trở thành lao động tri thức. Những người lao động tri thức rất cơ động, họ có thể ra đi bất kỳ lúc nào vì họ làm chủ phương tiện của mình, đó là tri thức.
3. Giả định 3 : Công nghệ và người sử dụng cuối cùng đã được xác định từ trước
- Giả định trước đây là mỗi một ngành có một công nghệ và một sản phẩm riêng của mình, các công nghệ khác là không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít và đối tượng sử dụng cuối cùng của một sản phẩm là cố định và đã được xác định từ trước.
- Giả định này không còn đúng nữa. Các công nghệ ngày nay không tồn tại song song mà đan xen vào nhau. Mọi công nghệ đều hữu dụng và đều có ảnh hưởng đến một ngành cụ thể. Đối tượng sử dụng cuối cùng không còn gắn với một sản phẩm hay một dịch vụ nữa. Chỉ có nhu cầu, chứ không phải phương tiện để thỏa mãn nhu cầu, mới là duy nhất.
- Kết luận rút ra là, không phải công nghệ, không phải đối tượng sử dụng cuối cùng là nền tảng cho chính sách quản trị kinh doanh. Nền tảng của chính sách quản trị kinh doanh phải là những giá trị của khách hàng và những quyết định phân bổ nguồn thu nhập để chi tiêu của khách hàng.
4. Giả định 4 : Nội bộ của tổ chức là lãnh địa của quản trị
- Giả định trước đây là nội bộ tổ chức là lãnh địa của quản trị, điều đó có nghĩa là quản trị chỉ tập trung vào những vấn đề bên trong tổ chức, tức là chỉ tập trung vào chi phí, những trung tâm chi phí.
- Giả định này dẫn đến nhiều bất hợp lý. Thứ nhất, dẫn đến sự phân biệt giữa năng lực quản trị và năng lực kinh doanh. Thực tế năng lực quản trị và năng lực kinh doanh chỉ là hai khía cạnh của một nhiệm vụ. Thứ hai, trong khi quản trị tập trung vào những vấn đề nội bộ thì kết quả hoạt động của mọi tổ chức lại nằm bên ngoài tổ chức.
- Giả định mới là lý do tồn tại của quản trị là nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức. Quản trị phải xuất phát từ mục tiêu mong đợi của tổ chức, phải huy động được các nguồn lực của tổ chức để đạt được các kết quả nằm bên ngoài tổ chức.
5. Giả định 5 : Phạm vi của quản trị được xác định theo pháp lý
- Giả định trước đây là phạm vi của quản trị được xác định theo pháp lý, điều đó có nghĩa là phạm vi của hoạt động quản trị (phân công, chỉ huy, kiểm soát) được quy định theo pháp lý, cán bộ quản trị không được hành động vượt quá các giới hạn mà khung pháp lý của tổ chức đã quy định.
- Giả định này không còn đúng nữa. Thực tế khung pháp lý của một tổ chức không đủ để quản trị một tổ chức. Quản trị phải bao trùm toàn bộ quá trình hoạt động của tổ chức. Phạm vi của quản trị phải dựa trên cơ sở thực tế hoạt động.