Trong công tác cấp bán, quản lý hóa đơn cơ quan thuế phát hành

Một phần của tài liệu “Các giải pháp tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn trên địa bàn quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội” (Trang 53 - 55)

* Công tác cấp bán hóa đơn:

Thực hiện theo Nghị định mới, từ năm 2012 cơ quan thuế chỉ bán hóa đơn cho hộ, cá nhân kinh doanh và các DN có rủi ro về thuế. Tuy vậy, những vi phạm mà nguồn gốc là việc sử dụng hóa đơn của Bộ tài chính phát sinh từ trước đến này vẫn là rất lớn cho nên việc tăng cường quản lý trong công tác này luôn là điều hết sức cần thiết. Cụ thể là:

- Xác định phù hợp hơn các đối tượng được mua hóa đơn của cơ quan thuế, ví dụ như những DN sử dụng số lượng hóa đơn ít ở một mức nhất định thì có thể lựa chọn tự đặt in/ tự in hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế. Như vậy, những người nộp thuế sử dụng ít hóa đơn sẽ đỡ tốn kém chi phí sử dụng hóa đơn mà cơ quan thuế lại có thể quản lý tốt những đối tượng này.

- Để tăng cường theo dõi đối tượng sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế, phòng Ấn chỉ cần tiến hành thống kê và báo cáo thường xuyên số lượng các đơn vị đăng ký mua và số lượng hóa đơn đã mua.

- Công khai thủ tục, hồ sơ mua, cấp hóa đơn tại cơ quan thuế tạo sự rõ ràng, minh bạch trong quy trình cấp, bán hóa đơn đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng có thể tự tìm hiểu và nắm bắt để thực hiện dễ dàng hơn.

- Hiện tại, hệ thống thiết bị công nghệ còn chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác cấp, bán cụ thể là hệ thống in hóa đơn bán ấn chỉ. Cho nên cần hoàn thiện hệ thống thiết bị công nghệ, hỗ trợ trong việc cấp, bán hóa đơn.

* Công tác quản lý sử dụng hóa đơn:

- Tiến hành theo dõi và xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với các đối tượng đã sử dụng hóa đơn nhưng không tiến hành nộp báo cáo sử dụng, làm mất hóa đơn mà không báo với cơ quan thuế, để nhằm nâng cao ý thức chấp hành chế độ quản lý hóa đơn của các đối tượng nộp thuế. Đặc biệt, cần coi trọng việc theo dõi những DN bỏ trốn khỏi địa bàn hoặc tự ý ngừng kinh doanh, thông báo rộng rãi lên mạng chung của ngành thuế để các đơn vị khác biết vì đây là một nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng DN ma hiện nay.

- Phân loại các đối tượng nộp thuế theo hình thức và mức độ vi phạm để tiến hành theo dõi trong việc chấp hành sử dụng hóa đơn. Cụ thể, đối với những đối tượng vi phạm nhiều lần cần phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra những đối tượng này tại trụ sở cơ quan thuế cũng như tại địa điểm kinh doanh của đơn vị. Đối với những đối tượng có khả năng vi phạm cao như những đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống, karaoke, của hàng bán lẻ cần phải kiểm tra thực tế việc sử dụng hóa đơn của những đơn vị này vì trong quá trình bán hàng rất có thể sẽ không cung cấp hóa đơn cho khách hàng theo quy định pháp luật hoặc làm khó những khách hàng muốn nhận hóa đơn.

Một phần của tài liệu “Các giải pháp tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn trên địa bàn quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội” (Trang 53 - 55)