a) Thực trạng phát triển các ngành kinh tế
Từ năm 2001 đến nay, nền kinh tế của huyện tiếp tục ổn định và phát triển đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, đó là: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế; Nông nghiệp - nông thôn có sự chuyển dịch cơ cấu các loại hình, các thành phần kinh tế; công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng; năng lực sản xuất của nhiều ngành, nhiều sản phẩm tăng cao. Các ngành dịch vụ tiếp tục có chuyển biến, quy mô thị trường tiếp tục được mở rộng; Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nhìn chung: hiện nay kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là kinh tế nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy chưa đạt mức theo yêu cầu nhưng đã có dấu hiệu chuyển đổi tích cực.
b)Thực trạng phát triển ngành công nghiệp - TTCN
Trong những năm gần đây, GTSX công nghiệp của Huyện Bảo Lâm tiếp tục tăng cao, đạt tốc độ tăng bình quân 29,93%/năm giai đoạn 2005 - 2009. GTSX công nghiệp tăng dần từ 79.250 triệu đồng năm 2005 lên 197.859 triệu đồng năm 2009 (giá 1994). Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp - TTCN của Huyện Bảo Lâm vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, chủ yếu là sản xuất TTCN. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là khai khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng.
Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đã có bước phát triển khá. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa thật sự đảm bảo ổn định và bền vững, hiệu quả sản xuất thấp, giá trị gia tăng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng công nghiệp thiếu và chưa đồng bộ, chưa khai thác được lợi thế về địa kinh tế của huyện. Công nghiệp chế biến phát triển nhanh, trong đó có chế biến gỗ, sản phẩm làm từ gỗ, tre, nứa...
Công nghiệp khai thác khoáng sản, mỏ đã và đang được đầu tư khai thác. Hiện nay, đã có 1 tổ hợp bauxit nhôm Lâm Đồng công suất 630.000 tấn/năm do Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư. Về cơ cấu. Năm 2009 công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 96,42%, công nghiệp khai thác chiếm tỷ trọng nhỏ chiếm 0,38%, Công nghiệp sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước chiếm 3,20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Trong những năm gần đây, do điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của người dân được nâng lên là cơ sở thúc đẩy nhu cầu xây dựng ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng GTSX ngành xây dựng giai đoạn 2005 - 2009 là 147,88%/năm. Cũng nhờ sự phát triển vượt bậc này đã giúp cho tỷ trọng ngành xây dựng trong GTSX trên địa bàn huyện ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện, góp phần giải quyết việc làm cho người lao
động địa phương, tăng thu nhập cho người dân và góp phần ngày càng lớn trong phát triển kinh tế của huyện.
c)Thực trạng phát triển các ngành dịch vụ - thương mại
Trong giai đoạn 2005 - 2009 ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49,59%/năm.
Số cơ sở dịch vụ và lao động kinh doanh dịch vụ năm 2009 có 2.725 cơ sở, trong đó số hộ kinh doanh cá thể là 2.693 hộ, chiếm 98,83%, số lao động kinh doanh dịch vụ là 3.970 lao động.
Hoạt động của hệ thống nhà hàng, khách sạn bước đầu đã có hiệu quả. Hệ thống các cửa hàng ăn tập trung chủ yếu ở điểm đông người và trung tâm xã, thị trấn. Các khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành đã được đầu tư xây dựng, hiện nay đã có 375 các khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành quy mô lớn nhỏ trong toàn huyện.
Cơ sở vật chất cho ngành thương mại, dịch vụ đã được đầu tư, hệ thống chợ nông thôn, chợ đầu mối đã được đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng như chợ Trung tâm thị trấn Lộc Thắng, mạng lưới giao thông được cải tạo, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hoá.
Dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển. Ngân hàng, tín dụng đã bám sát chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, mở rộng diện cho vay hộ tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp có nhu cầu vốn được vay vốn để đầu tư phát triển.